(Báo Quảng Ngãi)- Phát huy tinh thần quật khởi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi 65 năm trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trà Bồng luôn đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Từ năm 1955, với mục đích truy tìm và tiêu diệt những người tham gia hoặc liên quan đến Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chính quyền Ngô Đình Diệm đã triển khai chiến dịch “tố cộng", "diệt cộng”. Chúng lê máy chém đi khắp nơi, với khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, hàng chục nghìn người bị bắt giam. Các cơ sở cách mạng bị địch phá hoại, làm cho một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hoang mang, dao động... Mặc dù vậy, cơ sở cách mạng ở Trà Bồng vẫn được bảo toàn.
Thị trấn Trà Xuân nhìn từ trên cao. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG |
Để đưa phong trào cách mạng tiến lên, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã dựa vào quần chúng, tin quần chúng, củng cố, tập hợp lực lượng, triển khai dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết, rút thanh niên vào các trại sản xuất, kêu gọi nhân dân tự giác đứng vào hàng ngũ cách mạng. Đầu năm 1959, tỉnh thành lập 3 đơn vị vũ trang là 339, 89, 299. Việc này đánh dấu sự lớn mạnh trong phong trào cách mạng của Quảng Ngãi lúc bấy giờ.
Tượng đài Khởi nghĩa Trà Bồng. Ảnh: N.P |
Tháng 6/1959, Tỉnh ủy Quảng Ngãi triệu tập hội nghị mở rộng để học tập, bàn kế hoạch, biện pháp thực hiện Nghị quyết 15 của trung ương, chủ trương phá tan cuộc bầu cử của địch. Ngày 23/8/1959, địch điều quân lên Trà Bồng, vây ráp các xã và cưỡng bức đồng bào đi học tập bầu cử. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ngày 23/8/1959, đồng bào Cor ở các xã Trà Thủy, Trà Giang biểu tình tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội bù nhìn của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 27/8/1959, địch lên Trà Phong, gặp lúc thanh niên trong xã đang đào hầm, địch đánh úp, bắn chết một người và làm bị thương hai người. Tin địch giết người lan rộng khắp huyện Trà Bồng, thổi bùng ngọn lửa căm thù bấy lâu nay đang dồn nén trong lòng nhân dân.
Người dân huyện Trà Bồng phơi quế. Ảnh: B.S |
Không chịu nổi áp bức của địch, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, từ mờ sáng 28/8, tiếng cồng chiêng, tiếng trống mõ, tiếng la hét hòa trong tiếng súng từ các làng nổi lên vang dậy khắp núi rừng Trà Bồng, thúc giục đồng bào xuống đường, vây diệt ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền. Nhân dân và lực lượng thanh niên vũ trang các xã Trà Phong, Trà Nham, Trà Lãnh (nay là xã Hương Trà); Trà Khê, Trà Quân (nay là xã Sơn Trà); Trà Sơn đồng loạt nổi dậy, vây diệt bọn cảnh sát ác ôn, uy hiếp tinh thần binh lính địch. Vùng cao Trà Bồng bừng bừng khí thế quật khởi, lính địch hốt hoảng trốn vào các thôn, nóc, liền bị ta bao vây, gọi hàng, bắt sống. Đơn vị 339 cùng du kích và nhân dân chặn đánh địch ở nhiều nơi, tấn công trụ sở, dẹp bộ máy chính quyền bù nhìn, địch rút chạy. Bộ máy ngụy quyền của địch ở Trà Bồng hoàn toàn bị tê liệt. Toàn huyện Trà Bồng được giải phóng. Chính quyền cách mạng ở các xã được thành lập.
Tin Trà Bồng được giải phóng lan nhanh khắp các huyện miền núi của tỉnh. Cả miền Tây Quảng Ngãi nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay cách mạng. “Hồi đó, tôi ở Đội công tác huyện Bình Sơn được điều về tham gia khởi nghĩa ở vùng quận lỵ huyện Trà Bồng. Đúng giờ, chúng tôi nổ súng, có sự hỗ trợ của đơn vị C339, cuộc khởi nghĩa thành công tốt đẹp”, nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Minh Sơn nhớ lại.
Một góc trung tâm thị trấn Trà Xuân ngày một khang trang. Ảnh: BÁ SƠN |
Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là cuộc khởi nghĩa vũ trang sớm nhất ở miền Nam và làm nức lòng nhân dân cả nước, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam, mở đầu cho phong trào Đồng khởi và khơi thông dòng thác cách mạng ở miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, trở thành niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi và cả nước.
Đã 65 năm trôi qua, giờ đây ngọn lửa của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn sáng mãi. Người Cor luôn tự hào được mang họ Bác Hồ, một lòng, một dạ sắt son với Đảng, với Bác Hồ, chung tay xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Huyện Trà Bồng hôm nay, những con đường được đầu tư mở rộng, nhiều công trình công cộng được xây dựng khang trang; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Huyện Trà Bồng quan tâm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Cor. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG |
Tính đến năm 2023, có 18/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt và vượt. Trong giai đoạn 2020 - 2023, tổng giá trị sản xuất các ngành (theo giá so sánh năm 2010) đạt 8.196 tỷ đồng, tăng bình quân gần 13%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu so với nghị quyết đề ra. Hạ tầng đô thị từng bước được xây dựng, tốc độ đô thị hóa nhanh. Đến tháng 7/2024, thị trấn Trà Xuân đạt 46/53 tiêu chuẩn của đô thị loại V và đạt 37/54 tiêu chuẩn đô thị loại IV; xã Trà Bình đạt 22/53 tiêu chuẩn của đô thị loại V; xã Trà Phong đạt 19/53 tiêu chuẩn của đô thị loại V.
Nét văn hóa đồng bào Cor được người dân huyện Trà Bồng gìn giữ phát huy. Ảnh: B.S |
Hiện 100% xã có lưới điện quốc gia, hơn 98% dân số được dùng điện. Mạng lưới trường học, trạm y tế phủ kín các địa bàn dân cư. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được huyện tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, huyện có 2 xã đạt xã NTM và số tiêu chí bình quân đạt 13,1 tiêu chí NTM/xã; phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 2 xã về đích xã NTM. Toàn huyện có 20 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP. Công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, năm 2012 huyện đứng vị trí thứ nhất; năm 2022, 2023 huyện đứng vị trí thứ 3/13 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện.
Các đặc sản truyền thống của huyện Trà Bồng. Ảnh: B.S |
Công tác y tế, giáo dục được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện thường xuyên. Đến nay, toàn huyện có 18/50 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, đạt 37%. Hiện có 16/16 xã, thị trấn được công nhận và giữ chuẩn phổ cập THCS, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 5 - 6% và đến cuối năm 2023 giảm còn 29,9%; huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm còn 20,9%.
Huyện Trà Bồng cắt băng khánh thành cầu Suối Nang 3 ở thị trấn Trà Xuân. Ảnh: B.S |
Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình trong học tập và làm theo Bác, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.
Với lợi thế đất đai đồi rừng rộng lớn, nhiều người dân huyện Trà Bồng phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: B.S |
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ đã thạo thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế. Ảnh: B.S |
BÁ SƠN
Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: