Mục tiêu của đô thị vệ tinh là tạo lập không gian hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, bảo đảm sự phát triển bền vững. Các đô thị vệ tinh dựa trên nguồn lực tự thân và tận dụng các lợi thế về hệ thống giao thông, sự tác động của cấu trúc không gian vùng nhằm phát triển theo hướng đa trung tâm. Qua đó, đảm bảo việc kết nối giữa các đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực trung tâm và vùng phụ cận.
Thị trấn La Hà và sông Vệ (Tư Nghĩa) sở hữu nhiều lợi thế của đô thị vệ tinh, bởi mối liên kết chặt chẽ với TP.Quảng Ngãi cả về kinh tế, sức cạnh tranh cũng như quy mô tập trung các dịch vụ công nghiệp, thương mại, du lịch. Nhất là khi huyện Tư Nghĩa “đón” các dự án trọng điểm quốc gia và tỉnh đi qua, như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; đường Phan Đình Phùng nối dài...
Thi công đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn qua huyện Tư Nghĩa. |
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ đầu tư khoảng 1.580 tỷ đồng để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng của thị trấn Sông Vệ và La Hà theo chuẩn đô thị loại V và một số tiêu chí của đô thị loại IV.
Thị trấn La Hà (Tư Nghĩa). Ảnh: M.THU |
Hiện tỉnh đã bổ sung quỹ đất phát triển đô thị (gần 1.400ha) thuộc một phần của các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ. Đây là cơ sở để huyện quy hoạch, phát triển đô thị thị trấn La Hà và Sông Vệ gắn với khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống... để tạo sự kết nối đồng bộ, nhằm hình thành vành đai giữa đô thị trung tâm và vệ tinh.
Vẻ đẹp làng quê Tư Nghĩa hôm nay. Ảnh: MINH THU |
Phía tây nam TP.Quảng Ngãi, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Diện mạo cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đạt 45/49 tiêu chí đô thị loại V. Từ hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ đảm bảo tính kết nối giữa các địa phương trong và ngoài huyện (các tuyến đường ĐT 624, ĐT 628, ĐH 47, ĐH 48...), đến các khu dân cư (Đông và Nam Đồng Xít, Đồng Chợ, Toàn Thịnh, Đồng Dinh 2...) khang trang, sạch đẹp.
Bên cạnh đó, các dự án Kè chống sạt lở sông Phước Giang, đoạn qua thị trấn Chợ Chùa; Khu liên hợp TD - TT huyện; các khu thương mại, dịch vụ... hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ "khoác áo mới” cho thị trấn Chợ Chùa, mà còn tạo động lực phát triển chuỗi đô thị Hành Thuận - thị trấn Chợ Chùa - Hành Minh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Nghĩa Hành.
Thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm, không chỉ là đô thị vệ tinh của TP.Quảng Ngãi, thị trấn Chợ Chùa còn là cầu nối giữa các đô thị khu vực miền núi phía tây của tỉnh. Phát huy lợi thế này, huyện tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thành 4/49 tiêu chí còn lại, sớm đưa thị trấn Chợ Chùa trở thành đô thị loại V. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển giữa các địa phương trong và ngoài huyện; cũng như kết nối khai thác tiềm năng, lợi thế giữa các xã phía tây nam với khu vực phía đông của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 10 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II (TP.Quảng Ngãi), 1 đô thị loại IV (TX.Đức Phổ) và 8 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 37% và tốc độ phát triển đô thị ngày càng sôi động, nhất là các đô thị vệ tinh khi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh ưu tiên phát triển trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ và các đô thị động lực. Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra hệ thống đô thị, đô thị vệ tinh.
Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ núi Thiên Ấn. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Trà Thanh Danh cho rằng, áp dụng mô hình này, thành phố sẽ có thêm một số cực tăng trưởng về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ, thương mại, văn hóa, TD - TT... góp phần giảm áp lực cho đô thị trung tâm, nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Đồng thời, đảm bảo sự phát triển bền vững qua việc khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị. Về lâu dài, đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả dân số già.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình hình thành và phát triển đô thị Sơn Tịnh đạt tiêu chuẩn loại V. |
Đơn cử như đô thị mới Sơn Tịnh vừa được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.018ha, chia làm 3 phân khu phát triển chính, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến thành lập thị trấn huyện Sơn Tịnh vào năm 2025. Qua đó, đảm bảo tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, nhằm kết nối và phát triển hài hòa với đô thị trung tâm TP.Quảng Ngãi.
"Sự phát triển của đô thị mới Sơn Tịnh bảo đảm sự kết nối, thống nhất và liên thông về hệ thống hạ tầng kỹ thuật với thành phố cũng như các địa phương, khu vực, như: Hệ thống giao thông, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc... Qua đó, tạo động lực để phát triển và hoàn thiện hạ tầng xã hội và kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các đô thị vệ tinh, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân, góp phần giảm áp lực tại khu vực trung tâm, nhất là vấn đề giao thông, môi trường", Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Các sản phẩm OCOP của huyện Sơn Tịnh. |
Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng và lợi thế của đô thị vệ tinh, bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, chính quyền các địa phương cũng cần tính toán và xác định động lực chính nhằm thu hút đầu tư, đảm bảo cư dân sinh sống, phát triển phồn thịnh.
Nội dung: MỸ HOA
Trình bày: Q.DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: