(Báo Quảng Ngãi)- Mới đầu mùa hè mà nhiều nơi trên địa bàn Quảng Ngãi đã thiếu nước, cây trồng khô héo, đối mặt với nguy cơ khô hạn nặng, Trong khi đó, trên đảo Lý Sơn vẫn trải dài một màu xanh mướt của cây trồng giữa cái nắng oi bức của mùa hạ...
Trong cái nắng gắt của những ngày hè oi ả, đảo Lý Sơn vẫn trải dài một màu xanh của hành, đậu phụng, dưa hấu và nhiều cây trồng khác. Màu xanh ấy làm cho hòn đảo thêm xinh đẹp. Mùa này, từ đầu đến cuối đảo, cây trồng chính là hành tím và đậu phụng. Đây là hai loại cây chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính trong năm cho người dân sinh sống trên hòn đảo giữa trùng khơi này.
Nông dân Lý Sơn trên cánh đồng hành tím, đậu phụng. |
Theo thống kê, diện tích trồng hành ở Lý Sơn vụ đầu năm 2024 khoảng 240ha. Bà Trương Thị Hạnh, ở thôn Đông An Hải đang bơm nước từ giếng khoan để tưới cho cây hành chia sẻ, khu vực này có nhiều hộ xuống giống cùng lúc nên chúng tôi thỏa ước với nhau, tuần tự nhà này tưới xong thì đến nhà kia. Nhà nào xong thì đóng van lại, để nước sang đường ống ruộng nhà khác. Giờ tưới bằng hệ thống phun tiết kiệm nên tiết giảm đến 2/3 lượng nước so với trước kia.
Nông dân Lý Sơn chuẩn bị đất trồng hành tím. |
Thu hoạch hành tím ở Lý Sơn. |
Nhờ tưới đủ nước và chăm sóc chu đáo, ruộng hành của bà Hạnh và nhiều hộ nông dân khác không có sâu bệnh, phát triển tốt. Trong vòng 1 tháng nữa, hành tím sẽ cho thu hoạch. Đối với cây đậu phụng được trồng với tổng diện tích khoảng 194ha. Nhờ đủ nước tưới nên từ khi xuống giống đến nay, đám đậu phụng nào cũng xanh ngời, hiện có một số diện tích cho thu hoạch. Ông Dương Văn Thao, ở thôn Đông An Hải bảo, năm nay, nông dân trên đảo chuyển đổi phương thức tưới bằng hệ thống phun tiết kiệm nên nước tưới dồi dào, không thiếu như mọi năm. Đậu phụng no nước, trái to và chắc, không bị xốp.
Nông dân Lý Sơn lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trên cánh đồng hoa màu. |
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lý Sơn Lê Hoài Ân cho biết, năng suất hành ước đạt khoảng 182 tạ/ha, giá bán dao động từ 30 - 35 nghìn đồng/kg. Còn năng suất đậu phụng tăng khoảng 40%, giá đậu phụng tươi 20 nghìn đồng/kg, đậu khô có giá 40 nghìn đồng/kg. Nông dân trên đảo vụ này bội thu.
Huyện Lý Sơn hiện có 4 hồ chứa nước ở đảo Lớn và 1 hệ thống trữ nước mưa trên đảo Bé. Trong đó, hồ có dung tích chứa lớn nhất là hồ Thới Lới.
Hồ chứa nước Thới Lới ở đảo Lý Sơn. |
Vào năm 2011, Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án Xây dựng hồ chứa nước Thới Lới. Sau gần 2 năm thi công, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Hồ chứa nước Thới Lới có dung tích chứa khoảng 300 nghìn mét khối, tổng vốn đầu tư gần 32 tỷ đồng. Kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hồ chứa nước này luôn phát huy hiệu quả, cung cấp nước phục vụ đời sống, sản xuất của người dân trên đảo.
Cánh đồng xanh mướt trải dài dưới chân núi Thới Lới. |
Bà Bùi Thị Yến, ở thôn An Hải, thu hoạch hơn 3 tạ dưa hấu, quả to tròn, căng bóng, tự tin giới thiệu với khách, đây là dưa Đồng Hộ, trồng sát chân núi Thới Lới, ngon đặc biệt. Dưa hấu mà đủ nước tưới là ruột đỏ tới vỏ, ngọt lịm. Giá trị của công trình hồ chứa nước Thới Lới không chỉ đo đếm bằng lượng nước cung cấp mỗi năm cho sản xuất nông nghiệp, mang lại mùa màng bội thu mà còn được chính những nông dân đảo khắc sâu trong tâm khảm. Điều ấy cũng dễ hiểu bởi ở đảo, một giọt nước ngọt cũng quý, huống hồ là cả cái hồ chứa nước ngọt rộng lớn.
Hiện tại, huyện Lý Sơn đang tiếp tục đầu tư hồ chứa nước Suối Cùng, ở phía tây khu vực chân núi Thới Lới, có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Hồ được đặt ở ngay vị trí cuối khe suối nối từ đỉnh núi xuống, để đón nước, vừa ngăn lũ xói mòn khi có mưa lớn. Theo kế hoạch, tháng 7/2024 hồ sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, kịp đón nước trong mùa mưa năm nay. Ngoài ra, ở đảo Lý Sơn đang triển khai dự án Hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn, với tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng.
Bài, ảnh: NHỊ HOA
Trình bày: Q.DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: