|
(Báo Quảng Ngãi)- Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, tiến bộ là nền tảng để xã hội ổn định và phát triển bền vững. Với chủ đề: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, ngày Gia đình Việt Nam năm nay hướng tới những giá trị cốt lõi của gia đình, đó là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ.
“Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc". Câu nói quen thuộc ấy cho thấy 2 tiếng "gia đình" thân thương biết nhường nào. Nhưng để có được điều này thì mỗi người cần phải biết trân trọng, nâng niu những giá trị vô hình và hữu hình của gia đình, đó là cần quan tâm, chia sẻ, dành thời gian để xây dựng, vun đắp cho tổ ấm gia đình của mình.
Gia đình 4 thế hệ cùng chung sống của ông Phạm Văn Chính (65 tuổi), ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu, đáng ngưỡng mộ ở địa phương. Ông Chính có 3 người con, người con gái lớn là bác sĩ làm việc tại bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh, con gái thứ hai làm doanh nghiệp, còn con trai út là giảng viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán. Không chỉ con cái thành đạt, mà gia đình 4 thế hệ của ông chung sống hòa thuận, đong đầy yêu thương, mẫu mực. Ông Chính phụ vợ chăm lo cho mẹ vợ bị mù, hỗ trợ các con chăm sóc cháu nội.
"Gia đình tôi có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên luôn dành thời gian để cùng trò chuyện, sẻ chia về công việc, cuộc sống, cũng như hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn", ông Chính chia sẻ.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hường và chị Phạm Thị Ngọc Thanh, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: K.NGÂN |
Với lối sống chuẩn mực, ứng xử giản dị, hòa đồng, tích cực tham gia hoạt động phong trào của địa phương, gia đình anh Nguyễn Văn Hường và chị Phạm Thị Ngọc Thanh, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) cũng nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa. Anh Hường cho biết, hạnh phúc lớn nhất của gia đình tôi là có hai con đều ngoan ngoãn. Để "giữ lửa" hạnh phúc, vợ chồng tôi đều cố gắng dành thời gian vun vén, chăm lo cho mái ấm gia đình. “Một gia đình hạnh phúc thì kinh tế phải ổn định, con cái phải được chăm lo chu đáo và biết san sẻ, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau”, anh Hường bày tỏ.
Anh Phạm Văn Thanh và chị Phạm Thị Sanh, ở xã Ba Thành (Ba Tơ) không chỉ chăm lo xây dựng tổ ấm hạnh phúc, mà còn tích cực bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê. Ảnh: KIM NGÂN |
Gia đình chị Phạm Thị Sanh và anh Phạm Văn Thanh, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) là gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Ba Tơ. Chị Sanh là cán bộ xã Ba Thành, còn anh Thanh là giáo viên Trường Tiểu học và THCS Ba Vinh (Ba Tơ). Để tạo dựng cuộc sống ổn định, bền vững, vợ chồng anh Thanh cùng nhau chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, anh chị luôn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương và là những nghệ nhân nòng cốt gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê. Anh Thanh thường xuyên tham gia biểu diễn cồng chiêng, truyền dạy cách đánh chiêng ba cho thế hệ trẻ trong xã.
Chị Sanh cũng tích cực cùng chồng dạy các điệu múa truyền thống cho các thiếu nữ Hrê, gìn giữ nghề làm thổ cẩm ở Làng Teng để phát triển du lịch cộng đồng. “Đối với tôi, để xây dựng gia đình hạnh phúc thì cả hai vợ chồng phải cùng nhau nỗ lực, hy sinh. Đặc biệt là luôn ý thức gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển”, chị Sanh bộc bạch.
Mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác gia đình, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Sôi nổi các hoạt động ngày hội văn hóa gia đình. Ảnh: TL |
Hiện nay, toàn tỉnh có 129 câu lạc bộ gia đình văn hóa, gia đình phát triển bền vững; 190 câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 852 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Năm 2023, Quảng Ngãi có gần 320 nghìn hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 92%. Trong đó, có hàng nghìn hộ gia đình văn hóa xuất sắc được các cấp từ tỉnh đến cơ sở biểu dương, khen thưởng.
Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những hạt nhân trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Sương cho biết, hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam năm nay, các đoàn thể, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi nấu ăn, liên hoan, các hoạt động văn hóa, văn nghệ...
Ban tổ chức trao giải cho các đội thi. |
Sở VH-TT&DL phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội LHPN tỉnh tổ chức Ngày hội văn hóa gia đình công nhân, viên chức, người lao động và Liên hoan các Câu lạc bộ gia đình văn hóa tỉnh, với nhiều nội dung sôi nổi, hấp dẫn, gồm: Thi trang trí trại, chương trình hoạt náo “Vui chơi cùng con”, thi “Gia đình tài năng”, đi bộ hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam, thi thể thao tập thể “Bánh xe kết nối yêu thương, chung sức đồng lòng”... Qua đó, tôn vinh những giá trị cốt lõi của gia đình, tạo sân chơi gắn kết mọi người với nhau.
Từ năm 2001, ngày 28/6 hằng năm được chọn Ngày Gia đình Việt Nam. Ai cũng biết, gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt đẹp, thì xã hội tốt đẹp. Gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc.
Năm 2002, Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc về trẻ em đã ghi nhận: Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố. Không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt. Không có đứa con tốt, không thể có một người công dân tốt.
Gia đình hạnh phúc là điểm tựa vững chắc để chắp cánh cho con trẻ những ước mơ. Ảnh: Bean studio |
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói: "Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt".
Chúng ta đang tập trung xây dựng cộng đồng hạnh phúc, từ xóm, thôn hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc tới quốc gia hạnh phúc, tất cả phải bắt đầu từ gia đình. Có một dòng sông lớn phải bắt đầu từ những con suối nhỏ. Vì vậy, ngày 28/6 hằng năm, đã trở thành một dấu mốc ghi nhận tiến trình xây dựng những gia đình hạnh phúc, những gia đình hòa thuận, sống thương yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, các con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm xây dựng gia đình mình thật sự gắn bó với nhau, thật sự hạnh phúc.
Gia đình là tế bào của xã hội. |
Nói thì dễ, nhưng làm được công cuộc xây dựng gia đình hạnh phúc trong toàn xã hội thì thật sự không dễ. Chính vì không dễ nên càng phải có những bước đầu tiên, đặt những viên gạch đầu tiên thật chắc chắn để xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc”. Đây không phải chuyện nói cho vui hay tuyên truyền, đây là chuyện phải thực sự bắt tay vào làm. Và hằng năm, lấy dấu mốc là ngày 28/6 để nhìn lại trong năm qua, gia đình mình đã có những gì tốt đẹp; sắp tới phải làm tiếp những việc gì để gia đình mình có được ấm no, hạnh phúc.
Ảnh: Minh họa |
Gia đình mình cũng nằm trong thôn, xã, trong tổ, phường, mình sống với láng giềng mà ngày xưa ông bà ta có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”, nên sống với láng giềng thật tốt cũng là nền tảng tạo ra sự hòa thuận thân ái lan tỏa trong xã hội.
Hồi xưa cũng từng có câu nói không hay lắm, là “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Câu nói ấy bây giờ “dịch nghĩa mới” chính là hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội. Cái hố ấy càng sâu thì tình làng nghĩa xóm, những thân tình láng giềng càng có nguy cơ nhòa nhạt. Chỉ khi nào những gia đình giàu có, hay bây giờ gọi là “gia đình có điều kiện” biết quan tâm tới cộng đồng của mình, biết san sẻ với những gia đình còn khó khăn, biết cho đi để tình thân trong cộng đồng còn lại, biết vì người chính là để vì mình, thì hố ngăn cách giàu nghèo sẽ “giảm độ sâu”. Và cộng đồng biết vì nhau, biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, không phân biệt giàu nghèo.
Hôn nhân sẽ hạnh phúc bền lâu khi cả hai vợ chồng cùng nhau thấu hiểu và san sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống. Ản: T.L |
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, khi có được những nội hàm tốt đẹp như vậy, sẽ là ngày mà mỗi gia đình Việt Nam luôn hướng tới không chỉ bằng lý trí mà bằng tình cảm, không chỉ bằng suy nghĩ mà bằng hành động, để ngày 28/6 hằng năm trở thành một trong những ngày đẹp nhất trong năm.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: