[Emagazine]. Giải phóng Thủ đô Hà Nội: Từ thành phố tiêu dùng đến thành phố xanh màu áo thợ

14:56, 03/10/2024
.
 

 

  

 

------------------oOo------------------

   

Tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội và các tỉnh miền bắc nhưng giới tư bản Pháp dự báo, sớm muộn chính phủ Pháp sẽ thất bại, phải dời khỏi Việt Nam nên họ không bỏ tiền xây dựng nhà máy, xí nghiệp mới. Một số chủ còn bán lại cho các nhà tư sản người Việt. Và ngày ấy đã đến. Thua trận ở Điện Biên Phủ, chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva, ê chề rút quân khỏi Việt Nam và Đông Dương.

Ngày 10/10/1954, các cánh quân của bộ đội ta đã tiến về giải phóng Thủ đô trong sự hân hoan của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên Hiệp định Genève đã bị các thế lực quốc tế và chính quyền Ngô Đình Diệm xé bỏ, tổng tuyển cử năm 1956 đã không diễn ra, đất nước tạm chia cắt làm hai miền.

 

      

Năm 1958, miền bắc lựa chọn con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Để xây dựng cơ sở vật chất cho thời kỳ quá độ, nhà nước đã chủ trương “ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý”.  Ở biên giới phía bắc, Nhà máy Apatit được xây dựng ở Lào Cai, ở Thái Nguyên là cả khu liên hợp luyện gang thép, còn tại thành phố Việt Trì bên ngã ba sông là khu công nghiệp với các nhà máy hóa chất. Xuôi về đồng bằng có Nhà máy đường Vạn Điểm, Nhà máy dệt Nam Định…

Nhưng Hà Nội được xác định sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của miền bắc. Tại triển lãm Quy hoạch phát triển kinh tế Hà Nội tháng 11/1959, sau khi tham quan và nghe giới thiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Hà Nội phải phát triển kinh tế, xã hội để nhân dân ta tự hào, để cho thế giới thấy Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của nước xã hội chủ nghĩa”.

 

Hà Nội từ năm 1945-1954 có diện tích nhỏ hẹp chỉ 150km2. Để tạo điều kiện cho Thủ đô có đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp, năm 1961, Quốc hội khóa 2 đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính, nhập nhiều xã ngoại ô vào nội thành, sáp nhập các xã, huyện của tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh thành huyện ngoại thành.

Từ năm 1958 cả Hà Nội như một công trường lớn. Hàng loạt các nhà máy xí nghiệp hình thành ở ngoại ô, phía Đông Nam, khu vực Lương Yên có Nhà máy Xay xát, Lò mổ; phía nam có Nhà máy Cơ khí Mai Động. Xí nghiệp Bánh kẹo Hải Hà, Nhà máy Hoa quả xuất khẩu, nhưng lớn nhất là Nhà máy Dệt 8-3 ở phố Minh Khai. Nhà máy này bắt đầu xây dựng từ năm 1960, khánh thành năm 1965. 

Ở phía tây, trên đường Nguyễn Trãi có Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội (gọi là khu Cao-Xà -Lá), Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông. Gần Cầu Mới có Nhà máy Cơ khí Hà Nội (hay Nhà máy Công cụ số 1) khánh thành năm 1958 với hơn 1.000 công nhân chia nhau làm 3 ca. Một khu tập thể rất lớn nằm đối diện cổng nhà máy mọc lên và khi tan ca, công nhân qua đường về nhà khiến các ông lái tầu điện tuyến Bờ Hồ-Hà Đông phải dậm chuông liên tục. Cũng trên trục đường Nguyễn Trãi có Xí nghiệp giầy của Quân đội (năm 1961 đổi thành Nhà máy Cao su Thụy Khuê, năm 1978 đổi thành Xí nghiệp giầy vải Thượng Đình).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà máy dệt 8-3 Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/1965. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà máy dệt 8-3 Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/1965. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)

Năm 1961 Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hà Nội ở làng Chèm khánh thành, Nhà máy Chế tạo Biến thế ở  phố Trần Nguyên Hãn. Trong năm 1962, Nhà máy Cơ khí Quang Trung trên đường Giải Phóng ra đời. Bên cạnh các cơ sở công nghiệp mới, các nhà máy trước đó của chủ Pháp nay thành tài sản nhà nước đã phục hồi sản xuất như: Nhà máy sửa chữa ô-tô Aviat (đổi tên thành Nhà máy ô-tô Ngô Gia Tự - phố Phan Chu Trinh). Các Nhà máy Cơ khí Đồng Tháp ở phố Hàng Tre, Nhà máy Thuộc da phố Thụy Khuê, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân phố Ngô Thì Nhậm-Hòa Mã và rất nhiều nhà máy, xí nghiệp khác hoạt động với tư thế mới, cung cách quản lý mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất Hà Nội (16/8/1956).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất Hà Nội (16/8/1956).

Năm 1957 trên nền cũ của Nhà máy Diêm cuối phố Bà Triệu đã mọc lên một cơ sở sản xuất đồ sộ đó là Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, được ví là con chim đầu đàn của ngành cơ khí Việt Nam. Tiếp đó là Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà ở phố Lý Thường Kiệt với các sản phẩm mực Cửu Long, bút máy Trường Sơn, giấy viết. Cùng với các nhà máy lớn, hàng loạt các xí nghiệp cũng ra đời gồm: Xí nghiệp giấy, pháo Trúc Bạch, xí nghiệp nhựa ở phố Hai Bà Trưng…

Trong hai giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ (1965-1968, 4/1972-12/1972), Hà Nội vẫn “lấp hố bom mà dựng lò cao”. Cuối năm 1964 khánh thành Xí nghiệp Sửa chữa ô-tô 3-2. Năm 1965, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu đi vào sản xuất. Năm 1968 có Nhà máy Mỳ Chùa Bộc, năm 1970 có Nhà máy Điện cơ Thống Nhất ở phố Nguyễn Đức Cảnh. Sau khi Mỹ ký Hiệp định Paris rút quân khỏi Việt Nam năm 1973, ở Hà Nội lại mọc thêm các nhà máy mới. Năm 1974, có Nhà máy Bi-Xích-Líp ở huyện Đông Anh, Nhà máy sợi Minh Khai.

Thăm Nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Hà Nội, Người xem suất ăn bồi dưỡng giữa ca của công nhân (26/1/1961). (Ảnh: hochiminh.vn)
Thăm Nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Hà Nội, Người xem suất ăn bồi dưỡng giữa ca của công nhân (26/1/1961). (Ảnh: hochiminh.vn)

Tính từ năm 1954-1975, năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước tại Hà Nội có 36 nhà máy lớn, vài chục xí nghiệp, sử dụng hàng vạn công nhân. Từ một thành phố tiêu thụ, Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp của miền bắc, đường phố Hà Nội xanh mầu áo thợ. Đêm đêm công nhân đạp xe đi làm ca ba dưới ánh đèn đường đông như trẩy hội.  Họ không còn nai lưng làm giầu cho các chủ tư bản, họ “làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt”. Và Hà Nội đã trở thành điểm tựa, niềm tin vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau năm 1975, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp…, dần được chuyển ra khu vực ngoại thành, vừa để giảm ô nhiễm môi trường, vừa để dành quỹ đất và không gian cho sự phát triển Hà Nội thành một thủ đô văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước. Có thể nói, “thành phố màu áo thợ” Hà Nội từ 1954-1975 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, chi viện cho miền nam đánh thắng quân xâm lược, non sông thu về một mối.

Ngày hôm nay, nhiều nhà máy đã bị phá dỡ, từ nơi đây mọc lên chung cư cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất, song vẫn còn một số nhà máy trong đó có nhà máy xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Mong rằng, những người có trách nhiệm hãy giữ lại những công trình này, vì đó là di sản công nghiệp, một tài sản quý có thể cải tạo biến thành sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa.  

Hà Nội đang trong hành trình trở thành đô thị sáng tạo. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Hà Nội đang trong hành trình trở thành đô thị sáng tạo. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nguồn: Nhandan.vn
L.H (Trình bày)

 

  

 
 

Xuất bản lúc: 14:56, 03/10/2024