[Emagazine]. Văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi: Nguồn lực cho phát triển bền vững (Kỳ cuối)

15:03, 17/06/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Di sản văn hóa biển, đảo là tiềm năng, lợi thế lớn để Quảng Ngãi khai thác, phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển, đảo đang là hướng đi được Quảng Ngãi khai thác để phát triển bền vững.

 

Các địa phương ven biển ở Quảng Ngãi đã lưu giữ, bảo tồn nhiều lễ hội, tín ngưỡng văn hóa mang tính cố kết cộng đồng. Đây là loại hình văn hóa có thể tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Trong đó, lễ hội cầu ngư là hình thức sinh hoạt văn hóa chứa đựng những giá trị độc đáo, là kết tinh của tín ngưỡng cộng đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Thuận (70 tuổi), ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cho biết, trải qua hơn 200 năm lịch sử thăng trầm, ngư dân Sa Huỳnh luôn duy trì lễ hội cầu ngư vào ngày mùng 3 Tết. “Mỗi lần vào vai trưởng lái trong đội hò bả trạo biểu diễn tại lễ hội cầu ngư, tôi thấy rất tự hào về di sản văn hóa của tổ tiên được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay. Sau nghi thức lễ cúng thần Nam Hải, diễn xướng hò bả trạo nghinh cá Ông, hàng chục chiếc tàu vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản trước sự reo hò của hàng trăm người dân và du khách”, ông Thuận chia sẻ.

 

Còn tại xã Đức Lợi (Mộ Đức), lễ hội ra quân khai thác hải sản đầu năm vào mùng 4 Tết là dịp cư dân làng biển không thể vắng mặt. Trước khi “mở biển”, các bậc cao niên thực hiện các nghi thức cầu ngư, tế lễ thần linh. Chủ vạn thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi Nguyễn Minh Tâm cho biết, đây là nghi lễ truyền thống được duy trì từ bao đời nay vào dịp đầu xuân, thể hiện lòng thành kính của cư dân vùng sóng nước với mẹ thiên nhiên đã chở che cho những chuyến ra khơi bình an.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội cầu ngư của làng chài ven biển ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức các bậc tiền nhân mở nghiệp biển và truyền lại cho con cháu.

 

Dọc cửa biển Cửa Lở, ở thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi có một ngôi miếu có tên Âm Hồn với hình dáng một con tàu, cùng ngọn hải đăng hướng về phía biển vô cùng độc đáo, lạ mắt, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Sau nhiều năm bờ biển sạt lở đã làm ngôi miếu bị sập đổ. Năm 2023, chính quyền xã Đức Lợi cùng người dân địa phương đã góp tiền, công sức để xây dựng lại miếu, với kinh phí hơn 700 triệu đồng.

Từ ngày ngôi miếu được phục dựng khang trang, cư dân vạn chài nơi đây có điều kiện để khôi phục, tổ chức các lễ hội văn hóa đặc trưng miền biển. Trước khi vươn khơi đánh bắt hải sản, ngư dân đến ngôi miếu để thắp hương cầu mong chuyến đi bình an, gặp nhiều may mắn, mang về được nhiều tôm, cá. Đây là hoạt động dân gian tâm linh, nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của ngư dân làng chài.

Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt cho biết, ngôi miếu được thiết kế giống như một con tàu là cách để tri ân thế hệ cha ông đi trước mở biển và cầu mong những phiên biển thuận hòa, ngư dân trở về an bình bên gia đình sau mỗi chuyến ra khơi. Đồng thời, thu hút du khách đến tham quan, kích cầu du lịch cho địa phương.

 
 

Phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng biển gắn với phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi hiệu quả của các địa phương ven biển trong tỉnh để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Đến điểm du lịch sinh thái bàu Cá Cái, ở xã Bình Thuận (Bình Sơn), du khách không chỉ thích thú khám phá thiên nhiên hoang sơ, mà còn được thưởng thức làn điệu bài chòi.

Xã Bình Thuận đã thành lập đội chèo thuyền; tổ nấu ăn và tổ homestay và đội bài chòi để phục vụ du khách. “Địa phương xác định các làn điệu dân ca, bài chòi là điểm nhấn đặc biệt tạo ấn tượng cho du khách. Người dân vừa giữ gìn được văn hóa truyền thống, vừa hưởng lợi từ chính di sản ấy”, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Đỗ Minh Huấn cho biết. 

Làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) được định hướng phát triển du lịch từ những di sản văn hóa biển, đảo.
Làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) được định hướng phát triển du lịch từ những di sản văn hóa biển, đảo.

Làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cũng là điểm đến trong chuỗi du lịch di sản biển, đảo ở Quảng Ngãi. Đây là một phần không thể tách rời của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ngôi làng nghìn năm tuổi vẫn giữ cho mình một diện mạo thuần chất được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, điểm đến giàu di sản văn hóa này thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Từ ngày Gò Cỏ trở thành làng du lịch cộng đồng, hát bài chòi, hát hố được xem là “đặc sản” được người dân làng biển này khai thác để phục vụ du khách. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố làng Gò Cỏ Huỳnh Thị Thương cho hay, câu lạc bộ thành lập từ năm 2020 với 21 thành viên. Chúng tôi thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách. Các bài hát được các nghệ nhân sưu tầm và tự sáng tác. Du khách đến tham quan rất thích thú bởi họ được đắm mình trong nét đẹp văn hóa truyền thống.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Lê Minh Phụng, làng Gò Cỏ được định hướng phát triển du lịch từ những di sản văn hóa. Người dân có thu nhập bền vững từ loại hình nghệ thuật dân gian và các hoạt động du lịch cộng đồng. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Người dân sống được với du lịch, nên đã giữ gìn từng bờ đá, giếng cổ, di sản văn hóa như tài sản vô giá tiền nhân để lại.

 

Theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí, Lý Sơn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo. Huyện thường xuyên tổ chức các chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao kích cầu du lịch Lý sơn gắn với phát huy giá trị các di sản văn hóa biển, đảo nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

 

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó, lấy Lý Sơn làm hạt nhân để phát triển du lịch biển, đảo. Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định: Trung tâm du lịch biển, đảo tại Lý Sơn, cùng với Trung tâm Lọc, hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất là 2 động lực tăng trưởng của tỉnh.

 Du khác đến tham quan cột cờ trên núi Thới Lới ở Lý Sơn.
Du khách đến tham quan cột cờ trên núi Thới Lới ở Lý Sơn.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Quảng Ngãi đang xây dựng Đề án “Phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo”. Trong đó, ưu tiên thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quy hoạch; xây dựng Lý Sơn trở thành đô thị du lịch biển, đảo năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, đẩy mạnh giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, cũng như kiến nghị trung ương ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư có tính chất đặc thù áp dụng riêng đối với Lý Sơn.  

 

“Với các nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể, khi Đề án “Phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo” được phê duyệt và triển khai thực hiện thì hoạt động du lịch biển, đảo sẽ có chuyển biến mạnh mẽ. Đây là cơ sở để Quảng Ngãi tiếp tục dành nguồn lực lớn phát huy tiềm năng Lý Sơn đúng như định hướng, xứng đáng với vị thế là một trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, của vùng và của quốc gia”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh.

Nội dung: KIM NGÂN - THANH PHƯƠNG

Trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


 

Xuất bản lúc: 15:03, 17/06/2024