[Emagazine]- Về nơi “thắp lửa”cách mạng

09:26, 01/09/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Năm xưa, đây là những “cái nôi” của phong trào cách mạng. Ngày nay, các địa phương ấy lại đi đầu trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

Trở lại thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức) vào một chiều thu tháng 8, chúng tôi cảm nhận được sự yên bình, sung túc của người dân nơi đây. Làng quê mới những cánh đồng lúa óng vàng trĩu hạt, đường thôn rực rỡ cờ hoa bên những ngôi nhà nhỏ xinh, ngõ vườn sạch, đẹp. Thế nhưng ít ai biết rằng, để có được sự trù phú, thanh bình như hôm nay, người dân thôn Văn Hà nói riêng, xã Đức Phong nói chung đã đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Cựu chiến binh Lê Văn Thanh (72 tuổi) kể, xưa kia, thôn Văn Hà có làng Trà Niên, là vùng đất gian khó, nhìn quanh đâu đâu cũng chỉ thấy bùn lầy, lau sậy, nhưng đây chính là nơi đã “thắp lửa” cách mạng, lan tỏa lòng yêu nước, căm thù giặc rộng khắp, từ xã Đức Phong đến các xã khu đông của huyện Mộ Đức. Nói đoạn, ông Thanh chỉ tay về phía Khu di tích Cuộc biểu tình Trà Niên, nơi mà 83 năm trước, hàng trăm người dân đã đổ xương máu để chống thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai.

 

Theo “Lịch sử Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đức Phong (1930 - 2005)”, Cuộc biểu tình Trà Niên diễn ra sau khi thực dân Pháp xử chém đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 23/4/1931. Đêm ngày 30/4/1931, rạng sáng ngày 1/5/1931, đoàn biểu tình với hơn 3.000 người (sau tăng lên 5.000 người) đã dùng gậy, dây, tay cầm cờ búa liềm hô vang khẩu hiệu “Phản đối xử tử đồng chí Nguyễn Nghiêm”; “giảm sưu cao, thuế nặng!”; “đả đảo đế quốc Pháp”... đi trên khắp các tuyến đường thuộc các xã khu đông huyện Mộ Đức.

Do bị mật thám báo hiệu cho bọn quan thầy ở huyện lỵ Mộ Đức, nên khi đoàn biểu tình đến bến đò của làng Trà Niên, một trung đội lính lê dương của thực dân Pháp đã nổ súng, sát hại nhiều người.

“Tuy bị đàn áp đẫm máu, nhưng cuộc biểu tình Trà Niên đã để lại tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào đấu tranh chống đế quốc, bọn thực dân tay sai, ác ôn của nhân dân trong toàn tỉnh ngày ấy nói chung, xã Đức Phong nói riêng. Với tinh thần cách mạng, nhân dân Đức Phong một lòng đi theo cách mạng, kiên cường đánh đuổi giặc ngoại xâm để giải phóng quê hương vào ngày 8/2/1964 và là “xã 82 thành đồng” tiêu biểu của Quảng Ngãi”, ông Thanh tự hào.

Cựu chiến binh xã Đức Phong (Mộ Đức) tưởng niệm nạn nhân bị sát hại trong vụ biểu tình Trà Niên.
Cựu chiến binh xã Đức Phong (Mộ Đức) thắp hương, tưởng niệm nạn nhân bị sát hại trong vụ biểu tình Trà Niên.

Đến nay, đã 83 năm trôi qua kể từ sau cuộc biểu tình Trà Niên và 60 năm kể từ ngày xã Đức Phong được giải phóng, nhưng truyền thống và khí thế hào hùng ấy vẫn được các thế hệ người dân xã Đức Phong gìn giữ, phát huy.

Chủ tịch UBND xã Đức Phong Đinh Văn Bé cho biết, Khu di tích Cuộc biểu tình Trà Niên trở thành “địa chỉ đỏ”, thiết chế văn hóa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, đoàn kết, chung sức quyết tâm biến vùng “đất lửa” năm xưa, thành vùng quê trù phú. Bây giờ, thôn Văn Hà nói riêng, xã Đức Phong nói chung đã khoác lên mình với những gam màu sáng đẹp và ấm no, trù phú.

 

Theo dòng lịch sử, chúng tôi tìm về núi Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ), nơi mà cách đây 79 năm đã bao bọc, che chở Đội du kích Ba Tơ huyền thoại. Ông Phạm Ngọc Dương, người uy tín ở xã Ba Vinh cho biết, trong ký ức của người dân nơi đây, vùng đất dưới chân núi Cao Muôn ngày ấy còn cằn cỗi, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, đồng bào các dân tộc vẫn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, kề vai sát cánh cùng bộ đội để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thời gian trôi qua, nhưng những địa danh lịch sử ghi dấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn mãi được người dân nơi đây lưu truyền, gìn giữ như bãi Hang Én, chiến khu Nước Sung...

 

Chủ tịch UBND xã Ba Vinh Đinh Xuân Hậu cho biết, nếu trước đây, núi Cao Muôn là thành lũy để che chở Đội du kích Ba Tơ anh hùng, thì nay lại tạo mạch nguồn của sự ấm no, trù phú. Núi Cao Muôn quanh năm xanh tốt, để thác nước mãi tuôn trào tưới mát cho những đồng rau xanh mướt, ruộng lúa trĩu hạt, với năng suất đạt trên 73 tạ/ha trong vụ đông xuân 2023 - 2024. Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân xã Ba Vinh đã tự nguyện dịch rào, đóng góp hàng nghìn ngày công để bê tông hàng chục tuyến đường.

Thị trấn Ba Tơ nhìn từ trên cao. Ảnh: MỸ HOA

Nỗ lực của người dân, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước đã mang lại diện mạo mới cho xã Ba Vinh, với cơ sở hạ tầng điện, trường học, trạm y tế khang trang hay những tuyến đường sạch, đẹp. Trong đó phải kể đến cung đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện miền Tây Quảng Ngãi, đoạn Ba Tơ - Minh Long “vắt” qua các xã, từ Ba Thành, Ba Vinh, Ba Điền (Ba Tơ) đến Thanh An (Minh Long), với chiều dài hơn 30km, đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống cách mạng hào hùng, xã Ba Vinh sẽ tiếp tục nỗ lực vươn lên, tạo cho mình diện mạo mới trù phú, yên bình.

 

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Sơn Linh (Sơn Hà) từng là vùng căn cứ cách mạng, nơi ghi dấu nhiều mốc lịch sử quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Hà. Trải qua gian khó, Sơn Linh hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới...

 

Gặp già làng Đinh Dừa (94 tuổi), ở xóm Hát Rải, thôn Làng Xinh, ông kể, trong kháng chiến, khu vực núi Hát Rãi, thôn Làng Xinh là vùng căn cứ cách mạng của ta. Lúc ấy, quân địch thường xuyên thả bom, hòng phá vỡ tuyến phòng thủ của ta. Nhưng quân và dân ta vẫn một lòng kiên trung, chiến đấu đánh giặc. Người dân ban ngày tăng gia sản xuất, ban đêm băng rừng, mở đường, cõng lương thực lên núi Hát Rải tiếp tế cho bộ đội.

“Trong kháng chiến, nhà tôi là địa điểm nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Cha tôi sau đó đã bị giặc Pháp bắn hy sinh. Đến đời tôi cũng đi bộ đội và tham gia kháng chiến ở khắp các vùng núi trên địa bàn huyện. Có lần, tôi cùng đồng đội bị địch phục kích, may mắn tôi vẫn còn sống, nhưng đồng đội tôi thì đã nằm lại với núi rừng”, già Dừa rưng rưng nhớ lại.

Sơn Linh còn là nơi ghi dấu nhiều mốc lịch sử quan trọng của Đảng bộ huyện Sơn Hà. Theo lời kể của những người có uy tín trong làng, cuộc khởi nghĩa năm 1945 thành công, giặc Pháp rút khỏi Sơn Linh. Sau nhiều lần họp, bàn bạc và được sự thống nhất của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ngày 6/8/1946, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Sơn Hà được thành lập ở xóm Gò Reng, thôn Gò Da, thuộc xã Sơn Linh. Đây là mốc lịch sử quan trọng, tạo tiền đề để thành lập các chi bộ Đảng trên địa bàn huyện Sơn Hà.

 

Ở Sơn Linh bây giờ, những cánh rừng bạt ngàn màu xanh của keo, mì. Dọc theo bãi bồi nơi đầu nguồn của dòng sông Trà Khúc, hàng trăm hộ dân ở Sơn Linh đã đoàn kết, cùng nhau tham gia vào Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Sơn Linh để sản xuất 21ha đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, liên kết với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi để trồng bắp sinh khối.

Trên các sườn đồi, nhiều dự án, mô hình kinh tế được triển khai như: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nấm ăn; dự án hỗ trợ nuôi gà kiến thả vườn; dự án nâng cấp chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dê bản địa thương phẩm; mô hình trồng cây ăn quả theo nhóm hộ... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Đường về Sơn Linh hôm nay vô cùng thuận lợi. Đặc biệt, đầu năm 2024, công trình cầu Sơn Linh - Sơn Giang được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng đã đem lại niềm vui khôn xiết cho hàng nghìn người dân ở xã Sơn Linh. “Đối với người dân xã Sơn Linh, không gì vui bằng khi công trình cầu Sơn Linh - Sơn Giang được đưa vào sử dụng. Vậy là ước mơ từ bao đời của người dân chúng tôi cũng đã thành hiện thực”, ông Đinh Văn Đến, ở xã Sơn Linh, phấn khởi chia sẻ.

Một góc thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh (Sơn Hà).
Một góc thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh (Sơn Hà).

Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Linh Võ Xuân Thanh, những năm qua, từ các nguồn vốn, xã Sơn Linh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người của xã trên 42 triệu đồng/người/năm.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 7,21% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đến nay, xã Sơn Linh đã đạt được 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đã trình hồ sơ cho các cấp, ngành để thẩm định, công nhận xã nông thôn mới trong năm 2024.

Bài, ảnh: MỸ HOA - HỒNG HOA
Thiết kế, trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:26, 01/09/2024