[Emagazine]. Người đàn bà vẽ

07:49, 25/10/2024
.
Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang.

(Baoquangngai.vn)- Giới văn nghệ sĩ cả nước nói chung, ở TP.Hồ Chí Minh nói riêng gọi Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trà Giang với cái tên trìu mến: “Người đàn bà vẽ”. Bởi lẽ, từ một diễn viên nghỉ hưu, bà tập vẽ cho vui tuổi già, mượn sắc màu để nguôi ngoai nỗi lòng mình, nhưng rồi NSND Trà Giang đã trở thành một họa sĩ thực thụ, mang đến nhiều bất ngờ cho giới văn nghệ sĩ.

 

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang sinh năm 1942, quê Quảng Ngãi. Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ cha là Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Khánh, từ năm 10 tuổi bà đã bắt đầu gắn bó với nghệ thuật. Năm 17 tuổi, bà thi đỗ vào trường múa, nhưng sau đó theo nghiệp diễn xuất từ sự định hướng của người cha. Bởi lẽ, bà có nhan sắc xinh đẹp, đôi mắt biết nói, to đen… phù hợp với nghề diễn xuất. Và bà đã phát huy được tài năng của mình, với lối diễn xuất tài tình, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc chân thật trong từng vai diễn. Năm 1962, NSND Trà Giang chính thức kết duyên với điện ảnh qua bộ phim "Một ngày đầu thu". Dù chỉ là sự khởi đầu, nhưng qua vai diễn của bà, giới điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ đã dành nhiều lời khen ngợi chân tình cho NSND Trà Giang. 

 

Không phụ lòng những lời khen ngợi đó, NSND Trà Giang đã không ngừng nỗ lực tập luyện, học hỏi, làm rạng danh điện ảnh Việt Nam thông qua các bộ phim: Dòng sông hoa trắng, Chị Tư Hậu, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội..., giúp bà đạt được nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên, NSND Trà Giang đã xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963. Đây cũng là vai diễn kinh điển nhất trong sự nghiệp làm nghề diễn viên của bà, vì đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, giới điện ảnh trong nước và quốc tế.

Văn nghệ sĩ, người thân, bạn bè đến chia vui với Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang tại triển lãm.

Sau khi rời sàn diễn (1989), đầu năm 1999, NSND Trà Giang tập tành vẽ tranh để vui với những ngày còn lại của cuộc đời. Nhưng rồi, cuối năm 1999, khi chồng bà - GS Nguyễn Bích Ngọc qua đời, thì hội họa gần như là một sự lựa chọn cho sự an trú tinh thần của bà. NSND Trà Giang đã mượn sắc màu để nguôi ngoai nỗi lòng mình, nhưng không ngờ niềm đam mê hội họa ở tuổi xế chiều đã đưa bà trở thành một họa sĩ thực thụ. 

Tranh vẽ của Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang.

Dẫu xuất thân không phải là một họa sĩ, song tình yêu nghệ thuật đã mang đến cho NSND Trà Giang một nguồn năng lượng hội họa khá dồi dào mà không phải ai làm nghề hội họa cũng có. Bà vẽ khá nhiều tranh, tham gia nhiều triển lãm chung và riêng, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong giới yêu hội họa. Trong đó, có nhiều triển lãm cá nhân được giới hội họa đánh giá cao về tính nghệ thuật trong tác phẩm của bà, như: “Hè về” (2006), “Mùa Xuân” (2016), “Đi qua miền Tây Bắc” (2018)…

 
 

Không phải đến bây giờ giới hội họa cả nước mới gọi NSND Trà Giang là họa sĩ, hay là người đàn bà vẽ, mà cái tên ấy đã được xướng danh từ những năm 2000. Chủ đề chính, bao trùm và xuyên suốt trong tranh của NSND Trà Giang là hoa và phong cảnh quê hương, đất nước Việt Nam. Theo giới văn nghệ sĩ, ngôn ngữ của thiên nhiên là ngôn ngữ thiền, đồng thời cũng là ngôn ngữ của thơ ca. Cho nên, có thể xem mỗi bức tranh được NSND Trà Giang cho ra đời là một bài thơ mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên, của quê hương, đất nước Việt Nam, vì thế nó trở nên gần gũi với cuộc sống của mọi người.

 
Có lẽ đây là triển lãm lần cuối của Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang.

Theo Tiến sĩ Mã Thanh Cao - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, NSND Trà Giang là người tự học hội họa, nhưng tâm hồn thánh thiện, nhân hậu của bà đã hiện rõ trong từng nét vẽ và trong mỗi bức tranh của bà. Đề tài phong cảnh, hoa lá rất hợp với cách sống của NSND Trà Giang. Chính nó là liều thuốc giúp NSND Trà Giang được thư giãn, được vui sống trong cuộc đời một cách đúng nghĩa mà bà từng mong ước. 

 

“Từ triển lãm chung của nhóm “Hương cỏ” (khoảng thời gian từ 2001 - 2009) đến triển lãm cá nhân (từ 2016 đến nay), NSND Trà Giang đã “lên tay” rất nhiều. Điều đó cũng thật dễ hiểu, vì NSND Trà Giang là người chịu khó nghiên cứu, đọc nhiều và xem nhiều, quan trọng hơn là đam mê hội họa rất lớn. Không phải họa sĩ tự học nào cũng có khả năng tự hoàn thiện như NSND Trà Giang. Vẽ phong cảnh, hoa lá, tưởng dễ nhưng thật ra không dễ, vì nếu không có kỹ thuật cao thì không thể hiện được không khí hoa cỏ nhẹ nhàng. Muốn biểu đạt cái nhẹ nhàng của hoa, cỏ… thì hình họa, màu sắc phải chắc hơn”, Tiến sĩ Mã Thanh Cao - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ.

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang rất phấn khởi khi tổ chức triển lãm tranh ở tuổi 82 của mình.

Còn đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân thì cho rằng, NSND Trà Giang vẫn mãi là biểu tượng về mọi mặt: Tài năng, nhan sắc, nhân cách,… một biểu tượng đẹp đẽ bậc nhất của điện ảnh Việt Nam. “Mỗi dịp vào Sài Gòn, tôi đều ghé chung cư Phạm Ngọc Thạch để gặp NSND Trà Giang. Tôi xem đây như một điểm “hành hương”, tìm về một nơi tĩnh lặng. Mỗi lần như thế, NSND Trà Giang đều mang cho tôi vài lon bia, để tôi vừa uống bia, vừa trò chuyện, vừa xem tranh”, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân kể. 

Tranh của NSND Trà Giang được thể hiện dưới nhiều góc nhìn, phong phú về sắc thái biểu cảm, cùng với một thủ pháp hấp dẫn,… đã là nên giá trị nghệ thuật trong mỗi bức tranh. Tại triển lãm tranh lần này với chủ đề “Quê hương”, NSND Trà Giang đã mang đến cho người xem với 25 bức tranh sơn dầu đủ kích cỡ, được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những sáng tác mới nhất của bà trong những năm gần đây. 

 

“Ở tuổi 82, NSND Trà Giang vẫn duy trì lối sống giản dị trong sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong các mối quan hệ với đồng nghiệp và xã hội. Bà dành phần lớn thời gian để sống như một người bình thường và vẽ tranh. Thoạt đầu, bà vẽ như là “thu hoạch” sau mỗi chuyến đi, nhưng dần dà về sau thì đó là những cảm nhận về không gian và sắc màu. Cũng khung cảnh đó, nhưng sắc màu nhuốm tâm trạng nhiều hơn so với mắt nhìn. Vì thế, đến bây giờ, theo cá nhân tôi, hoàn toàn có thể gọi NSND Trà Giang là họa sĩ”, nhà văn Trần Nhã Thụy, cảm nhận.

Thật vậy! Vẫn là những bức tranh hội họa về hoa và phong cảnh, nhưng triển lãm lần này không đơn thuần là cảnh trí, mà giăng mắc tâm trạng của một người nghệ sĩ từng trải, giàu cảm xúc nội tâm và đang ở tuổi xế chiều. Đó là, ẩn bên trong những phong cảnh quê hương, đất nước hấp dẫn người xem là những phận người đầy trắc ẩn, nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ. Năm nay, NSND Trà Giang đã bước sang tuổi 82, nên có lẽ đây là triển lãm lần cuối cùng của bà, bởi sức khỏe và tuổi tác không cho phép bà mãi làm bạn với tranh.

 
Bài, ảnh: ĐỨC NGUYỄN - NGUYỄN NHÃ
Thiết kế, trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 07:49, 25/10/2024