Thượng tá Nguyễn Văn Đồng - Trưởng Công an huyện Sơn Tịnh, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Đức Tân (Mộ Đức). Ngay từ nhỏ, anh luôn phấn đấu học tập, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ trở thành người chiến sĩ công an nhân dân. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, anh Đồng được phân công về Quảng Ngãi công tác.
Từng bước khẳng định mình qua nhiều vị trí công tác, ở cương vị nào, anh cũng nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nhiều lần được Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng. “Sinh thời Bác Hồ đã dạy: “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Với tôi, điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là niềm tin và tình cảm của nhân dân dành cho lực lượng công an nhân dân”, Thượng tá Nguyễn Văn Đồng chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Sơn Tịnh tuyên về trật tự an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Tịnh Phong. Ảnh: ĐVCC |
Từ năm 2019 đến nay, với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Sơn Tịnh, Thượng tá Nguyễn Văn Đồng đã thể hiện bản lĩnh và năng lực của người lãnh đạo, chỉ huy, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong công việc. Công an huyện Sơn Tịnh đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”... Qua đó, nhiều mô hình được triển khai hiệu quả như: Mô hình “Gần dân, sát việc” qua việc tiếp nhận, thực hiện cấp căn cước công dân tại nhà cho hàng trăm trường hợp là Mẹ Việt Nam Anh hùng, các hộ gia đình có công với cách mạng, người già, người bị bệnh hiểm nghèo... Duy trì mô hình: “Chia sẻ yêu thương cho mảnh đời bất hạnh” qua việc hỗ trợ, nhận nuôi 4 cháu mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; “Kết nối Zalo - Sơn Tịnh bình yên” để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật...
Đoàn Thanh niên - Hội Phụ nữ Công an huyện Sơn Tịnh cùng Phòng Tổ chức cán bộ (Công an tỉnh) thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Mọi ở xã Tịnh Đông. Ảnh: ĐVCC |
Trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, Thượng tá Nguyễn Văn Đồng đã chỉ đạo xử lý kịp thời nhiều vụ việc, không để phát sinh “điểm nóng”; triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm... Công an huyện đã điều tra, khám phá hàng trăm vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, làm rõ và xử lý nghiêm hàng trăm đối tượng. Qua đó, góp phần kéo giảm tội phạm hình sự, riêng năm 2024 đã kéo giảm 35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong cải cách hành chính, năm 2024, Công an huyện đạt 72,5/75 điểm, xếp loại xuất sắc và đứng thứ 2 trong nhóm công an huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Công an huyện Sơn Tịnh 6 năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Năm 2023, Đảng bộ Công an huyện Sơn Tịnh vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền (2018 - 2022); từ năm 2018 đến nay, Đảng bộ Công an huyện đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Năm 2024, Công an huyện Sơn Tịnh được Công an tỉnh đề nghị Bộ Công an tặng Cờ thi đua.
Đến nay, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Quách Phạm Cường đã có 25 năm gắn bó với ngành điện. Nhớ lại những ngày đầu công tác tại đơn vị, anh Cường chia sẻ, năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, tôi được tiếp nhận vào làm cán bộ kỹ thuật tại Trạm điện 35 Sông Vệ. Sau một thời gian, tôi chuyển về làm việc tại Tổ tiếp nhận lưới điện của Công ty Điện lực Quảng Ngãi.
Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Quách Phạm Cường tặng quà đoàn công tác tham gia hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối |
“Những năm 1990 - 2000, Quảng Ngãi tiếp nhận điện lưới từ đường dây 500kV Bắc - Nam và sau đó công ty thực hiện tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn do các địa phương, hợp tác xã đầu tư. Đây là quãng thời gian giúp tôi học hỏi rất nhiều về sơ đồ, kết cấu của lưới điện trong quá trình đo đạc, đánh giá, làm hồ sơ giao nhận lưới điện. Trưởng thành từ công tác chuyên môn ở cơ sở, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn đã giúp tôi phát triển sau này”, anh Cường cho hay.
Tháng 10/2022, anh Cường được bổ nhiệm Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi. “Là người con của quê hương, khi đảm nhận vai trò người đứng đầu đơn vị cung cấp điện, đây là niềm vui, tự hào, đồng thời cũng là áp lực. Tôi không ngừng phấn đấu, nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở kế thừa thành quả, truyền thống do các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, sự chỉ đạo từ Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã giữ vững truyền thống bảo đảm cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống nhân dân”, anh Cường cho biết.
Lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ngãi bàn giao nhà tình nghĩa cho người dân. |
Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Quách Phạm Cường tặng quà cán bộ, người lao động. |
Là “thuyền trưởng” tại Công ty Điện lực Quảng Ngãi, anh Cường luôn bám sát các giá trị cốt lõi của ngành điện, đó là “niềm tin, chất lượng, tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm”. Từ đó, đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của đơn vị; đảm bảo cung cấp điện với tần suất ổn định, chất lượng trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Công ty Điện lực Quảng Ngãi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2024, công ty đã nỗ lực giảm tỷ lệ tổn thất điện năng còn 2,3% (năm 2023 tỷ lệ này là 2,52%).
Hiện nay, Công ty Điện lực Quảng Ngãi cung cấp điện cho 99,97% hộ gia đình toàn tỉnh. Công ty là một trong những đơn vị đi đầu trong nhiều lĩnh vực, hoạt động của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung; luôn thực hiện tốt phương châm “ngành điện phải đi trước một bước”, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ đời sống sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng quê ở TP.Quảng Ngãi. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), chuyên ngành Quản trị kinh doanh, chị về công tác tại doanh nghiệp tư nhân với vai trò kế toán trưởng. Đến năm 2002, chị chuyển công tác về Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi (nay là Trường ĐH Phạm Văn Đồng).
Kiến thức là vô tận, bởi vậy chị Hằng không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2012, chị vừa tốt nghiệp văn bằng 2 chuyên ngành Ngoại ngữ, vừa hoàn thành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Cũng tại trường này, năm 2022, chị hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
Với TS.Nguyễn Thị Thúy Hằng, nghiên cứu khoa học là niềm đam mê và là động lực để chị nỗ lực mỗi ngày trên con đường khám phá tri thức. Đến nay, chị đã thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu, công trình, bài báo, tham luận khoa học có giá trị. Một trong những công trình nghiên cứu mà tiến sĩ sinh năm 1975 này tâm huyết là đề tài “Thực trạng và đóng góp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Quảng Ngãi giai đoạn 2020 - 2024”. Đề tài nghiên cứu đã đánh giá khách quan thực trạng thu hút FDI tại Quảng Ngãi giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2024. Qua đó, xác định những thành tựu và hạn chế cần khắc phục.
Sinh viên Khoa Kinh tế (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. |
Theo TS.Nguyễn Thị Thúy Hằng, những năm qua, thu hút FDI đã có những đóng góp to lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, số dự án, vốn đăng ký đầu tư tăng hằng năm, phát triển đa dạng ngành nghề và có nhiều quốc gia đầu tư, góp phần giải quyết việc làm với quy mô hơn 70 nghìn lao động. Đồng thời cũng nhận định, Quảng Ngãi vẫn chưa thu hút được nhiều dự án từ các quốc gia như Mỹ, Châu Âu... Sau khi phân tích thực trạng, đề tài nghiên cứu tổng hợp các văn bản pháp lý định hướng cho thu hút đầu tư và xây dựng SWOT về thu hút đầu tư của Quảng Ngãi.
Đề tài đã khuyến nghị một số giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi trong thời gian đến. Trong đó, tỉnh cần nỗ lực nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý công nghiệp, số hóa quản lý doanh nghiệp FDI, phát huy lợi thế nguồn lao động dồi dào qua số hóa dữ liệu lao động để dùng chung cho cả tỉnh, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, phát triển ngành công nghệ cao và liên kết giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển, mục tiêu giữ vị trí tiên phong của KKT Dung Quất trong các KKT ven biển miền Trung.
Hành trình từ học sinh “trường làng” đến giảng đường Trường Đại học Y Dược Huế, nay là Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) ghi dấu bao gian truân, vất vả của cậu học trò đầy nghị lực Trần Đình Điệp. Nằm biệt lập giữa sông nước mênh mông, xã Nghĩa An (nay là xã An Phú) được mệnh danh là ốc đảo. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, xã chưa có cầu bắc qua sông như bây giờ. Đò ngang là cách duy nhất để người dân vượt sông. “Năm 14 tuổi, tôi rời quê lên thị trấn La Hà, ở nhờ nhà người thân để theo học lớp 9, Trường THPT Tư Nghĩa 1. Lúc ấy, ngoài 3 khối lớp bậc THPT, trường còn có 2 lớp 9. Dịp cuối tuần, tôi đạp xe đạp từ nhà người thân về đến xã Nghĩa Phú, rồi gửi xe ở đó để đi đò ngang về Nghĩa An thăm nhà. Mỗi lần về, tôi lại đùm túm theo gạo, mắm để chuẩn bị lương thực cho một tuần mới. Trong những ngày tháng vất vả ấy, chính ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người đã trở thành động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn", thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Đình Điệp kể.
Bác sĩ Trần Đình Điệp khám bệnh tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. |
Là người đầu tiên của xã tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa, năm 1999, bác sĩ Điệp đã cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá trở về quê hương. Những năm đầu, bác sĩ Điệp làm việc tại Phòng Giám định chi (Bảo hiểm y tế tỉnh), phụ trách nhiệm vụ thẩm tra các hồ sơ bệnh án. Đến năm 2006, bác sĩ Điệp chuyển đến công tác tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 10 năm, đến năm 2017, khi tỉnh thành lập Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, bác sĩ Điệp chuyển sang bệnh viện mới, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Cũng trong thời gian này, bác sĩ Điệp được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Trong công tác chuyên môn, bác sĩ Điệp không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức y học và có nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh. Ở cương vị quản lý, bác sĩ Điệp được đánh giá là người cán bộ có tác phong gương mẫu, sâu sát với công việc và có nhiều giải pháp sáng tạo, quyết liệt để cùng tập thể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Cuối năm 2023, bác sĩ Điệp được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh; phụ trách theo dõi, quản lý 7 khoa của bệnh viện. Bác sĩ Điệp bảo, đối với một bác sĩ, điều quan trọng nhất là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy, dù ở vị trí nào, tôi cũng đều đặt việc nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi lên hàng đầu. Khi một bác sĩ dồn hết tâm huyết vào công việc và học hỏi không ngừng, thì mới có thể chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ngày một tốt hơn.
Nội dung: S.TRÀ - G.HÂN - U.KHANG - Y.GIANG
Thiết kế, trình bày: P.DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: