Khi màn đêm trôi dần về khuya, phố xá vắng người và phương tiện qua lại thì cũng là lúc các chị lao công bắt đầu vào ca làm việc. Lần theo hướng dẫn của anh Lê Hồng Nam (45 tuổi), Đội trưởng Đội 1 (Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi), chúng tôi tìm đến nơi chị Nguyễn Thị Thúy Phương (44 tuổi) đang cần mẫn quét dọn tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Chị Phương có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng không tham của rơi, khi nhặt được số tiền 100 triệu đồng chị đã tìm người đánh rơi để trả lại.
Chị Phương kể lại, vào khoảng 22 giờ một ngày mùa đông của năm 2023, tại đoạn đường Võ Nguyên Giáp, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), trong lúc quét rác chị đã nhặt được một túi ni lông nhỏ. Lúc đầu chị nghĩ đó túi rác sinh hoạt người dân vứt, nhưng khi mở ra thì bên trong có rất nhiều tiền. Chị vừa quét rác, vừa thấp thỏm lo lắng, chỉ mong người đánh rơi quay lại tìm để chị trả lại.
Nhưng rồi, kết thúc ca làm việc (4 giờ sáng), vẫn không thấy một ai đến nhận. Chị mang tiền về nhà, mong trời sáng sẽ mang xuống giao nộp cho Công an xã Tịnh Ấn Tây. “Tiền mồ hôi, nước mắt của người ta, đâu phải của mình mà lấy. Ai lâm vào hoàn cảnh bị mất số tiền lớn như thế này đều ăn không ngon, ngủ không yên. Nghĩ vậy, tôi liền nhờ các chú công an tìm người mất để trả lại”, chị Phương bộc bạch.
Sau khi tiếp nhận số tiền từ chị Phương, Công an xã Tịnh Ấn Tây đã thông tin và xác định số tiền bị đánh rơi này là của anh Nguyễn Văn Cường (30 tuổi), ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), nhân viên quản lý một đơn vị vận chuyển phát nhanh. Anh Cường kể lại, số tiền mất đi là của công ty do các shipper nộp về trong ngày.
“Chị Phương chịu nhiều đau thương và vất vả. Dẫu vậy, chị luôn chịu thương, chịu khó, làm việc chuyên cần và có trách nhiệm, nên ở đội ai cũng yêu mến chị và tự hào vì có một nữ lao công tốt bụng, được cộng đồng xã hội tán dương thời gian qua”, anh Nam chia sẻ.
Chị Phương quê ở thị trấn Tây Sơn (Bình Định). Chị theo chồng về xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) sinh sống. Cách đây 3 năm, chồng chị bị mất trong một vụ tai nạn lao động, để lại cho chị 3 đứa con. Xót thương hoàn cảnh của chị, Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi đã nhận chị vào làm việc để có nguồn thu nhập lo cho các con ăn học. “Lúc tôi khó khăn, bế tắc trong cuộc sống vẫn có người quan tâm, yêu thương và giúp đỡ. Vì thế, tôi không cho phép mình sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, không thể lấy của đánh rơi làm của riêng”, chị Phương chia sẻ thêm.
Chị Nguyễn Thị Thúy Phương được lãnh đạo Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi khen thưởng. |
Hành động của chị Phương đã được UBND TP.Quảng Ngãi khen thưởng kịp thời, nhằm lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong xã hội.
Từ nhiều năm nay, ông Trịnh Mười (56 tuổi), quê ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) mưu sinh bằng nghề bán hàng rong ở xã Ba Dinh (Ba Tơ). Đầu tháng 3/2024, trong một lần đi bán tại khu vực dân cư đoạn Km37, thuộc Quốc lộ 24B, ông Mười đã nhặt được một hộp nhựa nhỏ, màu cam. Ngờ ngợ là hộp bỏ đi, nhưng khi mở ra bên trong thì có 2 chiếc nhẫn và sợi dây chuyền vàng. Tổng trị giá hơn 25 triệu đồng. Do không xác định được người mất, ông Mười mang về và đến trình báo với công an xã, đồng thời đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm người đánh rơi trả lại. Sau đó, vào ngày 8/3, chị Phạm Thị Tên (36 tuổi), ở xã Ba Dinh xác nhận số vàng trên là của chị và xin nhận lại.
Ông Trịnh Mười kể chuyện mưu sinh trên vùng cao Ba Tơ với thế hệ trẻ ở địa phương. |
“Hôm ấy, trong lúc chở con đi bệnh viện, tôi mang theo số vàng xuống thị trấn bán lấy tiền chữa bệnh cho con, nhưng không may bị rơi mất. Khi bị mất vàng, tôi thẩn thờ như người mất trí, phải vay mượn nhiều nơi để điều trị bệnh cho con. May cho tôi là có ông Mười tốt bụng nhặt được và trả lại”, chị Tên kể.
Ông Trịnh Mười (56 tuổi), ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) trả lại số vàng cho chị Phạm Thị Tên. |
Hành động nhặt được của rơi, trả lại cho người mất của ông Mười là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Thế nhưng, chia sẻ về việc mình làm, ông Mười khiêm tốn cho rằng, đó là việc làm bình thường. Bởi lẽ, bao nhiêu năm mưu sinh ở huyện Ba Tơ, tình cảm đồng bào Hrê nơi đây dành cho ông chẳng khác gì người thân trong gia đình.
Câu chuyện ở xã Sơn Hải (Sơn Hà) cũng thấm đượm tình người khi mà người mất chiếc ví cách đây 4 năm không nghĩ mình sẽ tìm lại được. Vừa đến đầu ngõ nhà của bà Đinh Thị Khuya (SN 1978), chúng tôi đã nghe rộn rã tiếng cười nói của những người hàng xóm đến thăm chơi. Theo người dân địa phương, bà Khuya là người hiền lành, chất phát, mẫu mực trong xóm làng, được người già trân quý, trẻ em ngưỡng mộ, thán phục. Họ đến để được nghe những câu chuyện về lòng nhân ái, truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình bà. Bà luôn khuyên thế hệ trẻ phải sống vì cộng đồng, chấp hành pháp luật, biết yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Khu vực bà Đinh Thị Khuya (SN 1978), ở xã Sơn Hải (Sơn Hà) nhặt được chiếc ví bị mất cách đây 4 năm. |
Mới đây nhất, trong một lần dọn thửa ruộng trước nhà, bà Khuya nhặt được một chiếc ví da. Bên trong có 4 triệu đồng, cùng các giấy tờ quan trọng mang tên Đinh Thị Bảo Hơn (28 tuổi), ở xã Sơn Thành (Sơn Hà). Theo lời chủ nhân của chiếc ví bị đánh rơi cách đây 4 năm, trong một lần đi ngang qua nhà bà Khuya thì đánh rơi chiếc ví, nhưng không nghĩ sẽ tìm lại được.
“Khi nhặt chiếc ví, tôi thấy bề ngoài đã biến dạng, nhạt màu theo thời gian, chủ nhân có thể không còn cần đến. Vậy nhưng, lương tâm không cho phép tôi lấy 4 triệu đồng để sử dụng, dù rất cần để lo cho gia đình, con cháu. Nghèo cho sạch, rách cho thơm; nhặt được của rơi, trả lại cho người mất, đức tính tốt đẹp đó vẫn được gia đình tôi gìn giữ đến hôm nay. Các cháu của tôi thiếu thốn tình thương của cha mẹ, nên bản thân tôi phải là tấm gương sáng để dạy bảo chúng nên người”, bà Khuya tâm sự.
Bà Đinh Thị Khuya luôn dạy con cháu phải sống trung thực và trao lại chiếc ví cho người bị mất tại trụ sở công an xã Sơn Hải (Sơn Hà). |
Trưởng Công an xã Sơn Hải Nguyễn Thành Thép cho hay, khi cầm chiếc ví trên tay, chị Hơn rất vui vì còn giữ nhiều giấy tờ quan trọng. Chị bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến bà Khuya và công an xã. Đây là một hành động đẹp, đầy nhân văn của một người lớn tuổi ở địa phương, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ ở địa phương.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện nhiều trường hợp nhặt được của rơi, trả lại người mất, được cộng đồng mạng và xã hội tôn vinh, ghi nhận. Không phân biệt độ tuổi, thành phần trong xã hội, chúng ta dễ dàng nhận thấy, lòng tốt đang được nhân lên khắp nơi, lan tỏa trong cộng đồng, từ những người có hoàn cảnh khó khăn, cho đến cán bộ, công chức, viên chức, các em học sinh.
Em Đinh Gia Phết (14 tuổi) và em Hồ Đinh Kháng (13 tuổi), ở xã Trà Thủy (Trà Bồng) đã nhặt được chiếc điện thoại iPhone 13 và đồng hồ Apple Watch, với tổng giá trị trên 20 triệu đồng và nhờ công an xã trả lại cho người đánh rơi. |
Cách đây không lâu, ở huyện Trà Bồng, em Đinh Gia Phết (14 tuổi) và em Hồ Đinh Kháng (13 tuổi), ở xã Trà Thủy cũng đã trao lại một chiếc điện thoại iPhone 13 và đồng hồ Apple Watch, với tổng giá trị trên 20 triệu đồng cho anh Lâm Vĩnh Đạt (30 tuổi), ở TP.Hồ Chí Minh. Mới đây, vào trưa 10/4, có 2 bạn trẻ là Nguyễn Thành Duy (24 tuổi) và Bùi Văn Tánh (20 tuổi), ở xã Trà Tân nhặt được 50 triệu đồng và trả lại cho anh Bùi Thanh Hà, ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh).
Anh Nguyễn Thành Duy (24 tuổi) và Bùi Văn Tánh (20 tuổi), ở xã Trà Tân (Trà Bồng) nhặt được 50 triệu đồng và trả lại cho một người dân ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh). Ảnh NVCC |
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2023 đến nay, có hơn 130 trường hợp nhặt được của rơi đến trình báo công an và kịp thời trả lại cho người mất. Trong đó, Trà Bồng có 13 trường hợp, Nghĩa Hành có 13 trường hợp, Sơn Tịnh có 12 trường hợp, Tư Nghĩa có 12 trường hợp, Sơn Hà có 27 trường hợp… Ngoài ra, còn có 16 trường hợp đã trả lại tiền chuyển khoản nhầm cho người chuyển, với số tiền từ 15 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thùy Lan (39 tuổi), ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) là người đã chuyển trả số tiền 15 triệu đồng cho một người dân ở TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) chuyển nhầm. |
Tiêu biểu như ở huyện Sơn Tịnh, chị Nguyễn Thị Thùy Lan (39 tuổi), ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã chuyển trả 15 triệu đồng cho một người dân ở TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam); anh Đỗ Đình Dương ở xã Tịnh Thọ chuyển trả 100 triệu đồng cho một người dân ở TP.Vinh (tỉnh Nghệ An); hay như ở TP.Quảng Ngãi, ông Lê Nhân Vương, đại diện một công ty nông sản ở phường Quảng Phú cũng đã chuyển lại hơn 400 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Xuân Trang, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa)…
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Mỗi người tốt, việc tốt đều là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”. Trong xã hội hiện nay, đâu đó vấn đề tiền bạc, vật chất cũng có sức hút mạnh mẽ đối với một số người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin tưởng rằng, vẫn còn đó rất nhiều hành động, nghĩa cử đẹp, góp phần để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Qua đó, không chỉ gieo vào lòng người niềm tin, sự hy vọng về lòng tốt vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống, mà còn khẳng định phẩm chất, vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn nhân văn, trung thực của người Việt Nam; xây dựng hình ảnh con người Quảng Ngãi giàu lòng nhân ái, luôn biết yêu thương cộng đồng.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: