(Báo Quảng Ngãi)- Có những góc nhìn, ở từng thời điểm khác nhau để có thể ví đầm An Khê như “hòn ngọc nước” tròn vành vạnh, mang vẻ đẹp kỳ vĩ. Cũng có thể nói đây là chiếc gương trời mà hết thảy mưa nắng đời người quanh đầm An Khê xưa nay soi mình trong đó.
Hừng đông ngày nắng dịu, đứng trên đỉnh đèo phân định ranh giới giữa phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) nhìn về phía đông sẽ thấy ánh mặt trời phối màu huyền ảo lên mặt đầm. Nước chao nhẹ, chỗ thì trắng lấp lánh, nơi tím sẫm pha chút xanh lơ. Không gian trong veo. Thấy rõ cả con chim bói cá lao mình xuống đầm rồi vút lên, miệng ngậm con cá nhỏ.
Cảnh đẹp ở đầm An Khê. Ảnh: T.L |
Chiều tàn, ngồi trên Gò Ma Vương nhìn ngược hướng tây, đầm lúc này như lắng lại, dần đi vào cõi đêm. Nắng cuối ngày rắc muôn nghìn sợi vàng mong manh trên mặt nước đang tối dần từng phút một. Đàn cò vài trăm con lướt qua đầm sau một ngày lặn lội kiếm ăn. Chúng đang chào tạm biệt “vũng nước mênh mang” trước khi mất hút vào dãy núi mờ xa.
Đánh cá trên đầm An Khê. |
Những đêm hè chi chít sao trên trời, cũng chừng ấy sao rơi trên mặt đầm. Rào rạt mái chèo của những người đánh cá đêm. Tiếng gõ đuổi cá lốc cốc. Tiếng cá quẫy khi mắc lưới. Những cư dân trẻ quanh đầm, là con trai con gái Phú Long, Gò Cát, Gò Cỏ tụ tập đốt lửa đợi thuyền cập bờ. Mua mớ cá còn quẫy, vảy ngời ánh bạc thảy vào bếp than cời sẵn. Mùi cá nướng rủ rê, mùi muối ớt nồng mặn. Mùi nước đầm thanh tao. Những bài hát hố, hát bài chòi, hát đối đáp vang vọng tới khuya. Đêm đầm An Khê chùng xuống, tan loãng.
Chỉ cần thu vào tầm mắt những cảnh sắc ở từng khoảnh khắc ấy sẽ thấy mình dồi dào thiên nhiên, giàu chất sống biết bao nhiêu. Nếu đã lỡ... mê vẻ đẹp của đầm, lạc vào một triển lãm tranh phong cảnh sông nước nào đó, không chừng bạn sẽ thốt lên: Ước gì họa sĩ về đầm An Khê mà chơi, mà học cách thiên nhiên pha màu. Họ sẽ có những tuyệt tác.
Tôi và đầm An Khê không lạ gì nhau. Hồi học cấp 2 tuần nào cũng cùng lũ bạn đạp xe ven đầm để tới trường. Gió đầm mát rượi. Gió đầm nghịch tóc con gái bay bay. Cái mênh mang xanh thẳm của đầm gợi lên trong tôi bao nhiêu là ước mơ, cảm xúc. Có những ước mơ tuổi mười ba, mười bốn rất trẻ con. Mơ... trốn học, ngồi trên lưng trâu nghêu ngao trâu ta ăn cỏ... đầm ta. Hoặc một tay lưới, chiếc thuyền nhỏ, đánh cá trên đầm, không chọc trời nhưng... khuấy nước cho đã. Còn cảm xúc thì như nước trong đầm, bất chấp thời gian vẫn sóng sánh xanh màu tuổi trẻ. Như cái chiều bữa đó, tôi lần đầu nắm tay cô bạn học, nghe tim muốn bắn ra ngoài. Nhiều năm sau nhớ lại vẫn còn... hồi hộp, thấy thương thương cô bạn luống cuống thả xe đạp ngã kềnh trên bờ đầm mượt mà xanh biếc cỏ.
An Khê là đầm lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Điều này không bàn cãi. Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy đầm... bớt rộng so với thời niên thiếu. Có lẽ còn nhỏ nên thấy cái gì cũng dài rộng thênh thang. Nhớ lần đầu mang giỏ theo chị lội nước bắt cua. Về nhà rồi mà vẫn còn ngất ngây, cứ tưởng đầm An Khê ở một “nước” nào xa lắm. Ấn tượng nhất là màu xanh của đầm cứ vời vợi xanh suốt tuổi thơ tới tận bây giờ.
Học sinh tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. |
Nhưng phải đợi đến cuối năm 2022, khi Nhà nước công nhận Văn hóa Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt, thì đầm An Khê mới được gần xa để mắt tới. Sự kiện này làm nức lòng hàng chục nghìn dân xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh. Trong vùng di tích này, đầm An Khê, Khu mộ chum và Làng cổ Gò Cỏ là “tam giác” với ba điểm nhấn đậm chất văn hóa. Từ đây, khách tham quan có thể ngược thời gian, “chạm” vào cuộc sống của tổ tiên người Sa Huỳnh mấy nghìn năm trước.
Các nhà nghiên cứu khảo cổ tham quan, tìm hiểu Văn hóa Sa Huỳnh. |
Cầu và đường cạnh đầm đang thu hút du khách. Cầu mang tên An Khê thì hay rồi. Nhưng đường thì chưa. Nghe nói ngành chức năng đang “nghiên cứu”. Trong ngày hội thả diều ven đầm tết Giáp Thìn 2024, tôi và nhiều sinh viên Sa Huỳnh rất muốn chọn cái tên M.Vinet (nhà khảo cổ học người Pháp) làm tên đường, bởi ông là người đầu tiên phát hiện khu Mộ Chum trên Gò Ma Vương cạnh đầm An Khê vào năm 1909. Từ phát hiện này, những bí mật của hơn 200 mộ chum bị vùi trong lòng đất cực nam của tỉnh Quảng Ngãi đã được khai mở, cho thấy đây là một táng thức độc đáo, thể hiện quan niệm “sống chết” của người Chăm gần 4.000 năm trước.
Đường về đầm An Khê. Ảnh: CAO DUYÊN |
Tôi chơi với “người đầm” Nguyễn Rồi nhiều năm nay. Gọi “người đầm” vì anh thuộc tính nết của cái đầm rộng gần 350ha này. Anh Rồi gần 60 tuổi, xởi lởi, vui tính, đang là bảo vệ Nhà Trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Anh hay hóng chuyện các chuyên gia khảo cổ. “Mỗi lần có hội thảo khoa học, tui xớ rớ phục vụ nước nôi và tranh thủ nghe lén. Chu cha, mấy ổng toàn giáo sư tiến sĩ, nói hay như trời. Tui ráng nhớ. Khách tới bảo tàng muốn tìm hiểu các di vật, dòm quanh không thấy cán bộ, tui ngứa miệng... thuyết minh liền”, anh Rồi nói. Có người nhắc, không phận sự đừng chém gió. Anh phân bua: “Thì tui kể lại đúng ý các chuyên gia thôi. Khách nghe lọt tai hết mà”, anh Rồi nói khi... sự đã rồi.
Đầm An Khê - một địa điểm nằm trong Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: TL |
Nhiều du khách cho rằng anh Rồi chém gió nhưng nhát nào cũng... ngọt. Có người nhận xét bảo vệ Rồi khá thú vị, dù anh hay kể những chuyện thuộc dạng “tin thì tin không tin không sao”.
Chẳng hạn, những khuyên tai, vòng đeo tay... bằng đá trong tủ kính nhà bảo tàng “biết bò”. Cứ lâu lâu lại thấy nó dịch chuyển so với vị trí ban đầu. Hay là hồn người xưa bay về săm soi vật sở hữu của mình rồi để lại không đúng chỗ cũ? Giọng anh khi to khi nhỏ, mặt mũi có chút “bùa chú” dễ gây hồi hộp người nghe. Anh còn “củng cố” thêm, tui có nói chuyện này với tiến sĩ K. ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ổng ồ lên: “Vậy à, có thể có một nguồn năng lượng nào đó...”. Chỉ vậy rồi ổng bỏ lửng.
Du khách tham quan đầm An Khê (xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ). |
Riêng chuyện “Cuộc chiến bên đầm” mà anh Rồi là nhân vật chính làm người nghe cười rũ rượi. Chuyện rằng: Con gái Phú Long (bờ bắc đầm) trắng da dài tóc, hấp dẫn đám trai trẻ Gò Cát (bờ nam). Ban đêm, anh Rồi cùng đám bạn trần truồng bơi qua đầm tán gái. Bơi một tay thôi, tay kia mắc giữ quần áo và đôi dép trong túi ni lông đội trên đầu. Tới nơi, nhóm thanh niên “không mảnh vải” đi qua đi lại đợi mình mẩy khô ráo mới mặc quần áo. Tóc tai anh nào cũng thẳng thớm nhờ nước đầm và cái lược đem theo. Nhóm hẹn giờ “rút quân” trước khi mạnh ai tìm mối nấy. Có thằng xui xẻo, gặp tình địch, bị rượt chạy mất dép. Gần sáng bơi về với cái mặt sưng vù. Anh Rồi tủm tỉm: “Bà Cảnh, vợ tui bây giờ là gái đẹp Phú Long thời đó. Tui có lần... tư bề thọ địch, phải trốn chui trốn nhủi trong chuồng bò nhà bả mới thoát được. Rồi anh Rồi đọc “thơ”: Người ta tìm vợ chợ đông/ Tui thì phải trốn kỹ trong chuồng bò.
Giờ cuộc sống dân quanh đầm rất yên vui. “Yên” là vì mới năm ngoái đây, họ đã thẳng thừng từ chối dự án “điện mặt trời” đe dọa phủ lấp một phần mặt nước đầm An Khê, bảo vệ được môi trường truyền thống và nguồn lợi thủy sản nuôi sống họ bao đời nay. Mới hay, di sản tổ tiên để lại, cứ giao cho dân giữ thì một giọt nước cũng không mất. Còn “vui” thì rõ rồi, vì khá đông du khách tìm tới tham quan, thưởng thức ẩm thực địa phương, thuê thuyền dạo chơi trên đầm ngày một nhiều, nhất là dịp cuối tuần hay lễ, Tết. Nhưng vui nhất là người dân nơi đây ai cũng hiểu vì sao đầm An Khê được ví như hòn ngọc nước trời ban. Hòn ngọc long lanh này đang từng ngày kể với khách gần xa câu chuyện nghìn năm tiếng vọng của mình.
Nội dung: TRẦN CAO DUYÊN
Thiết kế, trình bày: P.DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: