(Báo Quảng Ngãi)- Về thôn Ba Ha, xã Ba Xa (Ba Tơ), chúng tôi được nghe người dân kể nhiều về những đảng viên trẻ nhiệt huyết, tận tâm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của nhân dân. Họ đã ghi dấu ấn trên bước đường phát triển của địa phương.
Những đảng viên trẻ được người dân yêu quý, đó là Bí thư Chi bộ, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác Mặt trận thôn Ba Ha Phạm Thị Thìa (34 tuổi), Trưởng thôn Ba Ha Phạm Thị Nương (32 tuổi) và Chi ủy viên Chi bộ thôn Ba Ha Phạm Thị Vớp (37 tuổi).
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi ngược lên vùng thượng nguồn sông Re, tìm về thôn Ba Ha, xã Ba Xa. Hai năm trước, con đường trong thôn là đường mòn, ngày mưa nước đọng lầy lội, ngày nắng đá giăng lởm chởm, đi lại rất khó khăn. Giờ đây, con đường đã được bê tông sạch sẽ, những chiếc xe máy, xe đạp chạy bon bon từ đầu đến cuối thôn. Đó là thành quả từ sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của người dân địa phương, đặc biệt là sự đóng góp công sức rất lớn của những cán bộ nữ trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường...
Chị Phạm Thị Thìa và Phạm Thị Vớp (bên trái) cùng người dân thôn Ba Ha, xã Ba Xa (Ba Tơ), chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. |
Bí thư Chi bộ, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác Mặt trận thôn Ba Ha Phạm Thị Thìa cho biết, năm 2023, thôn Ba Ha được Nhà nước hỗ trợ xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn dài hơn 250m. Cái khó là phải vận động người dân hiến đất để mở rộng đường và huy động ngày công xây dựng. Tôi cùng các chị em đến từng nhà người dân tuyên truyền, vận đồng. Điều đáng mừng là sau khi nghe tuyên truyền, vận động được 43 hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến gần 1.600m2 đất và tham gia 233 ngày công để xây dựng tuyến đường.
“Mình tin tưởng các chị em cán bộ trong thôn nên đã hiến đất và tháo dỡ một phần mái hiên trước nhà để đoạn đường mới đi qua. Giờ có đường sạch đẹp để đi, ai cũng phấn khởi. Người dân hưởng lợi từ con đường mới, không uổng công mình hiến đất”, ông Phạm Văn Trĩ, người dân ở thôn Ba Ha, phấn khởi nói.
Các nữ cán bộ của thôn Ba Ha trong một buổi sinh hoạt chi bộ thôn Ba Ha. |
Trưởng thôn Ba Ha Phạm Thị Nương chia sẻ, trong thôn có rất nhiều việc mà tôi cùng với chị Phạm Thị Thìa, chị Phạm Thị Vớp phải nỗ lực mới giải quyết xong. Bất kể nắng hay mưa, thời gian nào, khi hàng xóm xích mích vì tranh chấp cái bờ rào, vợ chồng cãi nhau, anh em không đồng thuận, con cái hư bị cha mẹ đánh mắng... chúng tôi đều có mặt để hòa giải. Do đặc thù miền núi, địa bàn rộng, việc triển khai công tác của thôn phải thực hiện vào ban đêm, nên nhiều khi chị Nương phải bồng theo con trai mới hơn 3 tuổi đi họp cùng. Cứ thế “mưa dầm thấm lâu”, khi người dân đã hiểu, đồng thuận và chia sẻ thì công việc lại rất thuận lợi.
Trong số 3 cán bộ nữ ở thôn Ba Ha, Bí thư Chi bộ thôn Phạm Thị Thìa là người có thời gian gắn bó với người dân thôn Ba Ha lâu nhất. Chị Thìa sinh ra và lớn lên tại thôn Ba Ha. Ngày đó, chị là một trong số ít phụ nữ trong thôn có trình độ văn hóa, tích cực tham gia các hoạt động phong trào và chịu khó lao động để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2015, chị Thìa được tín nhiệm bầu giữ chức bí thư chi bộ thôn, từ đó đến nay chị đã làm gần 3 nhiệm kỳ.
Hai chị Phạm Thị Nương và Phạm Thị Vớp là người xã khác theo chồng về Ba Ha sinh sống. “Ở đâu cũng vậy, đồng bào mình còn nghèo, còn khổ thì mình càng phải nỗ lực để giúp đỡ người dân thoát nghèo”, chị Vớp nói.
Trong nhiệm kỳ 2022- 2025, chị Nương được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, chị Vớp làm Chi ủy viên Chi bộ thôn Ba Ha. Thời gian qua, chị Thìa cùng với chị Nương, chị Vớp đã nỗ lực giúp đỡ người dân nơi đây thoát nghèo. “Tuy khó nhưng mình gương mẫu trước nhân dân, cố gắng động viên, giúp đỡ thì nhân dân sẽ đồng thuận và làm theo. Càng làm càng có lợi, đời sống người dân được nâng cao, nên phải cố hết sức mà làm chứ”, các chị chia sẻ như vậy.
Ba nữ cán bộ trẻ của thôn Ba Ha, xã Ba Xa (Ba Tơ) nắm bắt thông tin từ những người cao tuổi trong thôn. |
Chị Thìa kể, thời gian đầu đảm nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ thôn, tôi lo lắm, nhưng nghĩ sao làm vậy, mình phải công bằng, phải làm gương. Thôn có lợi thế là diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn để trồng các loại cây như lúa nước, cây keo. Tuy nhiên, thói quen canh tác truyền thống dẫn đến hiệu quả trồng trọt không cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tôi cùng đảng viên trong chi bộ đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, từ đó làm gương cho người dân học tập, làm theo.
Đến nay, ngoài việc được biết đến là nữ Bí thư Chi bộ thôn duy nhất trên địa bàn xã Ba Xa, chị Thìa còn là người chăn nuôi giỏi. Đàn heo của gia đình chị có thời điểm lên đến gần 100 con. Khi kinh tế gia đình ổn định, chị Thìa đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân.
Các mô hình “Đảng viên giúp nhau phát triển kinh tế”, “Nuôi heo gây quỹ”... của Chi bộ thôn Ba Ha đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Qua đó, tạo động lực cho người dân trong thôn thi đua sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.
Chị Phạm Thị Uynh, ở thôn Ba Ha vui vẻ cho hay, trước đây, người Hrê nơi đây chỉ phụ thuộc vào ruộng lúa nước trời, rẫy keo, con trâu thả rông. Nhờ các chị cán bộ trong thôn tuyên truyền, hướng dẫn nên người dân nắm bắt được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mạnh dạn vay vốn mua cây giống tốt, biết cách nuôi bò nhốt chuồng... từ đó có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Trưởng thôn Ba Ha Phạm Thị Nương (bên phải) thăm hỏi tình hình chăn nuôi của người dân trong thôn. |
Để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, các nữ cán bộ ở thôn Ba Ha luôn gần dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Các chị biết từng nóc nhà, từng hoàn cảnh gia đình, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến nhân dân.
Thôn Ba Ha ngày càng khởi sắc với hình ảnh những đồi keo xanh mướt, những tuyến đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang... Đó là thành quả từ phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đặc biệt là công sức, nhiệt huyết cống hiến của những nữ cán bộ đảng viên trẻ là người dân tộc thiểu số ở vùng cao này.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: