|
----------oOo--------- |
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Bá Minh nhận định, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được xem như “lá chắn thép” bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Luật có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2023, quy định cụ thể về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa đầy đủ trong văn bản pháp luật này. Luật quy định cụ thể về cơ cấu, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Đây là hai ban đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, thông qua các quyền kiểm tra, giám sát, phản biện.
Thực tế ở Quảng Ngãi cho thấy, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban TTND ở xã, phường, thị trấn gồm các thành viên được bầu từ các thôn, tổ dân phố, với số lượng thành viên Ban TTND tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 người và được bầu tại cuộc họp của cộng đồng dân cư; không đồng thời là cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Khác với trước đây, Trưởng ban TTND do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn đảm nhận và được hưởng phụ cấp. Do đó, hiện nay việc kiện toàn Ban TTND, nhất là lựa chọn chức danh trưởng ban bảo đảm uy tín, năng lực đang là khó khăn ở cơ sở.
Thêm một khó khăn nữa đối với hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ là thiếu kinh phí, chưa đảm bảo cho các hoạt động giám sát, nhất là ở những địa phương có nhiều dự án, công trình. Trưởng ban TTND không có phụ cấp. Theo quy định tại mục a, khoản 5, điều 90 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/3/2021 quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư, các địa phương bố trí cân đối nguồn ngân sách cấp xã để có nguồn kinh phí, bảo đảm mức hỗ trợ cho hoạt động các Ban GSĐTCCĐ tối thiểu 10 triệu đồng/năm cho một xã. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của Ban GSĐTCCĐ thì nơi có nơi không, thiếu tính thống nhất.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trò chuyện, thăm hỏi đời sống người dân thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Ảnh: N.ĐỨC |
Tại phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ), những năm trước, địa phương trích ngân sách hỗ trợ hoạt động các Ban GSĐTCCĐ 5 triệu đồng/năm. Năm 2024, UBND phường bố trí 10 triệu đồng để hỗ trợ cho các Ban GSĐTCCĐ. Theo Phó Bí thư Đảng ủy phường Phổ Văn Bùi Ngọc Huệ, việc bố trí kinh phí nhằm động viên, tạo điều kiện cho Ban GSĐTCCĐ hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, không mấy địa phương làm được như phường Phổ Văn. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban GSĐTCCĐ, nhất là ở các huyện miền núi. Lãnh đạo nhiều địa phương kiến nghị rằng, cần có quy định về chế độ phụ cấp cho trưởng, phó Ban TTND; quy định việc bố trí kinh phí hoạt động cho Ban GSĐTCCĐ khi xây dựng dự toán kinh phí các chương trình, dự án.
|
Công chức phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: T.ÂN |
Cùng với đó, bên cạnh một số thành viên Ban GSĐTCCĐ làm việc có tinh thần trách nhiệm, thì cũng còn nhiều người chưa am hiểu về các lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng trong khi phạm vi giám sát rộng, phức tạp. Mặt khác, một số địa phương, trách nhiệm chủ đầu tư trong việc trả lời, cung cấp thông tin phục vụ giám sát đôi khi chưa nghiêm túc. Cho nên, việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm trong giám sát các chương trình, dự án vẫn còn hạn chế. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Tâm cho rằng, lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm là không thiếu, nhưng thành viên Ban GSĐTCCĐ thiếu kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, chủ yếu là giám sát trực quan, tổng thể bên ngoài, không thể giám sát chi tiết chất lượng công trình.
Theo đánh giá của Giám đốc Sở Nội vụ Tạ Công Dũng, tại các địa phương, trong quá trình áp dụng, thực hiện các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở có nơi chưa hiệu quả. Một số địa phương chưa kịp thời kiện toàn Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ ở cơ sở; chưa rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư theo Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ. Tại một số địa phương, hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ còn mang tính hình thức, chưa phát huy hết vai trò trong thực thi nhiệm vụ.
“Một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên xuất phát từ việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sát; một số thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ”, ông Tạ Công Dũng cho biết.
Những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được chỉ ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể là: “...Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức, ý kiến của nhân dân chưa thực sự được lắng nghe; quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Vẫn còn tình trạng lợi dụng dân chủ, gây mất an ninh, trật tự, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân nhiều nơi chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đồng đều ở các khu vực, loại hình cơ sở”.
Tại tỉnh ta, những tồn tại, hạn chế nêu trên vẫn còn ở một số địa phương, dẫn đến dân chủ ở cơ sở chưa được phát huy, thậm chí còn làm trái quy định pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được nghiêm túc.
|
Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nêu rõ, trước hết, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo định kỳ và đột xuất khi có những vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài,... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành của UBND các cấp, đề cao ý thức trách nhiệm và tính chủ động trong công tác nắm và dự báo tình hình, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường công tác phối hợp trong việc giải quyết công việc và xử lý những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Các địa phương cần kiện toàn và phát huy hơn nữa vai trò của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện, kiến nghị các cấp có giải pháp phù hợp, đồng bộ và toàn diện hơn. Có như vậy, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng niềm tin và mong đợi của nhân dân.
Theo PGS, TS Ngô Văn Minh, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị khu vực III, để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, cần phải thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Để dân biết thì phải công khai, minh bạch mọi thông tin theo quy định của pháp luật, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích trực tiếp của người dân, bắt đầu từ khâu xây dựng dự thảo đến ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, rút kinh nghiệm, xử lý (nếu có sai phạm).
Để dân bàn và làm, cần có cơ chế khuyến khích, động viên, tạo cơ sở chính trị, pháp lý để nhân dân tham gia một cách thực chất, bàn đến nơi, làm đến chốn. Khi dân biết đầy đủ về chủ trương, về điều kiện nguồn lực, về lợi ích cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng thì mới khơi dậy ý thức, trách nhiệm của chủ thể, cùng góp công sức, của cải để Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Để dân kiểm tra, giám sát có hiệu quả, phải xây dựng, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh kiểm tra, giám sát cho người dân, nhất là với các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức tự quản ở khu dân cư để chia sẻ thông tin, thống nhất đánh giá, nhận định và đề xuất kiến nghị hợp lý. Tránh chủ quan, giám sát không thường xuyên, kiểm tra thiếu khoa học, đánh giá không thực chất, kiến nghị hướng vào lợi ích cục bộ,…
|
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ thăm hỏi tình hình đời sống của người dân ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế. Ảnh: B.HÒA |
Để người dân được thụ hưởng mọi thành quả của cách mạng, thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương phải hướng về cơ sở, phải xuất phát từ yêu cầu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
“Phải quán triệt thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Xác định rõ mục tiêu hoạt động của hệ thống chính trị là hướng đến sự ổn định và phát triển xã hội, đảm bảo “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, tất cả đều vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, PGS, TS Ngô Văn Minh nhấn mạnh.
Những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền có nguyên nhân từ quan liêu, mất dân chủ, vi phạm quyền và lợi ích của người dân. Nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, quyết tâm đổi mới trong nhận thức và hành động theo tinh thần “gần dân, hiểu dân, dựa vào dân” là việc cần làm để xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật được hiệu quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”; “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân (…) quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Vì vậy, “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Lời của Bác đã khẳng định vị trí, vai trò làm chủ của nhân dân, chỉ ra trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc tôn trọng và bảo vệ lợi ích của nhân dân.
|
|