Không hoành tráng như siêu thị, trung tâm thương mại, cũng chẳng cầu kỳ, nhưng chợ quê ở Quảng Ngãi vẫn luôn náo nhiệt và không dễ gì phai nhạt trong tim của những người xa xứ. Ở đó, có rau vườn nhà bốn mùa góp màu xanh mơn mởn; có cá tươi óng ánh theo chân những người làm nghề thuyền thúng ở bãi ngang về; có hến, có don được cào, nhủi từ đáy sông Trà, sông Vệ chất đầy trên các rổ rá, mẹt tre... Còn có những quầy bánh xèo, bánh nậm, bún mắm, bánh đúc... được các bà, các mẹ dọn ra nơi góc chợ với bàn ghế đơn sơ, thậm chí cũ sờn, nhưng vẫn mê hoặc tâm hồn bao người con Quảng Ngãi từ thuở họ còn ấu thơ cho đến khi đã an cư, lạc nghiệp nhiều năm trên đất khách.
Người dân nhủi hến ở sông Trà. |
Nhiều người Quảng Ngãi xa quê, lập nghiệp ở các thành phố lớn bảo rằng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội rồi Bình Dương, Long An... không thiếu những hàng quán bày bán ẩm thực đặc trưng của Quảng Ngãi. Cũng bánh bèo, bánh xèo, cũng ốc hút, ram bắp do chính tay người Quảng Ngãi chế biến, bày bán khắp các tuyến phố sầm uất, nhưng chẳng hiểu sao, khó tìm được vị quê “đặc sệt” như khi thưởng thức ở những quầy hàng lụp xụp, đơn sơ nơi góc chợ quê nhà.
Phải chăng, vì trong lòng mỗi người, luôn có một triền ký ức về chợ quê. Ký ức ấy đã giăng tơ, kết dính vào đấy hết thảy những âm thanh lao xao của chợ, những mùi hương dân dã, mộc mạc, những vị quê thân thuộc, đậm đà... Vậy nên, dù bôn ba khắp góc bể chân trời và dừng chân ghé lại biết bao hàng quán, song trong tâm tưởng nhiều người dân Quảng Ngãi, chợ quê vẫn là nơi chốn mà họ tha thiết nhớ và luôn muốn tìm về.
Bởi thế mà, có một chợ xã, dẫu chỉ nằm nép mình trong con hẻm nhỏ của thành phố bên bờ sông Trà Khúc, nhưng luôn đông đúc, tấp nập người mua. Khách ghé chợ, không chỉ có người dân địa phương, mà còn có những tiểu thương làm nghề khá đặc biệt - nghề buôn bánh xèo Quảng Ngãi đông lạnh. Chợ quê đặc biệt ấy là chợ xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), hay còn được gọi bằng cái tên dân dã là chợ bánh xèo.
Bánh xèo tôm ở chợ Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). |
Khi trời còn chưa sáng tỏ mặt người, gần cả trăm bếp lửa của những người bán bánh xèo ở góc phía đông của chợ đã đỏ lửa. Thoăn thoắt đôi tay đổ bột vào khuôn, chị Võ Thị Diễm Trang (33 tuổi), chủ một quầy bánh xèo ở chợ Tịnh Khê nói trong niềm phấn khởi, chị em tôi được mẹ truyền dạy nghề đúc bánh xèo và tiếp quản quầy bánh xèo của mẹ hơn chục năm nay. Chúng tôi bắt đầu một ngày mới từ 5 giờ sáng, rồi cứ thế đúc bánh xèo luôn tay đến 6 - 7 giờ tối. Làm việc cật lực như vậy mới mong đúc đủ 1 ngày mấy nghìn cái bánh xèo, để vừa phục vụ khách ghé ăn trực tiếp tại chợ, vừa đảm bảo đủ số lượng cung cấp cho những người làm nghề buôn bánh xèo ở TP.Hồ Chí Minh. Người ta lấy bánh xèo của chúng tôi về, để cho thật nguội rồi bỏ vào tủ lạnh cho đông cứng lại, sau đó chuyển vào TP.Hồ Chí Minh.
“Ở trong đó đâu có thiếu gì các quán bánh xèo đúc kiểu Quảng Ngãi. Nhưng mọi người bảo, họ phải ăn bánh xèo đúc ở quê, mới thấy chuẩn vị quê nhà. Thành ra nhiều người chọn mua bánh xèo đông lạnh gửi vào trong đó. Khi nào ăn, thì lấy bánh từ tủ lạnh ra hấp lại cho nóng rồi thưởng thức”, chị Trang bộc bạch.
Xa quê, mỗi dịp về nhà, nhiều người thường tụ năm tụ bảy, í ới rủ nhau đi chợ. Họ đi chợ, không phải chỉ để mua dăm con cá, vài bó rau hay mớ don, mớ hến, mà đi để được trở về với tuổi thơ, nơi có những ký ức dẫu đã xa, nhưng cứ chập chùng, lao xao trong tâm trí.
Quầy chè gần 40 năm của bà Nghỉ, ở chợ Thi Phổ (Mộ Đức). |
Gần 40 năm bán chè ở chợ Thi Phổ (Mộ Đức), bà Bùi Thị Nghỉ, chủ quầy chè Bà Nghỉ nhẩm tính, nếu như ngày thường, tôi bán tầm vài trăm ly mỗi ngày, thì dịp tết Nguyên đán, khi con em xa quê về nhiều, tôi phải nấu lượng chè tăng lên gấp đôi, gấp ba. Mọi người đến ăn chè, luôn gọi tôi rất thân thương “Cô Nghỉ ơi”, “Bác Nghỉ ơi”, rồi hỏi han sức khỏe tôi như con cháu trong nhà vậy. Ấm cúng lắm!
“Có những đứa, ăn chè của tôi từ lúc còn đi học cấp 1, giờ đã 30, 40 tuổi. Có đứa, dẫu lấy chồng, lập nghiệp nhiều năm ở miền Nam, nhưng mỗi lần về quê dịp Tết lại hồ hởi dẫn con xuống chợ để ăn chè. Có đứa, mới ăn vài muỗng, đã “chê” chè của tôi nấu sao mà vẫn ngọt như xưa, không biết giảm đi độ ngọt cho phù hợp xu hướng bây giờ. Chê câu trước, nhưng câu sau, chúng liền cười bảo, ngọt vậy mới là chè cô Nghỉ. Về quê mà không ăn chè của cô là thấy thiếu, thấy nhớ, nên bận mấy cũng phải ghé chợ”, bà Nghỉ bồi hồi.
Người xa quê thủy chung với món quê, chợ quê; người ở quê cũng lấy chân tình ra đối đãi. Khi Quảng Ngãi tổ chức chương trình Sắc quê Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh vào dịp gần tết Nguyên đán năm Giáp Thìn, bà Nghỉ tay xách, nách mang nửa tạ đậu, nếp, đường,... lên máy bay vào TP.Hồ Chí Minh. Giữa thành phố hoa lệ, gian chè “Bà Nghỉ” đông nghẹt người xếp hàng chờ thưởng thức. Trong tiếng cười nói lao xao, âm thanh ồn ã của chốn thị thành, bà Nghỉ bảo, tôi ấm lòng biết mấy, khi nghe thấy những giọng Quảng Ngãi “đặc sệt” hồ hởi gọi tên mình. “Hóa ra, họ không chỉ nhớ hương vị thân thuộc ở quê nhà. Họ đã dành cho tôi một vị trí trong ký ức của mình. Họ nhớ khuôn mặt tôi, nhớ cả tên tôi...”, bà Nghỉ rưng rưng.
Năm qua năm, ngày lại ngày, nỗi nhớ niềm thương chợ quê trong lòng người Quảng Ngãi xa quê vẫn chưa khi nào vơi!
Bài, ảnh: LAM YÊN
Thiết kế, trình bày: P.DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: