[Emagazine]. Đua cùng đồng nghiệp...

15:11, 24/06/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi may mắn được Ban Biên tập Báo Quảng Ngãi tin tưởng đưa vào Ban giám khảo Cuộc thi viết phóng sự, ký sự trên báo Quảng Ngãi để đọc và “chấm điểm” các phóng sự dự thi trên tờ báo của tỉnh nhà. Tôi xem đây cũng là một “thử thách” trong đời làm báo của mình. Nói “thử thách” là bởi, sau gần 40 năm làm nghề, viết hàng trăm phóng sự trên nhiều báo nhưng chưa bao giờ tôi được giao việc “chấm thi” cả.

 

Các cuộc thi trên báo nói chung và thi phóng sự nói riêng đều không có mẫu số chung nào hết. Vì không có đáp án cụ thể nên việc chấm “nặng tay” hay “nhẹ tay” hoàn toàn thuộc về cảm nhận riêng của từng thành viên. Bởi vậy, để có sự chính xác tuyệt đối như trong chấm thi các môn tự nhiên là điều rất khó, nếu không nói là không thể. Hay hoặc chưa hay, thậm chí dở, là cảm nhận của từng người. Tuy nhiên, nếu anh chấm số điểm cao nhất cho một bài phóng sự nào đó mà tất cả các thành viên còn lại đều cho dưới điểm trung bình bài thi ấy, tức là cái “gu” cảm nhận của anh có vấn đề rồi. Bởi vì, dù là không có đáp án rành mạch như trong toán học, nhưng chấm thi phóng sự vẫn có những tiêu chí riêng. Rất đáng mừng là qua hai lần tham gia chấm giải, tôi thấy các thành viên đều có sự thống nhất cao khi chấm điểm cho từng bài dự thi. Chưa thấy ai thắc mắc điều gì chung quanh giải thưởng.

 
 

Tôi xem việc tổ chức cuộc thi phóng sự trên một tờ báo địa phương như Báo Quảng Ngãi là một bước đi khá mạnh dạn của những người tổ chức. Phải mạnh dạn như thế thì mới "ra biển lớn" để thi đua cùng với các đồng nghiệp trong khu vực và trên cả nước được. Phải mất hơn 30 năm kể từ khi báo Quảng Ngãi ra số đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh (7/1989), Ban Biên tập mới mở “Cuộc thi viết phóng sự, ký sự” trên tờ báo của mình. Dĩ nhiên trước đó, trên báo Quảng Ngãi vẫn có bài phóng sự, nhưng để mở một cuộc thi cho thể loại này một cách bài bản thì mãi đến năm 2021 mới tổ chức được.

Trao giải A cho tác phẩm "Điểm tựa của trẻ mồ côi" của tác giả Lê Thị Hồng Hoa.

Có mấy lý do để không mở mục dự thi phóng sự hằng năm trên báo Quảng Ngãi trước đó. Trước hết, phóng sự là một thể loại khó viết, không phải nhà báo nào cũng viết được nên phải tính toán sao đó để khi mở mục dự thi phóng sự là phải có nhiều người tham gia. Vì khi mở mục thì phải duy trì mục đó trong suốt thời gian mình tổ chức thi. Nếu lực lượng tham gia quá mỏng thì bài sẽ ít đi, thậm chí bị đuối hơi dẫn đến “đứt nguồn”, cuộc thi sẽ thất bại. Ban Biên tập Báo Quảng Ngãi phải có trong tay một đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đủ mạnh thì mới dám tổ chức cuộc thi. Về điều kiện này thì Báo Quảng Ngãi đủ sức để mở cuộc thi phóng sự như mọi người đã biết. Đội ngũ phóng viên của báo đều trẻ, khỏe, xông xáo, lại được đào tạo bài bản ở các trường báo chí trong nước. Số phóng viên này cũng đã trải qua nhiều thử thách trong nghề, các chuyên mục và thể loại họ đều nắm kỹ và họ cũng biết thế nào là một cuộc thi... Số cộng tác viên của báo cũng không phải là ít. Họ đều làm ở các cơ quan báo chí trung ương và trung tâm truyền thông - văn hóa - thông tin cấp huyện, từng thử sức qua nhiều cuộc thi ở các tờ báo trung ương. Khi đã có lực lượng đủ mạnh như thế trong tay, Ban Biên tập Báo Quảng Ngãi mới mạnh dạn mở cuộc thi. Qua ba lần tổ chức thi phóng sự, số lượng bài và người tham gia ở khắp nơi đã nói lên điều đó. Bài vở nhiều hơn, phong phú và đa dạng hơn, người tham gia cũng đông dần lên mỗi năm.

Thứ hai là phải tìm được nguồn tài trợ cho cuộc thi. Vì chấm giải thì phải có nhất, nhì, ba và khuyến khích, mỗi giải ngoài giấy chứng nhận đoạt giải còn phải kèm theo tiền. Số tiền thưởng của giải cũng là động lực để các nhà báo dự thi đầu tư nhiều hơn, trăn trở nhiều hơn và có trách nhiệm hơn với từng bài viết của mình.

 

Ở mỗi số báo cuối tuần trên báo Quảng Ngãi, ngoài các mục đã ổn định như Tìm lại dấu xưa, truyện ngắn, thơ, tản văn... còn có mục “Phóng sự - Ký sự” nữa. Mục phóng sự trên báo không chỉ mang lại cho tờ báo một “không khí mới” ở thể loại được xem khó nhằn nhất này mà còn biết kích hoạt, làm cho các nhà báo phải năng động hơn, xông xáo hơn để tìm những đề tài lạ, độc đáo khi tham gia dự thi. Vì nhìn đồng nghiệp của mình xuất hiện trên mục dự thi phóng sự “sang chảnh” như thế, “oai phong” như thế, chả nhẽ mình lại thua?.

 
Trao giải A cho tác giả Bảo Hòa với tác phẩm Cổ tích giữa đời thường.
Trao giải A cho tác giả Bảo Hòa với tác phẩm "Cổ tích giữa đời thường".

Về phía bạn đọc, mở mục phóng sự là giúp cho họ thêm một sự lựa chọn khi mở tờ báo ra, mục nào sẽ được ưu tiên xem trước, mục nào để từ từ đọc sau. Nếu ví tờ báo như một mâm cỗ, thì phóng sự được xem như món đặc biệt nhất, không chỉ về số chữ mà là ở đề tài mà nó đề cập. Phóng sự không như một bài phản ánh đơn thuần mà nó được soi rọi dưới cái nhìn của nhà báo. Ở đó, câu chữ bao giờ cũng được chắt lọc hơn nên lung linh hơn. Bạn đọc luôn chờ đợi ở số báo cuối tuần, mục “Phóng sự - Ký sự” cũng là ở lý do này.

 

Tôi xem những năm mình làm phóng viên của Báo Lao Động là một diễm phúc. Ngoài sự năng động, dám xông vào những chỗ “nóng” nhất, không ngại va chạm, tờ báo này còn có mục “Phóng sự”, đăng nguyên một trang khổ lớn, in màu kể từ khi xuất hiện ấn phẩm “Lao Động Chủ nhật” (1989). Hồi mới vào nghề, tập tành viết lách ở một tờ báo địa phương, tôi nhìn mục “Phóng sự” in từ trang 1 sang nguyên trang 6 như một đỉnh núi khó vượt qua. Thế rồi tôi cũng tập leo dần dần, và có lúc cũng lên tới “đỉnh” bằng những giải thưởng do tờ báo Lao Động tổ chức cuộc thi phóng sự.

 

Kể ra điều này không phải để khoe khoang gì mà là để các bạn mới vào nghề đừng quá “mặc cảm” mình là một phóng viên tỉnh lẻ, mà hãy tự tin để mạnh dạn bước vào những sân chơi lớn thì mới biết được sức của mình.

Tôi thích mục Phóng sự trên báo Lao Động không chỉ vì số tiền nhuận bút khá lớn lúc bấy giờ (có thể mua vài chỉ vàng cho một phóng sự vào thời điểm trước năm 2000), mà đây là mảnh đất mình tung tẩy được. Nghĩa là mình nói “cái tôi” trước một vấn đề mà mình phản ánh. Cái tôi ấy phải được diễn đạt bằng cảm xúc thông qua ngôn ngữ. Tôi học văn nên có ưu thế về chuyện này nên càng thích hơn mỗi khi có đề tài để viết phóng sự.

Cậu bé Nguyễn Anh Lộc, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) là nhân vật trong phóng sự Lá gan mang dòng máu Việt - Ý, đăng trên báo Quảng Ngãi cuối tuần.
Cậu bé Nguyễn Anh Lộc, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) là nhân vật trong phóng sự "Lá gan mang dòng máu Việt - Ý", đăng trên báo Quảng Ngãi cuối tuần.

Theo tôi, cảm nhận trước một đề tài của người viết phóng sự là điều quan trọng nhất. Từ cảm nhận đó để nhà báo đưa ra khả năng mình sẽ thể hiện bằng thể loại gì. Cũng một đề tài đó nhưng phóng viên chuyên “thời sự” thì chỉ đưa tin hoặc một bài phản ánh, nhưng người chuyên viết phóng sự thì bằng cảm nhận của mình sẽ viết một phóng sự làm lay động người đọc. Hà Nội những năm sau đổi mới, tại Giảng Võ là nơi nhiều người đến đó để được làm thuê. Người thuê, chỉ cần đến đó là có thể thuê được người phù hợp với việc mình cần. Bao nhiêu nhà báo đến nơi này nhưng cũng chỉ viết một bài phản ánh là cùng, nhưng “cây phóng sự” của báo Lao Động Huỳnh Dũng Nhân đã làm lay động của bao trái tim khi viết phóng sự “Tôi đi bán tôi”.

Trao giải A cho tác giả Nguyễn Thị Ý Thu với tác phẩm "Khó đi thầy dắt con đi"

Đi sâu vào bếp núc phóng sự sẽ có bao nhiêu chuyện cần trao đổi, như chọn đề tài, cách thể hiện, chọn chi tiết, thao tác ghi chép của nhà báo khi phỏng vấn nhân vật, đặt tít đề... Vì khuôn khổ của một bài báo có hạn nên tôi chỉ nêu vài kinh nghiệm trên đây. Các bạn xem đó như những cảm nhận của riêng tôi chứ hoàn toàn không phải là một khuôn mẫu.

Viết phóng sự là một công việc đầy nhọc nhằn nhưng cũng đầy đam mê. Mong những nhà báo còn trẻ hãy luôn nuôi dưỡng niềm đam mê ấy.

Nội dung: TRẦN ĐĂNG

Trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:11, 24/06/2024