KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

[Emagazine]. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam 

06:17, 07/05/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

 
Ảnh: PHƯƠNG THANH
Ảnh: XUÂN TƯ - PHAN QUÂN

Từ ngày 25 đến ngày 30/1/1953, tại Hội nghị Trung ương khóa II, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo: “Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều nên nói chung là chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn”. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ, tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp trên chiến trường Đông Dương. Thực hiện chỉ đạo, chiến lược của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã khẩn trương chuẩn bị tốt mọi mặt và bước vào trận chiến với ý chí quyết chiến, quyết thắng.

 
 
Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. 
Ảnh: TTXVN
Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: TTXVN

Trước khi lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ, Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát để chào Bác Hồ và xin ý kiến Bác.  Bác hỏi: 
- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại?
- Thưa Bác, chỉ có trở ngại là mặt trận Điện Biên ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.
Bác thân mật nói với Võ Đại tướng:
- Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.

 

Khi chia tay, Bác còn nhắc:
- Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. 
Lời dặn của Bác như kim chỉ nam xuyên suốt giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra được những quyết định sáng suốt và đầy bản lĩnh ở những thời khắc cực kỳ khó khăn.

 

Ngày 14/1/1954, Bộ Chỉ huy tiền phương phổ biến kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biện Phủ. Mới đầu, ta chủ trương thực hiện phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” vì quân ta có nhiều lợi thế, chúng ta đang thắng lớn ở các chiến trường, bộ đội ta đang sung sức. Thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” thì cuộc chiến đấu không kéo dài, ít ngại tiêu hao mệt mỏi, việc bảo đảm hậu cần không gặp trở ngại lớn.

 

Từ An toàn khu Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mặt ở sở chỉ huy Thẩm Púa (cách Điện Biên Phủ 15km) và bắt tay vào triển khai kế hoạch tác chiến như đã xác định và thống nhất từ ban đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, qua trinh sát báo về, địch tiếp tục tăng cường binh lực, xây dựng và củng cố hệ thống trận địa phòng ngự ngày càng vững chắc. Điểm cao như Độc Lập, Him Lam, Hồng Cúm đã được gia cố, phát triển thành các cụm cứ điểm vững chắc, có sân bay và trận địa pháo có khả năng chi viện cho phân khu Mường Thanh, nên đã gây bất lợi cho ta.

Di tích đồi A1.   Ảnh: XUÂN TƯ - PHAN QUÂN

Trước tình hình đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ nếu chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm. Tuy cho rằng “đánh nhanh” không thể giành được thắng lợi, nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn và cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch tác chiến.

Du khách tham quan bức tranh panorama về Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.  Ảnh: XUÂN TƯ - PHAN QUÂN

Thời gian nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được quyết định là 17 giờ ngày 25/1/1954. Gần ngày nổ súng, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng tiến công lại 24 tiếng đồng hồ. Từ khi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị đến lúc này chỉ mới 11 ngày. Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng nhận thấy rõ là không thể “đánh nhanh” được. Đại tướng nhớ lại lời dặn của Bác Hồ trước khi lên đường ra trận và nghị quyết của Trung ương đầu năm 1953 là “chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!”. Sự đắn đo, suy tính cho việc thắng hay bại của trận quyết chiến chiến lược và cái giá phải trả bằng xương máu của cán bộ, chiến sĩ đã khiến Đại tướng nhiều đêm không ngủ được, đặc biệt là đêm 25/1/1954.

 

Sáng sớm ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận cùng các tư lệnh, chính ủy đại đoàn và các cục trưởng để đi đến thống nhất một quyết định có tính chất lịch sử. Trong cuộc họp cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, vì kế hoạch đã được phổ biến đến bộ đội và cũng chỉ còn ít giờ nữa sẽ nổ súng. Sau khi nghe tất cả mọi mọi đồng chí trình bày ý kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt câu hỏi: “Ai có thể khẳng định chắc thắng nếu đánh nhanh?”, lúc bấy giờ không ai đủ tự tin trả lời. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận cuộc họp lịch sử và cân não ấy bằng chỉ thị: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Ngay sau đó, cán bộ Cục Tác chiến phải gấp rút tỏa xuống các đơn vị để phổ biến phương án mới. 

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: XUÂN TƯ - PHAN QUÂN

Về sau, trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.

 

Thực hiện chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc”, quân đội Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trải qua một quá trình chiến đấu dài ngày, chúng ta đã lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch, xiết chặt vòng vây, vận dụng chiến thuật đánh lấn, bắn tỉa, chia cắt sân bay, triệt đường tiếp tế... làm cho tập đoàn cứ điểm ngày càng bị bóp nghẹt, không phận ngày càng thu hẹp, khó khăn ngày càng chồng chất, tinh thấn chiến đấu của địch ngày càng sa sút. Cuối cùng ta mở đợt tấn công quyết định vào sở chỉ huy đầu não, bắt sống tướng De Castries và bộ chỉ huy, buộc toàn bộ quân địch đầu hàng, giành toàn thắng cho chiến dịch. Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nắp hầm tướng De Castries, báo hiệu chiến thắng vẻ vang.

Hoa ban nở trắng dọc lối lên tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.  Ảnh: XUÂN TƯ - PHAN QUÂN
 

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam; thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân trên thế giới và của lương tri thời đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang sửmới cho cách mạng Việt Nam. 

Thành phố Điện Biên phủ hôm nay đã có nhiều khởi sắc.   Ảnh: XUÂN TƯ - PHAN QUÂN

Ðã 70 năm trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn vang vọng và là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.

Bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: XUÂN TƯ
Bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: XUÂN TƯ
Nội dung: ĐẠI NGHĨA
Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:17, 07/05/2024