[Emagazine]. Nét độc đáo từ những con thuyền

16:28, 07/04/2024
.
 
 

Ở các vùng cửa biển Sa Kỳ, Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi); xã Bình Châu (Bình Sơn); cửa biển Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) và đảo Lý Sơn... có một thời gian khá phồn thịnh, gắn với văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa vào khoảng thế kỷ thứ II đến thế kỷ X. Sau đó, trải qua thăng trầm lịch sử, các cửa biển này đã có một giai đoạn giao thương theo “con đường tơ lụa trên biển” khá sầm uất. Thích Đại Sán (1633 - 1704) ghi chép trong “Hải ngoại ký sự” về việc các chúa Nguyễn rất chú trọng đến việc đóng tàu thuyền, vào cuối thế kỷ XVII để giao thông ở Đàng Trong: “Các phủ đều không có đường lối thông nhau, mỗi phủ đều do một cửa biển đi vào, nếu đi từ phủ này đến phủ khác thì phải đi bằng đường biển”.

Tàu thuyền ở cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Ảnh:  ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Tàu thuyền ở cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã từng thống kê số lượng ghe thuyền của từng địa phương ở miền Trung: “Như thuyền ghe vào năm Mậu Tý (1768), phủ Triệu Phong có 40 chiếc, phủ Quảng Bình 10 chiếc, phủ Thăng Hoa 50 chiếc, Điện Bàn 3 chiếc, Quảng Ngãi 60 chiếc, Diên Khánh 32 chiếc, Bình Thuận 45 chiếc”. Cần phải có nhiều thuyền để đáp ứng nhu cầu đi lại ở Đàng Trong, cũng như xây dựng thủy binh để phòng thủ bờ biển, xác lập chủ quyền, khai thác sản vật ở Bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) và quần đảo Trường Sa (Bắc Hải)...

 

Ghi chép khá sớm về tàu, thuyền xưa của cư dân Quảng Ngãi là sách "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn khi nhắc đến “chiếc ghe câu” hay gọi là “điếu ngư”, “tiểu điếu ngư”, một loại phương tiện đưa lính Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt nhiều thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX). Ghe câu là phương tiện đi biển, chạy bằng sức gió, cấu tạo có 3 cột buồm, chiều dài từ 12 - 15m, chiều rộng từ 3 - 3,5m, chiều cao khoảng 2m, sức chở từ 8 - 10 người và khoảng 5 - 6 tấn hàng hóa.

      

 

Trong các loại thuyền dân gian ở Quảng Ngãi, nổi trội nhất là thương thuyền, còn gọi là thuyền bầu hoặc ghe bầu, loại ghe này có lịch sử truyền thống lâu đời, từ thời Nhà Lý, thế kỷ XI cho đến nửa đầu thế kỷ XIX. Theo Địa chí Quảng Ngãi, ghe bầu được cư dân ven biển ở các vùng Bình Dương, Bình Đông, Bình Hải (Bình Sơn), vùng Mỹ Á, Sa Huỳnh, Phổ An (TX.Đức Phổ) và đảo Lý Sơn sử dụng phổ biến nhất. Ghe bầu có chiều dài khoảng 24 - 25m, chiều rộng từ 7- 8m, chiều cao của khoan giữa dài 4,5 - 5m. Sức chở của ghe bầu từ  35 - 40 tấn hàng hóa, có loại ghe lớn hơn chuyên chở từ 80 - 100 tấn hàng hóa. Ghe bầu chạy được nhờ sức gió và tùy thuộc vào điều kiện thời tiết để ghe có thể chạy nhanh hay chậm. Cấu tạo trên ghe bầu có 3 cột buồm, một cột buồm mũi gọi là buồm ưng, một cột buồm giữa hay gọi là buồm lòng, buồm cái và một buồm lái hay gọi là buồm cạnh lái. 

 
 

Theo lịch trình, ghe bầu chở các loại hàng hóa như cá, mực, mắm, đường, quế, gai nhợ vào Biên Hòa (Đồng Nai), có ghe theo sông Sài Gòn để vào Gia Định, có ghe lại xuống Châu Đốc (An Giang) đến Long Xuyên, Hà Tiên, có khi qua tận Nam Vang (Campuchia) để mua bán. Sau đó, các ghe bầu mua lương thực như gạo, sành sứ, quần áo, vải... về bán lại cho người dân xứ Quảng. Có ghe về đến Quảng Ngãi rồi mua các hàng hóa khác chạy ghe ra các tỉnh ngoài Bắc như: Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Nam Định, Quảng Ninh để bán, hoặc chở hàng thuê cho các lái buôn. Mỗi chuyến đi của lái buôn ghe bầu thường mất khoảng 8 - 10 tháng. Cũng chính những tiện lợi của chiếc ghe bầu mà dưới thời Chúa Nguyễn rồi đến Nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã lập ra hơn 95 tượng cục liên quan đến việc đóng tàu thuyền như: “Cục thợ đóng thuyền, cục thợ sửa chữa tàu thuyền, cục thợ xẻ ván làm thuyền, cục thợ sơn thuyền...”. Một số thợ mộc, thợ nề đóng thuyền ở Quảng Ngãi được điều về kinh thành Huế để tham gia vào các tượng cục do triều đình quản lý.

 

Một số loại thuyền khác được cư dân ven biển, đảo Quảng Ngãi sử dụng khá phổ biến, đó là thuyền nan dáng tròn, còn gọi là thúng. Thúng có đường kính từ 1,5 - 2m, chiều cao 0,6 - 0,8m. Một loại thuyền nan khác có dáng thon dài khoảng 3m, chiều rộng 0,8m, mê thuyền dùng tre đan, phần trên là be ván.

Thuyền nan dài, cũng như thuyền thúng tròn được sử dụng như một phương tiện dùng để hỗ trợ cho các thuyền lớn, như chở ngư dân, vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm từ bờ ra thuyền khi thuyền neo ngoài khơi, hỗ trợ khi thuyền lớn đánh bắt hải sản. Thuyền nan và thuyền thúng di chuyển được nhờ mái chèo ganh trên vành có dây thoắt, do một người chèo. Thuyền nan và thuyền thúng đều do những người thợ giỏi nghề biển dùng tre cật để đan, bên ngoài trét dầu rái chống thấm nước.

Thuyền neo đậu tại vùng biển 
xã Bình Châu (Bình Sơn). Ảnh: VƯƠNG QUỐC
Thuyền neo đậu tại vùng biển xã Bình Châu (Bình Sơn). Ảnh: VƯƠNG QUỐC

Môi trường biển đảo, sông nước luôn là những thách thức để cư dân Quảng Ngãi thích ứng, thay đổi cho phù hợp với điều kiện sinh tồn, vì thế mà cấu tạo tàu thuyền cũng khác nhau cho phù hợp với sự phát triển. Việc bảo tồn các xưởng đóng tàu hay phục dựng các loại tàu thuyền truyền thống cũng là góp phần vào việc học tập, nghiên cứu lịch sử, văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi.

Nội dung: VÕ MINH TUẤN
Trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 16:28, 07/04/2024