[Emagazine]. Thắp sáng ước mơ

11:02, 04/05/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 7 năm qua, những bữa ăn, giấc ngủ của hàng trăm học sinh (HS) người dân tộc Hrê ở vùng cao Ba Lế (Ba Tơ) được các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học và THCS Ba Lế chăm lo chu đáo, bởi vậy các em yên tâm đến trường.

 

Sau ngày cuối tuần về với gia đình, em Phạm Thị Khô, HS lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, cùng vài người bạn từ Làng Tốt trở về trường. Chỉ mới 2 ngày mà Khô đã nhớ tiếng thầy cô và mái trường nằm giữa lưng chừng dốc. Tiết học buổi sáng kết thúc, Khô cùng các bạn cất cặp sách, cầm chén đũa xếp hàng ngay ngắn vào nhà ăn. Trong khuôn viên lớp học được cải tạo thành phòng ăn, những chiếc bàn vuông có khoảng 6 - 7 học sinh ngồi ngay ngắn, trước mặt là những phần cơm nóng hổi được các thầy cô chuẩn bị sẵn. “Con thích các bữa ăn ở trường, có thịt, có cá, có rau. Con ăn rất ngon. Mỗi ngày chúng con đều mong đến bữa cơm”, Khô phấn khởi nói. 

 
 
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Lế (Ba Tơ) trong giờ giải lao.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Lế (Ba Tơ) trong giờ giải lao.

Thực đơn hôm nay có canh rau cải và cá kho. Những HS lớp lớn giúp các em nhỏ xới cơm vào chén. Những đôi tay thoăn thoắt và cơm đưa lên miệng ăn ngon lành. Vào khoảng 11 giờ 30 phút, bữa cơm kết thúc. Các em HS tự động xếp hàng rửa chén đũa của mình. Học sinh THCS phụ bà nuôi rửa khay thức ăn, còn các em bậc tiểu học nối đuôi nhau vào lớp ngủ trưa. Khi HS đã yên giấc cũng là lúc bữa trưa của các thầy cô bắt đầu.

 

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Lế Nguyễn Hải Dương cho biết, trước đây, buổi sáng HS đến trường, trưa lại đi bộ về nhà ăn cơm. Bữa cơm của các em nhiều lúc chỉ là nắm cơm ăn cùng vài con cá cơm khô hay chấm cùng muối ớt. Vất vả và thiếu thốn nên tình trạng HS đi học “giã gạo”, hay bỏ học giữa chừng xảy ra thường xuyên. Mọi thứ thay đổi khi những bữa cơm trưa, tối được các thầy cô tổ chức nấu tại trường. Không phải là trường bán trú, nên mặc dù HS được hỗ trợ gạo nhưng trường không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn tập trung. "Dù có gạo, nhưng bữa ăn của các em vẫn không đủ dinh dưỡng. Chúng tôi đã nhờ cô Nguyễn Thị Thủy Tiên - một người dân sinh sống ở gần trường, đến nấu ăn cho các em”, thầy Dương nói. Gần 7 năm qua, những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng được thầy cô và bà ngoại nuôi Thủy Tiên - học sinh gọi cô Thủy Tiên bằng cái tên thân thương như thế, nấu cho HS ăn. Các em không còn đói lòng khi đang học, và đó là cách để HS vùng cao nơi đây bám trường, bám lớp. 

 

Với HS ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, những bữa cơm no vẫn chưa đủ để "giữ chân" các em, bởi ngôi làng này nằm cách xa trung tâm xã. Muốn đến được trường học, những HS nhà ở nơi đầu nguồn sông Liên phải đi bộ gần nửa ngày trời với hơn 10km đường rừng mới đến được lớp. Hơn 1 năm nay, con đường về thôn Làng Tốt được đầu tư xây dựng, HS đi lại đỡ vất vả hơn. Thôn Làng Tốt có điểm trường lẻ, nhưng học trò ở đây sau khi học hết lớp 2 phải chuyển xuống điểm trường chính để tiếp tục theo đuổi cái chữ.

 
 

Để những đứa trẻ không phải vất vả vượt rừng trở về nhà sau mỗi buổi học, 7 năm nay, ngoài việc tổ chức nấu ăn bán trú, các thầy cô trong trường thay phiên nhau ở lại đêm để chăm học trò. Không có phòng nội trú, thầy cô giáo cùng nhau sửa sang lại những lớp học bỏ không của cơ sở cũ, vận động mạnh thường quân hỗ trợ giường chiếu, mùng mền, vận động xây dựng hệ thống nước sạch để các em có chỗ ngủ, chỗ sinh hoạt. Toàn trường có hơn 200 HS, trong đó có 80 HS ăn bán trú và có 50 HS ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, hầu hết đều là HS nhà ở thôn Làng Tốt.

Cô giáo Võ Thị Xuân Thưởng hướng dẫn học sinh làm bài tập trong buổi trực đêm của mình.
Cô giáo Võ Thị Xuân Thưởng hướng dẫn học sinh làm bài tập trong buổi trực đêm của mình.

Gắn bó với HS ở xã Ba Lế được 5 năm, cũng là bấy nhiêu thời gian cô giáo Võ Thị Xuân Thưởng tình nguyện ở lại đêm chăm giấc ngủ cho học trò. Hôm chúng tôi đến, cô Thưởng vừa trở lại trường sau buổi nghỉ phép trở về nhà ở huyện Nghĩa Hành để đưa con đi khám bệnh. Chưa nghỉ được trọn ngày, cô gửi con lại cho chồng và ông bà nội, rồi tất tả ngược lên núi với học trò. “Hôm nay đến buổi trực của mình, mình phải lên trông để các em yên tâm”, cô Thưởng nói.

 
Các em học sinh tự rửa chén đũa của mình sau khi ăn xong.
Các em học sinh tự rửa chén đũa của mình sau khi ăn xong.

Khi trời vừa tắt nắng, những ngọn đèn điện được bật lên thắp sáng mỗi căn phòng. Đúng 7 giờ tối, HS ngồi vào bàn học, trò nhỏ ê a đọc bài, trò lớn cắm cúi làm bài tập. Cô Thưởng hướng dẫn cho HS làm bài tập. Đêm về nơi miền sơn cước, khi ánh điện trong khu bán trú tắt đi thì ngọn đèn phòng trực lại bật sáng để cô Thưởng soạn giáo án cho buổi học mới.
Cũng như cô Thưởng, các cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học và THCS Ba Lế thay phiên nhau trực đêm, hy sinh những phút giây bên gia đình để cùng đồng hành với HS mỗi tối, trở thành người mẹ, người “ cha của các em, mà không nhận bất kỳ một chế độ nào. Không chỉ dạy chữ, các thầy cô giáo còn rèn luyện cho học trò vùng cao những kỹ năng từ việc vệ sinh cá nhân, dọn dẹp chỗ ở, đến việc ăn uống, học tập theo nền nếp.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Lế trong tiết học thể dục.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Lế trong tiết học thể dục.

Cứ như thế, mỗi năm, HS gắn bó với mái trường, lớp học ngày một đông hơn. Nhiều phụ huynh từ chỗ ngại ngần cho con rời xa gia đình đã đặt niềm tin vào các thầy cô. “Con mình còn nhỏ lại bị khuyết tật nên mình lo lắng khi con phải xa nhà để đi học. Giờ đây, con mình đã hòa nhập được với các bạn, được ăn ngon, được thầy cô quan tâm nhiều. Mình yên tâm lắm”, phụ huynh của em Phạm Thị Hành, HS lớp 4 chia sẻ. Em Hành bị khuyết tật trí tuệ, cứ ngỡ việc học và hòa nhập của em sẽ dừng lại khi điểm trường chính nằm cách xa nhà, ba mẹ lại bận công việc không thể mỗi ngày đưa em đến trường. Nhưng rồi bữa ăn bán trú cũng như những hy sinh của thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học và THCS Ba Lế đã tiếp sức để Hành cùng nhiều học trò khác được đến lớp.

 

Những bữa cơm đầy đủ, những ngọn đèn chong lên trong đêm cùng sự ân cần chỉ bảo của thầy, cô đã làm bừng sáng vùng đất nơi rẻo cao, nuôi hy vọng cho trẻ em đến trường, để con chữ nảy mầm, sinh sôi trên vùng đất khó.

Bài, ảnh: HIẾU PHÁT

Trình bày: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  

Xuất bản lúc: 11:02, 04/05/2024