Trụ đỡ của nền kinh tế

10:48, 06/01/2025
.
 

 

 
 

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 ước đạt trên 19,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2023; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp trên 9.800 tỷ đồng (tăng 3,9%), lâm nghiệp gần 2.200 tỷ đồng (tăng 3,3%), thủy sản gần 7.500 tỷ đồng (tăng 3%). Kim ngạch xuất khẩu (đến ngày 30/11/2024) các mặt hàng thủy sản, tinh bột mì, đồ gỗ, dăm gỗ nguyên liệu giấy...  đạt gần 267 triệu USD. Qua đó đảm bảo sinh kế cho trên 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và chiếm 16,3% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

GIÁM ĐỐCSO73

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) tham quan các sản phẩm OCOP được trưng bày tại huyện Mộ Đức.

Hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

 

Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đánh dấu bước chuyển căn bản về chất, như hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 97/148 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 huyện là Nghĩa Hành và Tư Nghĩa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là nền tảng quan trọng, tạo tiền đề thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi được đầu tư kiên cố
Hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi được đầu tư kiên cố

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương khẳng định, ngành nông nghiệp đã có sự đổi mới và linh hoạt trong điều hành theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, tri thức hóa nông dân... Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn theo hướng phát triển bền vững, được thể hiện rõ nhất ở việc tiếp cận người tiêu dùng qua việc coi trọng chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngay từ thị trường trong nước, chứ không riêng gì xuất khẩu.

 

Sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy phát triển nông nghiệp chính là hoạt động sản xuất không bó hẹp vào tiết kiệm chi phí, mà liên tục tái đầu tư để sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn, hướng đến phân khúc thị trường khó tính hơn. Trong số 213 sản phẩm được gắn sao OCOP (17 sản phẩm OCOP 4 sao và 196 sản phẩm OCOP 3 sao), nhiều sản phẩm đã được chủ thể đầu tư nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với thay đổi, cải tiến bao bì, nhãn mác. Đồng thời, 153/213 sản phẩm đã có mặt trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại khác. 

Các sản phẩm OCOP của địa phương.
Các sản phẩm OCOP được sản xuất và bày bán trên thị trường.

Chủ cơ sở sản xuất bánh thuẫn Bảy Dậy, ở thôn Vùng 4, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) Trần Thị Lợi cho biết, sau khi sản phẩm được gắn sao OCOP vào tháng 12/2022, tôi không chỉ chú trọng đầu tư bao bì, mẫu mã mà còn cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, sản phẩm có hương vị đặc trưng riêng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Cùng với đó, cơ sở cũng mở rộng quy mô, sản xuất đa dạng các loại bánh mứt truyền thống như bánh nổ, bánh mè, bánh khảo mặn và mứt gừng. Vì vậy, từ cuối tháng 10 âm lịch, cơ sở luôn có 10 lao động làm việc từ lúc 3 giờ sáng đến khi mờ tối, để kịp giao đơn hàng phục vụ thị trường cuối năm và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. 

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì giá trị của một số loại nông sản chưa cao, tiêu thụ còn bấp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống người nông dân. Ông Lê Văn Dũng, ở thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) bày tỏ, một số loại nông sản, hàng hóa do nông dân sản xuất ra tiêu thụ khó khăn, bán với giá rất thấp hoặc lỗ, trong khi hàng hóa kém chất lượng vẫn tràn lan; giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến nông dân. Vì vậy, tôi mong Nhà nước cần có giải pháp tốt hơn, hữu hiệu hơn để giải quyết tình trạng này, giúp giảm gánh nặng cho nông dân. Làm sao để nông dân yên tâm tập trung làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn, chứ không phải vừa sản xuất vừa lo “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.

Người chăn nuôi chú trọng an toàn dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả cũng như chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường
Người chăn nuôi chú trọng an toàn dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả cũng như chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Chính quyền các địa phương cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần định hướng và sát cánh với chính quyền trong việc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp cụ thể gắn với sản phẩm thế mạnh, bảo đảm đầu ra tốt hơn cho nông sản. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân đề xuất, quy hoạch nông nghiệp đồng bộ cần nằm trong tổng thể quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, từ đó tập trung nguồn lực cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất lớn, chuỗi liên kết giá trị, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. 

Thu hoạch nấm linh chi tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức).  Ảnh: ĐĂNG LÂM
Thu hoạch nấm linh chi tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức). Ảnh: ĐĂNG LÂM

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, định hướng của ngành trong thời gian đến là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo ra các chuỗi giá trị sản xuất vừa thân thiện với môi trường, vừa bảo đảm an toàn cho sản xuất và người tiêu dùng. Do đó, song song với thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, ngành tiếp tục xây dựng và tham mưu tỉnh xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ đồng bộ. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng, ứng dụng công nghệ, gắn với thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Qua đó, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, gắn với nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền, địa phương trong tỉnh.

Nội dung: MỸ HOA

Thiết kế, trình bày: Q.DUYÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:
 
Xuất bản lúc: 10:48, 06/01/2025