Văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi: Nguồn lực cho phát triển bền vững

08:43, 13/06/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Âm nhạc dân gian Quảng Ngãi phong phú, độc đáo với các loại hình như: Hát bả trạo, bài chòi... Dẫu qua bao biến động, thăng trầm của đời sống đương đại, loại hình nghệ thuật đặc sắc này vẫn được nhiều nghệ nhân giữ gìn và trao truyền nhiều thế hệ. 

 

Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Vũ Huy Bình (74 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ dân gian Bình Thạnh (Bình Sơn), là người có công lớn trong việc phục dựng nghệ thuật truyền thống ven biển. Lật từng trang tuyển tập “Âm vang một vùng biển”, ông Bình cho biết, đây là tập tư liệu do ông sưu tầm khái quát được nhiều nét văn hóa dân gian của một vùng quê ven biển. Tuyển tập tái hiện lễ hội cầu ngư - giỗ thần Nam Hải, chèo bả trạo, múa gươm, hội đua thuyền truyền thống trên sông Trà Bồng, hội bài chòi, cùng với các trò chơi dân gian như: Thi đan lưới, rót nước mắm vào chai, thi kéo co... diễn ra trong các lễ hội của làng, nhất là dịp tháng Giêng hằng năm.

 Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình giới thiệu tuyển tập Âm vang một vùng biển.
Ảnh: THANH PHƯƠNG
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình giới thiệu tuyển tập "Âm vang một vùng biển". Ảnh: THANH PHƯƠNG
 Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình trong một tiết mục hát bả trạo. Ảnh: THANH PHƯƠNG
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình trong một tiết mục hát bả trạo. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Theo lời kể của ông Bình, từ nhỏ, ông thường đến Lăng vạn thôn Hải Ninh để xem lễ cúng cá Ông và nghe hát bả trạo, bài chòi. Những câu hò giản dị, gần gũi cứ thế ăn sâu trong tâm trí ông. Đến khi trưởng thành, dù bôn ba khắp nơi nhưng lòng ông mãi vương vấn những câu hò nơi quê nhà. Vậy nên, ông đã cất công sưu tầm từng bài hát, nghi lễ truyền thống ở địa phương. “Những làn điệu dân ca được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác mà không được ghi chép đầy đủ. Vậy nên, tôi quyết tâm sưu tầm, biên soạn lại để lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, trao truyền cho thế hệ trẻ", NNƯT Vũ Huy Bình chia sẻ. 

Ông Nguyễn Tấn Sâm và Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Bình Thạnh biểu diễn múa hát bả trạo. Ảnh: TH.PHƯƠNG
Ông Nguyễn Tấn Sâm và Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Bình Thạnh biểu diễn múa hát bả trạo. Ảnh: TH.PHƯƠNG

Nhờ có tuyển tập quý giá do NNƯT Vũ Huy Bình biên soạn, gần 50 thành viên của CLB Văn nghệ dân gian Bình Thạnh có điều kiện thuận lợi để trình diễn các tiết mục múa, hát bả trạo, bài chòi ở nhiều hội thi, liên hoan trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Sâm (58 tuổi), thành viên của CLB Văn nghệ dân gian Bình Thạnh, hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống cho hay, hát bả trạo, bài chòi đòi hỏi người theo đuổi phải tâm huyết, khổ công luyện tập, nhuần nhuyễn ca từ, điệu múa. Người hát phải đem niềm vui, nhiệt huyết của cư dân miền biển thể hiện trọn vẹn vào bài hát. “Tôi quyết tâm gìn giữ, lan tỏa tình yêu đối với làn điệu dân ca quê hương. Phải cố gắng mỗi ngày để thế hệ con cháu ở làng chài lớn lên hiểu được nguồn cội văn hóa. Đó vừa là niềm tin, là cái đích, là hạnh phúc sau cùng để tôi hướng tới”, ông Sâm tâm sự.

 

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân bài chòi Phạm Thị Lượng, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) cất cao giọng hát: “Cội nguồn di sản ông cha/ Đó là nghệ thuật dân ca bài chòi/ Mời bà con ghé lại mà coi/ Quê mình tổ chức hội chòi mừng Xuân...”. Dù đã gần 60 tuổi, giọng hát của bà Lượng vẫn mượt mà, cao vút. "Hát bài chòi đã gắn liền với cuộc đời tôi từ thuở còn là thiếu nữ. Niềm tự hào nhất của những nghệ nhân như tôi là nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại", bà Lượng cho biết.

Nhiều người trẻ ở huyện Mộ Đức tham gia học, tìm hiểu các làn điệu bài chòi.  Ảnh: K.NGÂN
Nhiều người trẻ ở huyện Mộ Đức tham gia học, tìm hiểu các làn điệu bài chòi. Ảnh: K.NGÂN

Với vai trò là Chủ nhiệm CLB Bài chòi Mộ Đức, bà Lượng đã gầy dựng CLB ngày càng lớn mạnh với gần 60 thành viên. Những năm qua, bà Lượng phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chương trình, tham gia các hội thi bài chòi cấp tỉnh và đoạt nhiều giải cao. Hằng năm, bà Lượng được chính quyền địa phương, các trường học mời tham gia truyền dạy hát dân ca, bài chòi. Đa số các học viên là giáo viên âm nhạc, cán bộ văn hóa cơ sở, thanh niên trẻ đam mê bài chòi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) chia sẻ, cô Lượng dành tâm huyết hướng dẫn kỹ năng hô hát các làn điệu dân ca, bài chòi cho chúng tôi như: Lý vọng phu, lý thiên thai, lý vãi chài, lý ngựa ô, lý thương nhau, hò ba lý, xuân nữ, xuân nương, cổ bản, xàng xê, hò Quảng, vè Quảng... Chúng tôi nỗ lực học hỏi để góp phần lưu giữ, phát huy loại hình nghệ thuật bài chòi.  

 
Nghệ nhân bài chòi Phạm Thị Lượng (giữa) dạy hát bài cho cho thế hệ trẻ ở địa phương, Ảnh: K.NGÂN.
Nghệ nhân bài chòi Phạm Thị Lượng (giữa) dạy hát bài cho cho thế hệ trẻ ở địa phương, Ảnh: K.NGÂN.

Trong số rất nhiều người trẻ tâm huyết học hỏi, gìn giữ nghệ thuật dân ca, bài chòi, có chị Phan Huyền Vy, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), là con gái của nghệ nhân Phạm Thị Lượng. Cô gái mới 24 tuổi này đã là thành viên nòng cốt của CLB Dân ca bài chòi huyện Mộ Đức, miệt mài quảng bá loại hình nghệ thuật bài chòi qua các hội thi, liên hoan ở trong và ngoài tỉnh. “Tôi sẽ noi gương mẹ, dành nhiều tâm huyết, nỗ lực học hỏi, tiếp nối di sản bài chòi ông cha để lại để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản", chị Vy bộc bạch.

Hay như các em Hồ Ngọc Bảo Trân, lớp 5, Trường Tiểu học Phổ Khánh (TX.Đức Phổ); em Huỳnh Mai Phương Nhi, lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), dù tuổi đời còn nhỏ nhưng đã đam mê môn nghệ thuật dân gian này và đi biểu diễn nhiều nơi. Em Hồ Ngọc Bảo Trân cho biết, từ lúc 5 tuổi chúng em đã học hát bài chòi do  ông bà và các cô chú trong CLB bài chòi ở thị xã truyền dạy. Bài chòi không dễ học nhưng khi đã biết hát, chúng em càng yêu thích và muốn học hỏi nhiều hơn. Chính lời ca mộc mạc, dễ đi vào lòng người của âm điệu quê hương đã giúp chúng em thêm gắn bó với nghệ thuật bài chòi.

Trẻ em ở TX. Đức Phổ tự tin biểu diễn bài chòi tại Liên hoan nghệ thuật dân ca bài chòi tỉnh năm 2024.  Ảnh: KN
Trẻ em ở TX. Đức Phổ tự tin biểu diễn bài chòi tại Liên hoan nghệ thuật dân ca bài chòi tỉnh năm 2024. Ảnh: KN
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Nữ Diệp, thành viên của CLB Đàn và hát dân ca xã Bình Thuận (Bình Sơn) truyền dạy bài chòi cho các em nhỏ ở địa phương.                                     Ảnh:KIM NGÂN
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Nữ Diệp, thành viên của CLB Đàn và hát dân ca xã Bình Thuận (Bình Sơn) truyền dạy bài chòi cho các em nhỏ ở địa phương. Ảnh:KIM NGÂN

Ở tuổi 38, chị Bùi Thị Nữ Diệp, thành viên của CLB Đàn và hát dân ca xã Bình Thuận (Bình Sơn) đã được phong tặng danh hiệu NNƯT bởi có nhiều đóng góp, phát huy nghệ thuật bài chòi. Tuổi thơ chị gắn liền với những điệu hò, câu hát ân tình của các bậc trưởng bối và người cha quá cố. Hơn 20 năm qua, chị miệt mài trao truyền nghệ thuật dân ca, bài chòi cho thế hệ trẻ. “Những năm qua, lần nào ở địa phương có hoạt động văn nghệ, biểu diễn bài chòi, tôi đều thu xếp tham gia. Tôi mong muốn được góp một phần nhỏ, chung tay gìn giữ, phát huy vốn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của cha ông để lại”, chị Diệp bày tỏ.

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ ngày quê hương Bình Thuận phát triển du lịch cộng đồng bàu Cá Cái, chị Diệp và các thành viên CLB có thêm nhiều cơ hội biểu diễn hát bài chòi phục vụ du khách. Giọng hát mượt mà, sâu lắng níu chân du khách ở lại lâu hơn trong không gian xanh mướt, tĩnh lặng của rừng cóc trắng. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thu - Chủ nhiệm CLB Đàn và hát dân ca xã Bình Thuận chia sẻ, từ những buổi sinh hoạt, tập huấn và biểu diễn, những hạt nhân trẻ như chị Diệp đang cố gắng ươm mầm, lan tỏa niềm đam mê dân ca, bài chòi. Ngày nào quê hương còn người hết lòng trao truyền và còn người trẻ biết lắng nghe, học hỏi, thì ngày ấy nghệ thuật dân gian còn mãi ngân vang trên miền đất Ấn - Trà.

KIM NGÂN - THANH PHƯƠNG

Trình bày: VÕ VĂN
Kỳ 2: Bản sắc Lý Sơn

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:43, 13/06/2024