Những ngày qua, em Nguyễn Thị Mỹ Tiên (15 tuổi), ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn) luôn ngập tràn niềm vui, vì được những người lính quân hàm xanh tặng một chiếc xe đạp mới. Hoàn cảnh của em Tiên rất khó khăn, ba mất sớm, 4 chị em Tiên chỉ biết dựa vào đôi vai gầy yếu, tảo tần của người mẹ để tiếp tục đến trường. Dù mẹ Tiên có nhiều cố gắng, song cuộc sống của gia đình vẫn luôn chật vật, thiếu trước, hụt sau. Chia sẻ với hoàn cảnh của em Tiên, Đồn Biên phòng Lý Sơn (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) đã nhận đỡ đầu em với số tiền 500 nghìn đồng/tháng, nhằm giúp em có điều kiện tiếp tục đến trường.
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng Lý Sơn đã nhận nuôi 4 em học sinh mồ côi ở Lý Sơn, có hoàn cảnh rất khó khăn, với số tiền 500 nghìn đồng/cháu/tháng. Qua đó, giúp các em tiếp tục đến trường để thực hiện giấc mơ hoài bão của mình trên hành trình chinh phục tri thức.
Đồn Biên phòng Lý Sơn đã triển khai nhiều hoạt động, giúp trẻ em mồ côi có điều kiện học tập tốt hơn. |
“Chăm sóc, hỗ trợ trẻ mồ côi là việc làm xuất phát từ trái tim, tấm lòng cảm mến, chia sẻ với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Dù đối mặt với những trớ trêu của số phận, nhưng các cháu vẫn học tập tốt. Điều đó đã chạm đến trái tim của chúng tôi, nên cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn mong muốn trở thành điểm tựa cho những hoàn cảnh đáng thương ấy”, Đại úy Mai Văn Tuấn - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lý Sơn chia sẻ.
Những việc làm ý nghĩa và nhân văn của lực lượng vũ trang ngày càng được lan tỏa rộng khắp, góp phần thắt chặt tình cảm quân và dân ngày càng bền chặt. Minh chứng cho tình cảm đó là Ban CHQS huyện Sơn Tịnh đã nhận đỡ em Phạm Kiều Vy, học sinh lớp 7, Trường THCS Tịnh Hiệp. Vy có hoàn cảnh khá đặc biệt, mẹ mất sớm, ba bỏ đi biệt tăm từ nhiều năm nay, trong khi đó bản thân em bị mất một chân sau vụ tai nạn giao thông.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sơn Tịnh luôn quan tâm, hỗ trợ để em Phạm Kiều Vy được tiếp tục đến trường. |
Năm 2018, từ sự kết nối của Ban CHQS huyện Sơn Tịnh, Vy được một bác sĩ người Quảng Ngãi đang công tác tại TP.Hồ Chí Minh đón vào thăm khám, hỗ trợ làm chân giả miễn phí, giúp việc đi lại của Vy dễ dàng hơn. Ngoài việc hỗ trợ sách vở, quần áo, đồ dùng học tập và một sổ tiết kiệm trị giá 37,5 triệu đồng, mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Sơn Tịnh còn hỗ trợ số tiền 300 nghìn đồng, giúp Vy có điều kiện học tập tốt hơn. Sự chia sẻ đó đã giúp bé Vy tự tin hơn, chăm chỉ học tập để có một tương lai tươi đẹp hơn.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”, hơn 20 năm gắn bó với y tế vùng cao, đảng viên, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc (53 tuổi) - Trưởng trạm Y tế xã Ba Tiêu (Ba Tơ) luôn tận tâm, hết lòng vì người bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc hết lòng chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao Ba Tiêu (Ba Tơ). |
Với 86% dân số là đồng bào Hrê, những năm trước, xã Ba Tiêu vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu. Khi ốm đau người dân ít đến trạm y tế để khám, mà nhờ thầy cúng. Vì thế, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ đối với bác sĩ Ngọc là làm sao thay đổi được tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của người dân bao đời nay. Thế là, bác sĩ Ngọc bắt đầu những chuỗi ngày đi bộ đến tận các ngôi làng xa xôi để vừa khám bệnh, hướng dẫn người dân ăn uống hợp vệ sinh, vừa tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Theo người dân xã Ba Tiêu, bác sĩ Ngọc luôn cố gắng để không xảy ra sai sót về chuyên môn và chưa một lần khiến bệnh nhân phiền lòng về tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc. “Người dân mắc bệnh là tới trạm để bác sĩ Ngọc khám và cho thuốc uống. Chúng tôi rất tin tưởng bác sĩ, không còn cúng bái như ngày xưa nữa!”, chị Phạm Thị Ôi, ở thôn Nước Tỉa, xã Ba Tiêu (Ba Tơ) tâm sự.
Đến nay, sau bao năm vất vả tuyên truyền của bác sĩ Ngọc, 100% hộ dân ở xã Ba Tiêu khi có bệnh đều đến trạm y tế để khám. Trung bình mỗi tháng, Trạm Y tế xã Ba Tiêu khám, tư vấn cho trên 400 bệnh nhân. Chất lượng khám, chữa bệnh của trạm từng bước được nâng cao.
Trong vườn hoa người tốt, việc tốt, còn có Thượng úy Nguyễn Quang Hải (32 tuổi) - Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh). Anh Hải luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và luôn nhiệt tình, xung kích trong các hoạt động, phong trào vì cuộc sống cộng đồng. Anh là một trong 20 gương thanh niên cảnh sát cơ động tiêu biểu năm 2024 do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tôn vinh.
Thượng úy Nguyễn Quang Hải có 18 lần hiến máu cứu người và là một thành viên năng nổ của CLB Ngân hàng máu sống Facebook Quảng Ngãi. Anh đã cùng Ban Chấp hành Đoàn cơ sở huy động hơn 250 lượt đoàn viên, thanh niên hiến máu tình nguyện và hiến máu cấp cứu 30 lượt bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Với vai trò là đảng viên, Bí thư Đoàn cơ sở, Thượng úy Nguyễn Quang Hải còn tích cực tổ chức các hoạt động tình nguyện hướng đến người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đến nay, Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát cơ động đã trao tặng trên 500 phần quà, trị giá 155 triệu đồng đến các gia đình, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1.000 suất cháo cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong công tác cũng như trong các hoạt động thiện nguyện, Thượng úy Nguyễn Quang Hải luôn thực hiện theo phương châm: “Lúc dân cần, lúc dân khó - có công an”. Qua đó, đã góp phần xây dựng và lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ công an luôn đẹp trong lòng nhân dân.
Thượng úy Nguyễn Quang Hải và đồng đội luôn nhiệt tình, xung kích trong các hoạt động, phong trào vì cuộc sống cộng đồng. |
Điều đó cho thấy, trong bộn bề những khó khăn của cuộc sống thì vẫn luôn có những con người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cộng đồng, chung tay làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Những tấm gương sáng, những hành động đẹp ấy xuất hiện mỗi ngày đã nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, hãy mở lòng sống tốt, nhiệt tình cống hiến và chia sẻ với cộng đồng, với những con người không may gặp khó khăn… để cuộc sống luôn tươi đẹp và ý nghĩa hơn.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: