Quảng Ngãi là mảnh đất của thi ca. Cuốn “Thi nhân Việt Nam” (tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân) được coi là cuốn sách tổng kết cả một thời đại của phong trào Thơ mới. Trong đó, Quảng Ngãi có đến 3 tác giả (Nguyễn Vỹ, Tế Hanh, Bích Khê). Đến văn học thời chống Mỹ, Quảng Ngãi có nhà thơ Thanh Thảo nổi tiếng với nhiều tác phẩm đi vào lòng bạn đọc. Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 hàng chục năm nay và cả sách giáo khoa của Chương trình Giáo dục phổ thông mới luôn có tên nhà thơ Thanh Thảo.
Câu lạc bộ Văn học Trường THPT Chuyên Lê Khiết sinh hoạt bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh: ĐVCC |
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có nhiều tác giả nổi tiếng khác như: Phạm Đương với “Giờ thứ 25” đoạt giải Nhất Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, cùng nhiều tác giả khác vẫn lặng lẽ sáng tác. Có nhiều tác giả hiện sinh sống ở các tỉnh, thành phố và thành danh như nhà văn Trần Nhã Thụy nổi tiếng với tiểu thuyết “Sự trở lại của vết xước”, được Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản vào năm 2008 và in lại 3 lần trong năm...
Tuy nhiên, điều đáng tiếc khi nói đến văn học ở Quảng Ngãi hiện nay, đó là việc tập hợp lực lượng cây bút trẻ chưa thực sự được quan tâm. Sáng tạo là mảnh đất màu mỡ với những hạt giống tốt nhưng ở tỉnh ta thiếu sự khuyến khích, gieo mầm để các em phát huy những khả năng, sở trường. Mặc dù các trường học có nhiều câu lạc bộ (CLB) nhưng hầu như các trường chưa quan tâm đến việc thành lập CLB Sáng tác.
Trường THPT Chuyên Lê Khiết hiện có nhiều CLB, trong đó có CLB Văn học. “Các đợt sinh hoạt CLB Văn học, chúng em có sự trải nghiệm, được kết nối giữa những thành viên trong CLB và học hỏi lẫn nhau. Qua đó, chúng em thêm yêu và học tốt hơn môn Ngữ văn. Song, chúng em chưa có nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng sáng tác”, em Nguyễn Hồ Hà Nhi, lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết, chia sẻ. Em Hoàng Bảo Ngọc, lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết thường trải lòng mình với văn chương thông qua việc sáng tác tản văn, truyện ngắn nhưng chỉ giữ cho riêng mình. “Em mong có những diễn đàn, sân chơi hội tụ những bạn có cùng đam mê để thỏa sức sáng tạo, cùng chia sẻ, thảo luận các tác phẩm văn học”, Ngọc bày tỏ.
Hành trình sáng tạo trong văn học rất lặng lẽ, nhưng cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, đó là cần có công chúng. Vì vậy, HS, SV cần có diễn đàn để bản thân vừa là tác giả vừa là độc giả, có sân chơi lý thú và bổ ích, đó cũng là cách để nuôi dưỡng đam mê, tình yêu đối với văn chương. Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết cho rằng, sáng tác văn học sẽ bồi đắp thêm tình yêu văn chương trong HS, SV. Khi cầm bút sáng tác, các em có cơ hội bày tỏ suy tư và khát vọng của thế hệ mình, thỏa sức thể hiện mình. Và cũng qua sáng tác mới hiểu được hết công phu, sự khó nhọc của người sáng tác để rồi trân trọng hơn lao động nghệ thuật của nhà văn. Từ đó, các em sẽ thêm yêu thích và học tốt hơn bộ môn Ngữ văn.
Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết nói về đam mê sáng tác đến học sinh. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG |
Câu lạc bộ Sáng tác sẽ là nơi tổ chức diễn đàn để tập hợp HS, SV và quảng bá, giới thiệu các sáng tác của lực lượng trẻ. Theo thầy Nguyễn Tấn Huy, chúng ta không đặt ra cho các em các chủ đề mà phải tôn trọng tự do, cá tính sáng tạo về mặt bút pháp, thể loại, chủ đề, tư tưởng, tình cảm... Song, chúng ta phải định hướng cho các em không vi phạm văn hóa, đạo đức và pháp luật.
Giao lưu trong lễ ra mắt sách “Những lá thư trao gửi yêu thương” tại Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: ĐVCC |
Học sinh ký tặng sách cho người thân tại lễ ra mắt sách “Những lá thư trao gửi yêu thương” tại Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: ĐVCC |
Bắt nguồn từ sự thôi thúc giúp HS có cơ hội khơi dậy sự sáng tạo trong tư duy và mong muốn các bậc phụ huynh thấu hiểu con em mình hơn, Tổ Ngữ văn - Âm nhạc, Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi) đã tạo điều kiện cho HS thực hiện dự án học tập “Học văn từ cuộc sống”. Sau một thời gian triển khai, cuối tháng 4/2024, trường đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách đầu tay của HS với tên gọi “Những lá thư trao gửi yêu thương”. “Cuốn sách là những bức thư. Mỗi lá thư là một câu chuyện, một góc nhìn đa chiều về cuộc sống, tình cảm và những mối quan hệ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Thông qua dự án, IEC Quảng Ngãi mong muốn các em không chỉ học văn qua những trang sách, mà còn thông qua những trải nghiệm thực tế, qua việc quan sát, cảm nhận và tương tác trực tiếp với cuộc sống hằng ngày”, Phó Hiệu trưởng IEC Quảng Ngãi Lê Đức Quỳnh chia sẻ.
Sân chơi văn chương trong trường học là một sân chơi tinh thần rất đẹp, ý nghĩa, không chỉ để quan tâm chăm chút các năng khiếu văn chương mà còn để phát hiện và giới thiệu, bổ sung nguồn lực cho phong trào văn học - nghệ thuật tỉnh nhà những cây bút triển vọng. Những sân chơi như vậy còn có những đóng góp giá trị trong việc bồi đắp tâm hồn và cảm xúc, tạo ra môi trường để các bạn sống đẹp, sống tử tế hơn. Song, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Chủ tịch Hội VH - NT tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay, so với các tỉnh, thành phố trong cả nước thì Quảng Ngãi còn thiếu đội ngũ sáng tác thơ, văn trẻ. Để thu hút lực lượng sáng tác trẻ đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành dưới sự hỗ trợ của văn, nghệ sĩ trong tỉnh, đặc biệt là ngành văn hóa, các trường học và sự quan tâm của các địa phương. Hội VH - NT tỉnh có vai trò hướng dẫn, khuyến khích; đồng thời tổ chức các hoạt động.
“Kế hoạch hoạt động năm 2025, Hội VH - NT sẽ mở một số trại sáng tác, tập huấn cho hội viên và mở rộng đối tượng tham gia là HS, SV. Đồng thời, in ấn các tuyển tập thơ, văn xuôi, nhiếp ảnh, mỹ thuật... Hội sẽ gửi công văn đến các địa phương, đặc biệt khuyến khích lớp trẻ tham gia sáng tác. Hội VH - NT tỉnh có nhiều hội viên là giáo viên, giảng viên các trường học. Họ có thể thúc đẩy phong trào sáng tác trong HS, SV”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết thêm.
Trong quá trình dạy học, các giảng viên Khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) thường xuyên yêu cầu SV đọc tác phẩm văn học, giới thiệu, phân tích tác phẩm trong các buổi thảo luận, các hoạt động thực hành làm văn, các buổi sinh hoạt ngoại khóa... Đồng thời, tổ chức một số buổi sinh hoạt, thảo luận về phương pháp sáng tác văn học để bồi dưỡng năng lực sáng tác cho SV. “Thời gian tới, Trường Đại học Phạm Văn Đồng nói chung và Khoa Sư phạm xã hội nói riêng sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động để phát hiện, bồi dưỡng và khuyến khích SV sáng tác, góp phần phát huy những cây bút trẻ trong nhà trường”, Trưởng khoa Sư phạm xã hội Bùi Văn Thanh cho hay.
Thầy Nguyễn Tấn Huy cho rằng, những ngô nghê, non nớt của những sáng tác đầu tay bao giờ cũng đáng quý. Chúng ta đừng lấy con mắt của người lớn, của những người sáng tác chuyên nghiệp để đánh giá nó mà hãy trân trọng, nâng niu, khuyến khích thì Quảng Ngãi sẽ trở lại là mảnh đất của thi ca.
Nội dung: TRỊNH PHƯƠNG
Thiết kế, trình bày: P.DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: