Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Sơn Tây là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Kon Tum và Liên khu 5. Ngày 20/7/1957, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định thành lập Khu 7, làm trung tâm căn cứ thứ 2 của tỉnh gồm 8 xã huyện Sơn Hà (ngày nay là toàn bộ địa bàn huyện Sơn Tây), xem như một trung tâm hành chính tương đương cấp huyện, trực thuộc tỉnh. Từ năm 1957 - 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, đánh phá lực lượng cách mạng ở các huyện miền núi, trọng điểm là Trà Bồng và Khu 7. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân Sơn Tây đã anh dũng, kiên quyết, khôn khéo đấu tranh chống lại sự càn quét, đánh phá của địch.
Một góc trung tâm hành chính huyện Sơn Tây. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Ruộng bậc thang ở xã Sơn Long (Sơn Tây). |
Ngày 5/9/1959, Khu 7 được hoàn toàn giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Sơn Tây sáp nhập với huyện Sơn Hà. Ngày 6/8/1994, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/CP tách huyện Sơn Hà thành hai huyện Sơn Tây và Sơn Hà. Từ đó, Sơn Tây trở thành đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi cho đến hôm nay.
|
Trải qua các thời kỳ cách mạng, nhân dân các dân tộc huyện Sơn Tây luôn phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Mảnh đất Sơn Tây ngày ấy vang dội những chiến công như Chiến thắng Tà Mực, Bãi Màu, Làng Rã... Truyền thống cách mạng ấy mãi mãi là niềm tự hào, là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng cao Sơn Tây vững bước trên con đường đổi mới, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trải qua 30 năm, kể từ ngày tái lập huyện, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của toàn xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Tây đã nỗ lực vươn lên và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì và phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng từ 10 tỷ đồng (năm 1994) lên hơn 1.200 tỷ đồng (năm 2023). Sản lượng lương thực bình quân đầu người từ gần 75kg (năm 1995) lên 327kg (năm 2023). Thu nhập bình quân đầu người từ gần 1 triệu đồng (năm 1998) đến nay tăng lên gần 60 triệu đồng.
Huyện Sơn Tây từng bước hình thành vùng sản xuất cây ăn quả. |
Người dân Sơn Tây mang các sản vật quê hương trưng bày tại TP.Quảng Ngãi. |
Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều đột phá. Diện tích các loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây ăn quả, cây dược liệu ngày càng được mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGap. Trên địa bàn huyện hiện có 15 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới bình quân đạt 9,22 chỉ tiêu/xã. Về công nghiệp, toàn huyện có 9 công trình thủy điện được quy hoạch, với tổng công suất trên 264MW. Trong đó, đã đưa vào hoạt động 6 dự án (tổng công suất 214MW) và 3 dự án đang đầu tư, góp phần bổ sung nguồn điện cho quốc gia và tạo nguồn thu ngân sách địa phương.
Hệ thống giao thông ở huyện Sơn Tây từng bước được đầu tư kiên cố. |
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện có bước đột phá mạnh mẽ. Năm 1994, toàn huyện chỉ có 15km đường giao thông từ huyện Sơn Hà đi Sơn Tây được thông tuyến, các tuyến đường đến xã chỉ là đường đất. Đến nay, huyện có Tỉnh lộ 623 dài 27km, nối với Quốc lộ 24B đi qua địa bàn huyện; đường Trường Sơn Đông kết nối Sơn Tây với các tỉnh Tây Nguyên. Mạng lưới đường giao thông đến thôn, khu dân cư được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng kiên cố; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt gần 100%.
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Mùa (Sơn Tây). |
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến tích cực. Năm 1994, toàn huyện chỉ có 525 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 và có 2/3 điểm dân cư “trắng” về giáo dục; có 92,8% số người từ 15 - 35 tuổi mù chữ. Đến nay, có 20 cơ sở trường học từ bậc mầm non đến THPT; quy mô và cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Hiện nay, có 6/19 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, với 8/9 xã đạt chuẩn về y tế, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100%.
Tổ chức bộ máy chính quyền được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và cán bộ chủ chốt các xã có trình độ đại học, trên đại học. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Đảng bộ huyện Sơn Tây đến nay đã trải qua 18 kỳ đại hội, toàn huyện có trên 1.500 đảng viên, sinh hoạt ở 35 chi, đảng bộ cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được mở rộng, củng cố, phát triển.
Công an huyện Sơn Tây triển khai nhiều hoạt động chia sẻ, giúp đỡ các gia đình khó khăn tại địa phương. |
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, huyện Sơn Tây đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cũng còn nhiều trăn trở. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn chưa phát triển mạnh mẽ; giáo dục vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người còn khoảng cách quá xa so với mức bình quân chung của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân trao đổi, định hướng công tác giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ địa phương. |
Trong giai đoạn mới, huyện Sơn Tây sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và nhu cầu thị trường; thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, xây dựng trung tâm huyện đạt đô thị loại V vào năm 2030, từng bước hình thành thị trấn Đakđrinh. Khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc...
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng tặng hoa, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. |
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết, chặng đường phía trước đang mở ra nhiều cơ hội, có thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Do đó, huyện phải đánh giá đúng tình hình, đề ra các giải pháp đồng bộ, tận dụng thời cơ để đưa huyện nhà thoát khỏi huyện nghèo. Trong đó, chú trọng vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của các cấp chính quyền và nhân dân. Trước mắt là, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu mà đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: