[Emagazine]. Truyền nhân hát bả trạo

14:21, 13/05/2024
.
 

(Baoquangngai.vn)- Tham gia hát bả trạo gần 30 năm, tình yêu nghệ thuật dân gian miền biển của ông Nguyễn Tấn Sâm (56 tuổi) ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) mãi đong đầy theo thời gian. Ông được xem là truyền nhân gìn giữ âm điệu đặc trưng của cư dân vùng sóng nước.

>> Xem video: Nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình và ông Nguyễn Tấn Sâm hát bả trạo.

“Bả trạo ơi… Mái chèo khi nhặt khi lơi/ Trăng thanh gió mát thảnh thơi mái chèo/ Quyết tâm lao động đỡ nghèo/ Thuận buồm xuôi gió mấy lèo ấm êm” - giọng ca trầm ấm của ông Nguyễn Tấn Sâm vang lên trong xóm nhỏ. Trong trang phục diễn vai tổng tiền đẹp mắt, chân đi hia, đầu đội mũ cánh chuồn, ông Sâm say sưa hát. Đôi mắt của người đàn ông rắn rỏi ánh lên niềm vui khó giấu…

 

Từ thuở còn là thiếu niên, ông Nguyễn Tấn Sâm đã mê mẩn những âm điệu miền biển giản dị mà lại dễ đi sâu vào lòng người. Thấy cậu bé tuổi còn nhỏ nhưng đã yêu điệu hò, điệu chèo quê hương, các bậc trưởng bối trong làng hết lòng chỉ dạy. Cùng với sự tìm tòi, tự học, chẳng mấy chốc ông Nguyễn Tấn Sâm đã sử dụng thành thạo các nhạc cụ trong dàn bát âm và thuộc hàng chục bài bả trạo.

 

Làng chài Hải Ninh nằm ở cuối dòng sông Trà Bồng, nơi đổ ra cửa biển Sa Cần. Nhờ có hòn Ông, hòn Bà nằm trấn giữ chắn gió, chắn sóng nên bên trong cửa biển luôn hiền hòa, bình yên, trở thành nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân.

Người dân xóm chài từ ngàn đời nay sống nhờ vào biển. Những lúc mệt nhọc, khó khăn hay gặp nguy hiểm trên biển, ngư dân vẫn vững tay chèo, tay lái. Từ khi nào không rõ, những hoạt động lao động thường ngày được đưa vào trong các câu hát, điệu chèo. Từ đó, hình thành nên loại hình nghệ thuật hát bả trạo độc đáo.

 


>> Xem video: Tiết mục hát bả trạo ở Lễ hội cầu ngư lăng vạn Hải Ninh
 

Cẩn thận lau chùi các nhạc cụ bát âm, ông Sâm chia sẻ, trong hát bả trạo, âm nhạc là một phần không thể thiếu. Âm điệu của đàn nhị, trống, kèn, thanh la hòa tấu nhịp nhàng cùng với tiếng hát đã tạo nên sự cuốn hút rất riêng biệt, khiến ông mải mê với nghệ thuật chèo bả trạo.

“Làn điệu bả trạo nghe rồi sẽ nhớ, mà nhớ rồi lại muốn hát theo. Các câu hát, điệu hò gần gũi với đời sống của cư dân làng chài nên rất dễ thuộc và nhớ lâu. Mỗi lần có hoạt động biểu diễn, tôi sẽ tạm gác mọi việc riêng để có thể tham gia và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ cùng bả trạo”, ông Sâm tâm đắc chia sẻ.

Hát bả trạo luôn là phần quan trọng trong lễ hội cầu ngư ở lăng vạn Hải Ninh thờ thần Nam Hải vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Từ năm 1995 đến nay, đã gần 30 năm trôi qua, ông Sâm chưa một lần vắng mặt trong lễ hội ấy.

 

Ông Sâm hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Văn nghệ dân gian Bình Thạnh. Nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình trong vai trò là Chủ nhiệm CLB, đã có công tập hợp ông Nguyễn Tấn Sâm và nhiều ngư dân có chung đam mê hát bả trạo. Được thành lập từ năm 2016, đến nay, CLB có gần 50 thành viên đi biểu diễn, lan tỏa tình yêu nghệ thuật hát bả trạo ở khắp trong và ngoài tỉnh.

 

>> Xem video: Ông Nguyễn Tấn Sâm chia sẻ về trăn trở giữ gìn nghệ thuật hát bả trạo

Một kịch bản chèo bả trạo có 4 lớp gồm: Tạ ơn thần Nam Hải; đưa thuyền ra khơi đánh bắt cá; thuyền gặp con sóng ba đào và cầu cứu thần Nam Hải; thuyền cập bến bình yên. Đội múa bả trạo thường có khoảng từ 12 - 20 người. Một đội gồm có 3 tổng, gồm: Tổng tiền, tổng hậu, tổng thương và các bạn chèo. 

Màn hát bả trạo phụ thuộc phần nhiều vào vai tổng tiền. Trong vai trò tổng tiền, ông Nguyễn Tấn Sâm không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu lễ hội của làng. Học từ cha ông, rồi học ở những người bạn chèo đồng trang lứa, rút kinh nghiệm từ những cuộc liên hoan, hội thi trong và ngoài tỉnh, giờ đây ông Sâm có thể ứng tác mọi lúc mọi nơi.

CLB Nghệ thuật dân gian Bình Thạnh đến nay có gần 50 thành viên đi biểu diễn, lan tỏa tình yêu nghệ thuật hát bả trạo ở khắp trong và ngoài tỉnh.
CLB Văn nghệ dân gian Bình Thạnh đến nay có gần 50 thành viên đi biểu diễn, lan tỏa tình yêu nghệ thuật hát bả trạo ở khắp trong và ngoài tỉnh.

Thế nhưng, ông Sâm và các thành viên trong CLB Văn nghệ dân gian Bình Thạnh luôn đau đáu một nỗi niềm. Việc duy trì văn hóa truyền thống là thách thức không nhỏ. Người trẻ không đam mê, thế hệ già dần hao hụt. Hiện nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình tuổi đã ngoài 70, còn ông Sâm sắp bước qua hàng 60.

Tìm hậu bối tiếp nối truyền thống là bài toán chưa có lời giải rõ ràng. Trong vài năm gần đây, ông Huy, ông Sâm thường tập trung thanh, thiếu niên ở trong làng để hướng dẫn múa, hát bả trạo. 

 

Trăn trở của ông Sâm là phải làm sao để nối tiếp truyền thống của cha ông. Phải giữ được lửa đam mê với nghệ thuật chèo bả trạo từ đời này qua đời khác, để làn điệu dân ca miền biển còn mãi cùng nền văn hóa của dân tộc. Đó dường như không phải là nỗi lòng của riêng ông, mà còn là câu chuyện gìn giữ những loại hình văn hóa phi vật thể trong dân gian đang ngày càng thiếu vắng người theo.

Thực hiện: T.PHƯƠNG – T.NHÀN 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:21, 13/05/2024