[Emagazine]. Vùng cao Quảng Ngãi giàu tài nguyên, nhưng thiếu sức hút 

15:57, 17/10/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Miền núi Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên đa dạng, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đa dạng về văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong. Nơi đây còn có các lễ hội đặc trưng, món ăn đặc sản, làng nghề truyền thống nổi tiếng... nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch mang nét đặc trưng của vùng.

 

Quảng Ngãi có các huyện miền núi là Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây. Huyện Ba Tơ cách TP.Quảng Ngãi 40km về phía tây, là vùng đất nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng. Mô hình hợp tác xã nông - lâm - du lịch - văn hóa có triển vọng phát triển. Du khách đến Làng Teng trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê.

Dệt thổ cẩm Làng Teng.
Dệt thổ cẩm Làng Teng.
Cảnh hoàng hôn ở thảo nguyên Bùi Hui.
Cảnh hoàng hôn ở thảo nguyên Bùi Hui.

Đến thảo nguyên Bùi Hui, lạc vào rừng sim bạc ngàn, săn mây, thưởng thức ẩm thực cá niên, gà đen, cơm lam, rượu cần. Thác Lũng Ồ, thác Cao Muôn là địa điểm hấp dẫn du khách đến checkin, thư giãn. Ba Tơ còn phù hợp với các chương trình về nguồn, tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, được xem là tài sản quý giá của đất và người Ba Tơ.

Đồng bào Cor đánh chiêng, múa Cà Đáo tại Lễ hội Điện Trường Bà (Trà Bồng).
Đồng bào Cor đánh chiêng, múa Cà Đáo tại Lễ hội Điện Trường Bà (Trà Bồng).

Đến tham quan miền núi Trà Bồng, nổi tiếng là miền đất quế có bề dày lịch sử lâu đời. Nơi có Di tích Quốc gia điện Trường Bà và lễ vía Bà, minh chứng cho những thăng trầm lịch sử, nơi giao thoa các nền văn hóa Việt - Cor - Hoa. Các di tích cách mạng như Trạm xá T30, Eo Reo, Khu căn cứ chống Pháp của Phó Mục Gia, cùng sự kiện lịch sử Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là niềm tự hào của người dân Trà Bồng. Trà Bồng hấp dẫn du khách với những điểm đến thiên nhiên tuyệt đẹp, hoang sơ như Thạch Bích (xã Trà Bình), suối Trà Bói (xã Trà Giang), núi Cà Đam (xã Trà Bùi)... Đồng bào Cor có lễ mừng lúa mới, đánh cồng chiêng, tết ngã rạ... mang đậm nét văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

 

Công trình thủy lợi Thạch Nham.
Công trình thủy lợi Thạch Nham.

Huyện Minh Long là vùng đất có lợi thế để đầu tư phát triển du lịch, với các điểm đến như thác Trắng, thác Sa Van, hồ chứa nước Biều Qua (xã Long Sơn); hồ chứa nước Hố Cả (xã Long Mai); thác Suối Lạnh, căn cứ núi Mum (xã Long Môn)... Các giá trị di sản văn hóa như hát ca lêu, ca choi, đan lát mây tre, múa cồng chiêng... cũng được cộng đồng Hrê ở Minh Long bảo tồn khá tốt.

Du khách nhảy sạp ở Khu du lịch Thác Trắng (Minh Long).
Du khách nhảy sạp ở Khu du lịch Thác Trắng (Minh Long).

Đến huyện Sơn Hà, điểm dừng chân đầu tiên là thắng cảnh Thạch Bích Tà Dương, ở xã Sơn Nham. Núi Thạch Bích có độ cao khoảng 1.500m, là một trong những danh sơn hùng vĩ ở Quảng Ngãi. Nơi đây có suối Tầm Linh đẹp như tiên cảnh, không khí trong lành. Đầu mối Thạch Nham nằm giao thoa giữa ba huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Sơn Hà, ngoài lợi ích quan trọng về nông nghiệp, còn là điểm tham quan với phong cảnh tuyệt đẹp. Hồ chứa nước Nước Trong cũng là địa điểm thu hút du khách. Sơn Hà tập trung đông người dân tộc Hrê sinh sống, có các di sản văn hóa đặc sắc như múa cồng chiêng, Di tích Quốc gia Xưởng in tín phiếu...

Các món đặc sản của đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây.
Các món đặc sản của đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây.

Còn với huyện Sơn Tây có thắng cảnh thác Lụa với độ cao 300m. Thác Lụa phân thành nhiều cung bậc khác nhau, tầng trên cùng là dòng nước chảy từ trong núi ADin, đổ xuống các bậc thềm đá tạo thành dòng thác màu trắng xóa như dải lụa mềm mại. Hồ thủy điện Đăkđrinh, nơi có thung lũng Huy Ra Lung; khu du lịch Đak Drinh Lodge cũng là nơi mà nhiều du khách đến trải nghiệm...

 

 

 

Tài nguyên du lịch ở Quảng Ngãi đa dạng, độc đáo nhưng chưa thu hút được các nhà đầu tư, các dự án du lịch chưa đủ mạnh để tạo sức hút. Để du lịch ở miền núi khởi sắc cần giải quyết những tồn tại, hạn chế trong phát triển các tour, tuyến, điểm du lịch phục vụ du khách... Không nên làm du lịch theo sự trùng lặp một cách quá mức. Lực lượng lao động trong ngành du lịch miền núi còn khá khiêm tốn về chất và lượng. Người dân bản địa chưa được tập huấn về dịch vụ, du lịch. Nhiều nơi làm dịch vụ còn tự phát, chưa được quy hoạch, chưa có sự liên kết vùng; cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn. Các điểm mua sắm, hoạt động văn hóa và các công trình hỗ trợ chưa được đầu tư bài bản nên khó thu hút du khách...

Cô gái Cor với những món ăn đặc trưng của các dân tộc miền núi như gạo đỏ ghế củ mì, gà nướng, cơm lam, cá niên.... 
Ảnh: TL
Cô gái Cor với những món ăn đặc trưng của các dân tộc miền núi như gạo đỏ ghế củ mì, gà nướng, cơm lam, cá niên... Ảnh: TL

Hiện nay, đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn được xem là hướng đi đúng đắn của nhiều địa phương ở miền núi. Phát triển du lịch kết hợp với mô hình quản lý hợp tác xã đã mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa, giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa. Cộng đồng là chủ thể du lịch và xây dựng các sản phẩm dựa vào cộng đồng được xem là triển vọng rất lớn để đa dạng sinh kế cho người dân bản địa.

Không gian ở cao nguyên Bùi Hui phù hợp cho các nhóm bạn hay gia đình dã ngoại cuối tuần.
Không gian ở cao nguyên Bùi Hui phù hợp cho các nhóm bạn hay gia đình dã ngoại cuối tuần.
 

Để phát triển du lịch, cần chú ý đến câu chuyện sản phẩm, hay một sự kiện du lịch triển vọng gắn với đặc trưng của địa phương để thu hút sự chú ý du khách. Cần thiết mỗi địa phương thành lập một câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp để phục vụ hướng dẫn các loại hình du lịch, thông tin hỗ trợ du khách, tập huấn cộng đồng ở địa phương... Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch là hướng đi cần được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhằm góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao.

Bài, ảnh: VÕ MINH TUẤN

Thiết kế, trình bày: P.DUNG 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:57, 17/10/2024