(Báo Quảng Ngãi)- Người Quảng Ngãi bao đời nay vẫn thế, luôn khảng khái, nghĩa tình. Dẫu nghèo, nhưng khi đồng bào miền Bắc chịu nhiều mất mát, khó khăn do ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt,... họ luôn sẵn lòng chắt chiu từng hạt gạo, hạt muối, đập heo đất tiết kiệm…, để chia sẻ với những gia đình bị thiệt hại.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" là câu hát trong bài “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Câu hát truyền tải đến mọi người về tầm quan trọng của tình yêu thương, sự chia sẻ trong cuộc sống. Tình yêu thương, sẽ thôi thúc mỗi con người có những hành động thiện tâm ấm áp để giúp đời, giúp người.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trao bảng tượng trưng số tiền 10 tỷ đồng (đợt 1, vào ngày 12/9) của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 và lũ lụt gây ra. Ảnh: TL |
Giữa lúc đồng bào miền Bắc gặp khó khăn do bão, lụt; lối sống yêu thương, chia sẻ của người Quảng Ngãi lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mỗi người dân Quảng Ngãi đã biến yêu thương thành hành động, cùng hướng lòng về với đồng bào miền Bắc theo nhiều cách khác nhau.
Trong khoảng thời gian 5 ngày (từ ngày 20 - 25/9/2024), bà Nguyễn Thị Đông - một tiểu thương bán trái cây ở TP.Quảng Ngãi cùng các trụ trì, tăng ni, phật tử chùa Phổ Hải, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) và chùa Quan Âm, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) vượt chặng đường hơn 1.000km từ Quảng Ngãi ra đến tỉnh Lào Cai để trực tiếp trao tiền và quà hỗ trợ cho người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và xã Phìn Ngan (Bát Xát).
Mưu sinh bằng nghề bán trái cây ở chợ đầu mối nông sản Quảng Ngãi, người phụ nữ 48 tuổi, giàu nghĩa tình này, đã gom góp 100 triệu đồng mà mình tích lũy để mang ra trao gởi cho đồng bào Lào Cai - nơi người dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất bởi cơn bão Yagi và lũ lụt.
Bà Nguyễn Thị Đông, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cùng các thành viên trong đoàn trao tiền hỗ trợ cho người dân ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) và một số địa phương phía bắc, với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng, trong đó gia đình bà Đông ủng hộ 100 triệu đồng. Ảnh: TS |
Chia sẻ trong niềm xúc động, bà Đông bảo, khi theo dõi từ báo chí và các trang mạng xã hội về sự tàn phá khốc liệt của bão Yagi và lũ lụt tại các tỉnh phía bắc, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi. Chứng kiến đồng bào mình phải chịu nhiều đau thương, mất mát, khi con mất cha mẹ, vợ mất chồng, nhiều đứa trẻ bơ vơ không còn điểm tựa trong cuộc sống…, tôi nghĩ rằng, dù ít hay nhiều, tôi cần phải hành động để giúp đỡ đồng bào.
Nghĩa đồng bào thúc giục, bà Đông bàn bạc cùng các con, quyết định đập heo đất mà gia đình tích cóp để ủng hộ đồng bào miền Bắc. Đập heo đất tiết kiệm được hơn 80 triệu đồng, bà thêm vào đấy gần 20 triệu đồng để dành tròn 100 triệu cho đồng bào đang gặp thiên tai.
Sau khi chuẩn bị xong xuôi kinh phí, bà Đông tiếp tục phối hợp cùng các trụ trì chùa Phổ Hải và chùa Quan Âm vận động từ các mạnh thường quân 118 triệu đồng, để cùng nhân lên những ân tình, nhằm tiếp thêm động lực cho người dân vùng thiên tai sớm vượt qua khó khăn, sớm xây dựng cuộc sống mới.
Em Phùng Dương Nhất ( 9 tuổi), ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) dùng số tiền mà em tiết kiệm được trong suốt 3 năm để ủng hộ đồng bào miền Bắc. Ảnh: ĐVCC |
Trong những ngày cả nước đồng lòng hướng về miền Bắc, trên danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc của xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) có ông Phạm Văn Chuộng, thôn Thống Nhất, ủng hộ 20 nghìn đồng.
Trong tổng số tiền gần cả trăm triệu đồng mà Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tịnh Ấn Tây huy động được từ nhân dân, ông Phạm Văn Chuộng là cá nhân hỗ trợ số tiền ít nhất. Nhưng khi danh sách ủng hộ được niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, ai nấy đều xúc động khi thấy một người có hoàn cảnh khó khăn, lại đang lâm vào trọng bệnh như ông Chuộng vẫn rộng mở tấm lòng vì đồng bào miền Bắc.
Cách đây 2 năm, gia đình và những người quen biết ông Chuộng đều nghĩ cuộc đời của người cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường K này có lẽ sẽ dừng lại ở tuổi 64.
Có khối u ác tính trong gan, ông Chuộng được các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chỉ định mổ để lấy khối u và cắt luôn túi mật. Song, sau mổ, bệnh tình ông vẫn không thuyên giảm.
"Bụng tôi trướng to lên đến mức tôi phải nằm một chỗ, không mặc được cả quần áo. Tôi cứ tưởng cuộc đời mình thế là xong. Ấy vậy mà cuộc sống này thật diệu kỳ, tôi vừa uống thuốc của bác sĩ cho, vừa uống thuốc nam, thuốc bắc, rồi bụng dần xẹp đi. Bây giờ, sức khỏe của tôi vẫn yếu, nhưng đỡ hơn lúc thập tử nhất sinh 2 năm trước. Trải qua bao phen vào sinh ra tử ở chiến trường K, rồi bây giờ chiến đấu với bệnh tật, tôi thấy rằng còn được sống là hạnh phúc. Chuyện giàu nghèo, thiếu đủ, mình tính sau. Hễ có cơ hội thì cứ cho đi. Có ít tiền thì mình cho ít. Thậm chí nếu không có tiền, thì mình vẫn có thể cho đi. Cho đi bằng hành động, bằng việc làm, bằng lời động viên tích cực", ông Chuộng bộc bạch.
Đau ốm, đi lại khó khăn, nhưng ông Phạm Văn Chuộng, ở xã Tịnh Ấn Tây vẫn chọn cách sống yêu thương, chia sẻ với cộng đồng. Ảnh: Ý THU |
Nói về ông Phạm Văn Chuộng, Chủ tịch Hội CCB xã Tịnh Ấn Tây Phạm Văn Thành xúc động chia sẻ, hai vợ chồng anh Chuộng mưu sinh bằng nghề bán bắp ở chợ, kinh tế chật vật lắm. Mấy năm nay, anh lại mắc bệnh nan y, điều kiện kinh tế gia đình khó lại càng thêm khó. Khổ thế, nhưng anh luôn lạc quan, gương mẫu trong mọi hoạt động của hội.
Dẫu ốm đau, bệnh tật, nhưng khi hội CCB phát động chương trình gì, anh đều tham gia ủng hộ. Từ năm 2022 trở về trước, khi còn khỏe mạnh, thì anh luôn có mặt khi cộng đồng cần. Như trực tại các trạm chốt khi dịch Covid - 19 bùng phát, tham gia phụ giúp đám tang khi hội viên hội CCB của xã qua đời...
Những người cao tuổi ở huyện Bình Sơn ủng hộ đồng bào miền Bắc. Ảnh: ĐVCC |
Vừa thoát nghèo vào cuối năm 2023, song bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, ở thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) là một trong số hơn 200 tổ chức, cá nhân của xã Tịnh Ấn Tây góp tiền ủng hộ đồng miền Bắc thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam xã.
Bị bệnh tim, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề đúc bánh xèo mỗi buổi sáng, song, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga vẫn đóng góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt ở miền Bắc. Ảnh: Ý THU |
"Biết hoàn cảnh khó khăn của tôi nên xã không hề vận động tôi đóng góp. Nhưng cái tâm của tôi thôi thúc tôi phải có một chút gì đó, để gửi ra cho đồng bào mình", bà Nga bộc bạch.
Bị bệnh hở van tim, lại không có tiền để phẫu thuật, nên suốt 6 năm qua bà Nga phải uống thuốc để duy trì sức khỏe. Chỉ vào toa thuốc vừa mua, bà Nga tâm sự, trước cái ngày tôi mang 100 nghìn đồng nhờ địa phương gửi cho đồng bào miền Bắc, tôi phải đi mượn hàng xóm 270 nghìn đồng để đi mua thuốc uống, vì trong người đã hết sạch tiền. Bán bánh xèo để mưu sinh, bữa ế, bữa đông khách, thành thử tiền kiếm được chỉ đủ đắp đổi thuốc thang qua ngày, chứ không có tiền dư.
Cán bộ Mặt trận và các hội, đoàn thể ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) nấu bánh chưng gửi tặng người dân các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: HIỀN THU |
Xuất phát hành trình yêu thương tại tỉnh Tuyên Quang với đoàn xe 9 chiếc bán tải của CLB PSQ Quảng Ngãi. Ảnh: NGỌC THÀNH |
Tối muộn ngày 23/9, anh Lý Văn Thuận, Hội anh chị em từ thiện Bình Sơn bảo rằng, sau chặng đường dài gần 1.400km, đoàn 5 người của hội cũng đã đặt chân đến Lào Cai, mang theo hơn 500 triệu đồng tiền mặt để hỗ trợ học sinh và các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.
Anh Thuận bảo, số tiền này là từ những tấm lòng vàng của người dân ở Quảng Ngãi và ở các nơi tin tưởng trao gửi cho các thành viên trong hội để chia sẻ phần nào khó khăn với bà con miền Bắc đang chịu thiệt hại nặng nề của bão lũ, sạt lở núi. Trong đó, có số tiền 50 triệu đồng từ “nuôi heo đất” của thầy trò Trường THPT Bình Sơn.
“Vì sao các anh lại phải lặn lội ra tận vùng bão lũ ngoài Bắc để trao, mình có nhiều cách để tiền có thể tới tận tay bà con mà?”- Tôi hỏi? Anh Thuận nói không do dự: “Không được. Anh em chúng tôi phải ra tận nơi. Ra đây không chỉ mang theo tiền để hỗ trợ, mà ý nghĩa lớn hơn là mang theo cái tình của người Quảng Ngãi đến với người dân các tỉnh phía bắc.
Trước đây, cứ mỗi lần người dân miền Trung, người dân Quảng Ngãi bị thiệt hại do bão lũ gây ra, bà con miền Bắc đều sẻ chia yêu thương, kịp thời giúp đỡ. Giờ là lúc mình trả cái nghĩa, cái tình ấy với bà con ngoài này. Ra đây thấy bà con bị thiệt hại nặng nề, nhiều gia đình mất đi người thân, chúng tôi không cầm được nước mắt. Mình ra động viên bà con, có vất vả chút xíu thì có là gì so với nỗi đau quá lớn mà bà con ngoài này đang phải trải qua”.
Anh Trương Văn Nhị (trái) trao quà hỗ trợ cho người dân tỉnh Lào Cai. Ảnh: NVCC |
Cả nhóm của anh Thuận lọ mọ sắp tiền vào từng bì thư rồi vượt qua những đoạn đường đèo dốc, băng qua những điểm sạt lở để đến xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên (Lào Cai) tận tay trao hỗ trợ, động viên 150 học sinh. Rồi các anh lại ngược hướng đến làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên thăm hỏi, tặng quà cho gia đình có thân nhân bị núi lở vùi lấp.
"Đến với bà con ở miền Bắc, chúng tôi mang theo cả tình yêu thương và niềm hy vọng, biết là nỗi đau khó lòng nguôi ngoai, nhưng mong rằng bà con cố gắng vượt qua", anh Huỳnh Đông, quê Quảng Ngãi, sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh - nhóm trưởng đi trong đoàn 5 người của anh Thuận, xúc động nói.
Trước đoàn của anh Thuận còn có rất nhiều đoàn thiện nguyện từ Quảng Ngãi đã ra Bắc rất sớm. Họ lặng lẽ theo những chuyến xe, chở theo hàng chục tấn nhu yếu phẩm, có cả bánh tét quê nhà để đến với những nơi khó khăn sau thiên tai.
Vừa trở về quê Quảng Ngãi sau chặng đường dài hơn 3.000km với hơn 4 ngày ngược xuôi khắp vùng bão lũ ở tỉnh Tuyên Quang, anh Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ xe bán tải PSQ bảo, đó là một hành trình của yêu thương. Câu lạc bộ xe bán tải PSQ thành lập ngoài vì đam mê xe, các thành viên trong câu lạc bộ đều nhiệt huyết với các hoạt động thiện nguyện. Khi bà con miền Bắc chịu thiệt hại nặng do thiên tai, anh em trong câu lạc bộ bảo nhau phải làm một điều ý nghĩa để sẻ chia với bà con.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi Phạm Ngọc Thành trao quà do người dân ở Quảng Ngãi gửi tặng người dân ở tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: NVCC |
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi Phạm Ngọc Thành chia sẻ, trong đoàn đi Tuyên Quang có 21 thành viên trong Câu lạc bộ xe bán tải PSQ và các tình nguyện viên thuộc Nhóm FQng Quảng Ngãi. Đoàn mang theo 5 tấn hàng hoá, nhu yếu phẩm trị giá 150 triệu đồng trao cho bà con vùng bão lũ.
“Khi đến Tuyên Quang, anh em chúng tôi muốn đến những nơi khó khăn, xa xôi nhất. Sau khi trao quà ở trung tâm xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn cho 140 hộ dân, anh em vội gói ghém quà gồm muối Sa Huỳnh; cá, mực rim thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An; sách vở, sữa, nước, đồ dùng học tập, quần áo, gạo... do bà con ở Quảng Ngãi gửi tặng để đến điểm trường Tiến Thành, thôn Khuổi Cằn, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn. Đoạn đường cách trung tâm xã có 12km mà di chuyển hơn 1 tiếng đồng hồ. Anh em nhịn đói đi xuyên trưa, mãi đến 19 giờ về lại trung tâm mới ăn cơm. Vất vả nhưng ai cũng cảm thấy ấm lòng khi sẻ chia yêu thương với bà con nơi đây. Đoàn đi có 9 chiếc xe, di chuyển rất khó khăn. Anh em đều an toàn cả!”, anh Thành nói.
"Anh đã về lại Quảng Ngãi chưa?". “Chưa em. Anh đi ra Lào Cai từ hôm 18/9 tới giờ. Ra đây mình thấy rất thương đồng bào của mình. Đều là con dân đất Việt nên không ai không đau xót. Anh đến làng nào trao hỗ trợ cho bà con cũng không cầm lòng được. Làng Nủ làm anh ám ảnh khôn nguôi”, anh Trương Văn Nhị, quê xã Bình Hiệp (Bình Sơn) nói giọng buồn buồn.
Anh Nhị là thành viên trong Câu lạc bộ thiện nguyện Vòng tay ấm Bình Sơn. Từ hôm miền Bắc gặp hoạn nạn, các thành viên trong câu lạc bộ đã kêu gọi cộng đồng chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc, rồi anh Nhị xung phong thay mặt câu lạc bộ ra Lào Cai, đến với làng Nủ chia sẻ khó khăn với bà con.
Đoàn xe biển số 76 vận chuyển hàng hóa đến với người dân thôn Khuổi Cằn, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: NVCC |
“Cảm ơn ân tình của người Quảng Ngãi”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) Vũ Thị Toan xúc động nói. Trên Facebook cá nhân, chị Toan viết dòng tâm sự: “Ngày 22/9/2024! 3 tấn gạo tặng bà con xã Xuân Vân, xã thiệt hại nặng nhất về hoa màu, cây ăn quả. Trân trọng cảm ơn đoàn xe bán tải không đồng của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi khi hôm qua cùng mình lên tặng quà xã Kiến Thiết. Với bầu nhiệt huyết đầy yêu thương, dám đi lên tận thôn Nậm Bó, nơi mà chưa đoàn nào đến được. Hôm nay còn tình nguyện ở lại thêm 1 hôm để chở hàng miễn phí đi các xã! Quá tuyệt vời!”.
Cá cơm rim của người dân Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) và muối Sa Huỳnh đến với đồng bào miền bắc. Ảnh: NGỌC THÀNH |
Chị Toan đã bật khóc khi chia sẻ về đoàn thiện nguyện ở Quảng Ngãi đến với Tuyên Quang. “Tình cảm của người Quảng Ngãi dành cho người dân miền Bắc, cho bà con vùng thiên tai tỉnh Tuyên Quang quá tuyệt vời. Hồi giờ có lẽ đây là lần đầu tiên tôi gặp và tiếp xúc với người Quảng Ngãi. Tôi cảm nhận được tấm chân tình của mọi người dành cho bà con quê hương tôi.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi Phạm Ngọc Thành, cùng với anh em trong đoàn đã vận chuyển giúp địa phương hàng hóa cứu trợ lên những vùng khó nhất của huyện Yên Sơn và mang những món đặc sản Quảng Ngãi mà lần đầu tiên trong đời nhiều người dân quê tôi được ăn. Hôm lên thôn Khuổi Cằn, xã Kiến Thiết, tôi nói với các anh trên đó bà con khó khăn vô cùng sau bão, lũ nhưng các anh đừng lên vì đường đi khó khăn, nguy hiểm nhưng các anh vẫn quyết lên cho bằng được và bảo phải đến được nơi đó. Rồi sau đó còn ở lại giúp địa phương, vận chuyển nhu yếu phẩm đến các vùng khó khăn khác rồi mới về. Tôi xúc động lắm, nhớ mãi ân tình này”, chị Toan trải lòng.
Ý THU - MINH HUY
Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: