|
||
>>Xem video:
Cô gái Phù Thị Ánh Tuyết (31 tuổi), ở xã Đức Phong (Mộ Đức) là một trong những người có nhóm máu hiếm B Rh (D) âm. Năm 2014, lúc đang là sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (TP.Hồ Chí Minh), Tuyết tham gia hiến máu tình nguyện tại trường. Vài ngày sau, Tuyết nhận điện thoại từ Bệnh viện (BV) Huyết học - Truyền máu thông tin rằng Tuyết có nhóm máu B Rh (D) âm.
Lần đầu nghe đến Rh (D) âm, cô sinh viên bỡ ngỡ chưa hiểu nhóm máu hiếm là gì. Sau đó, Tuyết tham gia, kết nối với các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) nhóm máu hiếm miền Nam. Cô gái có vóc dáng nhỏ con đến từ Quảng Ngãi còn là thành viên năng nổ trong Ban chủ nhiệm CLB.
Mỗi lần CLB nhóm máu hiếm miền Nam giao lưu, giới thiệu thành viên mới, Ban chủ nhiệm mời các bác sĩ có chuyên môn tại các BV Chợ Rẫy, BV Huyết học - Truyền máu, Trung tâm Hiến máu nhân đạo tại TP.Hồ Chí Minh đến tư vấn kiến thức bảo vệ sức khỏe, cơ chế hiến máu, vấn đề bất đồng nhóm máu với con khi mang thai lần thứ 2 đối với phụ nữ có nhóm máu hiếm... giúp các thành viên hiểu hơn về nhóm máu hiếm của mình.
Đến nay, Tuyết đã 7 lần hiến máu. Tuyết kể lại, có lần vào năm 2019, Tuyết còn làm việc ở TP.Hồ Chí Minh về thăm quê nhà, cô gái nhận được điện thoại từ một người ở huyện Bình Sơn nhờ hiến máu cứu mẹ bị bệnh thận đang điều trị tại BV Đa khoa tỉnh.
“Thông qua các CLB nhóm máu hiếm, mọi người biết tôi đang ở quê nên liên hệ. Khi ấy, vì chưa rành đường đi, tôi đã nhờ bạn chở từ quê ra BV Đa khoa tỉnh để kịp thời hiến máu cho người bệnh. Sau này, có dịp người nhà vào TP.Hồ Chí Minh, tôi còn kết nối, giới thiệu người nhà bệnh nhân với các thành viên có nhóm máu hiếm”, Tuyết chia sẻ.
Năm 2021, Tuyết quyết định về quê lập nghiệp, sinh sống. Từ đó đến nay, Tuyết luôn tích cực kết nối, chia sẻ thông tin với những người có cùng nhóm máu hiếm trong tỉnh và khu vực miền Trung.
Lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen các tập thể có thành tích tiêu biểu trong công tác hiến máu tình nguyện. Ảnh: BẢO HÒA |
Một trong những hạnh phúc của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) Phan Nguyễn Anh Kiệt (35 tuổi), chính là kịp thời hiến máu cứu người. Anh Kiệt cho biết, năm 2014, lần đầu tiên tham gia hiến máu tình nguyện, anh kiên nhẫn ngồi chờ rất lâu đợi đến lượt mình. Mười ngày sau, anh nhận thông báo từ BV, anh có nhóm máu A Rh (D) âm.
“Lúc ấy, tôi rất ngạc nhiên vì chưa từng nghe đến nhóm máu hiếm. Các bác sĩ đã tư vấn tôi chú ý giữ gìn sức khỏe. Thay vì tham gia hiến máu tình nguyện, tôi “để dành” hiến máu cho các trường hợp cấp cứu, đột xuất. Từ trước đến nay, tôi hiến máu 5 lần, chủ yếu hiến máu cho các sản phụ có nhóm máu hiếm”, anh Kiệt chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Dung (36 tuổi) hiện là nhân viên tại BV Đa khoa Đặng Thùy Trâm. Chị Dung biết mình thuộc nhóm máu hiếm khi tình cờ xét nghiệm máu lúc là sinh viên năm cuối. Chị Dung đã có 3 lần hiến máu, trong đó 2 lần chị từ TX.Đức Phổ chạy xe máy ra đến TP.Quảng Ngãi để hiến máu.
Lần mới đây nhất, chị đưa con gái học lớp 5 đi thi Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh tại TP.Quảng Ngãi, đến nơi, chị nhận điện thoại từ BV Đa khoa tỉnh có bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm lên lịch mổ, nhưng còn chờ máu dự phòng. Vậy là chị Dung vội đến BV hiến 250ml máu, giúp BV dự trữ máu cho bệnh nhân lúc cần thiết. Với chị Dung, đó là kỷ niệm vui “một công đôi việc” khi con đi thi, mẹ đi hiến máu. Hôm đó, con chị đi xe ô tô cùng đoàn, còn chị đi xe máy theo sau. Hiến máu xong, chị lại chạy xe máy về lại TX.Đức Phổ.
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, toàn tỉnh có 66 người thuộc nhóm máu hiếm Rh (D) âm phát hiện thông qua các hoạt động hiến máu, khám bệnh và điều trị tại tỉnh. Với những người có nhóm máu hiếm, họ luôn có ý thức cao trong việc gìn giữ, chăm sóc sức khỏe. Bởi khi không may xảy ra sự cố như tai nạn mất nhiều máu, phẫu thuật, không phải lúc nào bệnh viện cũng có sẵn nhóm máu hiếm. Quan trọng hơn nữa, để bản thân đủ sức khỏe, sẵn sàng hiến máu trong các tình huống nguy cấp.
Theo kế hoạch, tại lễ phát động “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4” năm 2024 do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức, sẽ ra mắt CLB Nhóm máu hiếm Rh (D) âm tỉnh Quảng Ngãi.
Cán bô, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia hiến máu. Ảnh: PV |
Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Thị Thuận - Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh cho hay, những người có nhóm máu hiếm Rh (D) âm chỉ chiếm 0,1% trong dân số, đặc biệt có những nhóm máu cực kỳ hiếm chỉ có 0,05%. Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những người giàu lòng nhân ái trong cộng đồng. Điều đáng trân quý là những người có nhóm máu hiếm luôn sẵn sàng hiến máu để cứu người.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ sức khỏe, điều kiện để hiến máu, nên có những trường hợp người bệnh cần máu, để tìm người truyền máu rất khó. Việc kết nối, thành lập CLB những người có cùng nhóm máu hiếm rất cần thiết, không chỉ là hoạt động kết nối, hỗ trợ trong những người có nhóm máu hiếm, mà còn góp phần quan trọng vào cứu chữa người bệnh.
Phong trào hiến máu trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Ảnh: BẢO HÒA |
TIN, BÀI LIÊN QUAN: