[Emagazine]. Thành phố trẻ vươn mình

06:53, 02/07/2024
.
 

 

 


Đã 35 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của nhiều người dân TP.Quảng Ngãi, hình ảnh những con đường đất nội thị, cánh đồng mía nằm giữa lòng thị xã thuở mới tái lập tỉnh vẫn còn hằn in trong tâm trí.

Lần giở ký ức về những ngày đã xa, nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Trương Văn An bồi hồi nhớ lại thời điểm tái lập tỉnh. Dẫu mang tiếng là thị xã, nhưng nông nghiệp vẫn là kinh tế chủ lực của địa phương. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển rất hạn chế, nhỏ lẻ và manh mún. Mạng lưới y tế, giáo dục chưa phát triển. Ngay cả việc cấp điện cũng chưa thể phủ khắp toàn bộ thị xã. “Ở thời điểm bộn bề gian khó ấy, lãnh đạo tỉnh, thị xã xác định rõ, muốn phát triển thì giao thông phải đi trước mở đường. Bởi không thể để ngay giữa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa  của tỉnh, mà người dân còn phải loay hoay với những con đường đất chật hẹp, bụi bay mù mịt vào mùa nắng và sình lầy vào mùa mưa”, ông An kể lại.

Những  năm đầu sau tách tỉnh, TX.Quảng Ngãi đã tập trung nguồn lực xây dựng các tuyến đường mang tính “xương sống” của thị xã như: Đại lộ Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng... “Đại lộ Hùng Vương là dự án giao thông đầu tiên được triển khai thực hiện ngay sau khi tái lập tỉnh. Ngày ấy, chúng tôi đặt tên cho con đường là đại lộ, vì là tuyến giao thông rộng nhất tỉnh lúc bấy giờ. Hùng Vương và những con đường khác đều được xây dựng từ sự đồng lòng, đoàn kết và quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân thị xã nói riêng và trong tỉnh nói chung”, ông An chia sẻ.

 

Sau khi mở thành công các tuyến đường lớn, TX.Quảng Ngãi đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung vận động người dân cùng chính quyền thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như: Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường thôn, khối phố; xây dựng nhà vệ sinh, mở rộng thu gom rác thải sinh hoạt... để đảm bảo vệ sinh môi trường... “Ở thời điểm mà kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, thì việc đưa các quyết sách xây dựng, đổi mới thị xã sớm đi vào cuộc sống là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa gian nan. Gian nan ở chỗ, phải làm sao quy tụ được sức mạnh lòng dân, khoan thư sức dân, để mọi tầng lớp nhân dân đều đồng thuận, chung sức, chung lòng cùng địa phương”, nguyên Chủ tịch Hội LHPN TX.Quảng Ngãi Đoàn Thị Hoàng nhớ lại.

Theo bà Hoàng, lúc bấy giờ, cán bộ, đảng viên xác định, muốn thuyết phục người dân thì phải làm tốt vai trò nêu gương. Vì vậy, các cán bộ, đảng viên vừa nêu gương, vừa tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức; trong đó, có cả hình thức sân khấu hóa bằng các tiết mục văn nghệ, qua những câu hò, câu vè gần gũi, mộc mạc và đi từng ngõ, gõ từng nhà, tổ chức họp dân vào buổi tối, để mọi người dễ dàng tham gia. Từ những nỗ lực đó, người dân đã hăng hái tháo dỡ công trình nhường đất mở đường, nhiệt tình góp công, góp của vì việc chung, để cùng chính quyền xây dựng thị xã ngày càng đẹp hơn...

 

Từ một thị xã nhỏ bé trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình, sau khi tái lập tỉnh, TX.Quảng Ngãi chính thức trở thành thị xã tỉnh lỵ, rồi sau đó vươn mình phát triển lên thành phố vào năm 2005.

Thành phố Quảng Ngãi về đêm. Ảnh Alex Cao
Thành phố Quảng Ngãi về đêm. Ảnh Alex Cao

Gần 20 năm trở thành thành phố, TP.Quảng Ngãi được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, giúp đô thị trẻ từ một đô thị loại III, nay đã đạt hơn 86/100 điểm tiêu chí của đô thị loại II. Trường học, cơ sở y tế được đầu tư bài bản, nhiều công viên, khu dân cư hiện đại mọc lên. Nhiều công trình mang tính động lực như: Cầu Cổ Lũy, cầu An Phú, đường Trường Sa, Hoàng Sa... được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đã giúp diện mạo đô thị ngày càng khang trang, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của TP.Quảng Ngãi đạt 50,6%. Cơ cấu kinh tế sau 35 năm đã chuyển dịch theo đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 8,65% vào cuối năm 2023, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng hơn 41,6% và dịch vụ trở thành ngành ưu thế của thành phố, với tỷ lệ hơn 49,7%. Đến nay, thành phố có 100% trường mầm non và THCS công lập được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng và đạt chuẩn quốc gia; có 19 bác sĩ/vạn dân...

Trên hành trình phát triển đô thị, việc TP.Quảng Ngãi chính thức mở rộng địa giới hành chính về phía đông (bao gồm phường Trương Quang Trọng và các xã: Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Nghĩa An, Nghĩa Hà và Nghĩa Phú) vào năm 2014 là cột mốc quan trọng, để thành phố trẻ mở rộng không gian phát triển.

Hạ tầng giao thông, du lịch
Hạ tầng giao thông, du lịch được đầu tư phát triển hướng về phía biển.

Tròn 10 năm kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, TP.Quảng Ngãi đã và đang tận dụng hiệu quả lợi thế này để đầu tư hạ tầng phát triển cảnh quan đô thị dọc 2 bên sông Trà Khúc, đầu tư hạ tầng khu vực ven biển và phát triển các điểm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển khu vực phía đông thành phố. Trong đó, có thể kể đến sự hình thành, phát triển của Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã, điểm du lịch rừng dừa nước Tịnh Khê, làng hoa xã Nghĩa Hà... Những điểm du lịch này tuy mới hình thành, nhưng đã tạo được “dấu ấn” trong lòng du khách, góp phần giúp các xã  ở phía đông thành phố như Tịnh Long, Tịnh Khê, Nghĩa Hà chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ, mở ra cơ hội việc làm cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, từ những tiền đề đang có, TP.Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo nền tảng vững chắc để địa phương sớm hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II và đạt một số tiêu chí của đô thị loại I.

 

Nội dung: T.PHƯƠNG - Ý THU
Trình bày: L.H

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 
 

Xuất bản lúc: 06:53, 02/07/2024