(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Tư, hoa sầu riêng nở trắng muốt. Đây cũng lúc các nhà vườn ở huyện Nghĩa Hành miệt mài chăm sóc “se duyên, triển quả” cho sầu riêng với hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu.
Đưa tôi dạo quanh vườn sầu riêng ở hố Tổ Đỉa, thôn Phú Lâm Tây (Hành Thiện), anh Đinh Văn Hạnh nói vui rằng, "tôi ở vườn sầu riêng nhiều hơn ở nhà. Thời gian sầu riêng nở hoa đơm quả, tôi phải thức chăm sầu riêng cả đêm”. Khu vườn nhà anh Hạnh là quả đồi thoai thoải, rộng 0,5ha, ngoài cau, tiêu và sả còn có 40 cây sầu riêng giống Mong Thong đã bước qua năm thứ 5. Mùa nắng nóng, sầu riêng lại đang trổ hoa nên anh Hạnh ở vườn đồi từ sáng sớm đến tối mịt để chăm cây.
Anh Hạnh bảo, sầu riêng nở hoa về đêm và rụng chỉ sau vài giờ tỏa hương khoe sắc, nên việc thụ phấn tự nhiên (nhờ ong, côn trùng) chưa đạt cả về số lượng lẫn chất lượng quả. Vậy nên, đến mùa sầu riêng nở hoa, cũng là lúc chủ vườn phải tất bật thụ phấn bổ sung cho hoa từ chập choạng tối đến nửa đêm.
Anh Đinh Văn Hạnh, ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) theo dõi tỷ lệ đậu trên cây sầu riêng. |
Trời nhá nhem tối, hoa sầu riêng bắt đầu bung nở từng chùm trắng ngà, đẹp mắt, tỏa hương thơm dịu ngọt. Lúc này, anh Hạnh mang đèn pin, cầm chổi lông mềm lăn nhẹ dưới từng khóm hoa sầu riêng, rồi nhẹ nhàng di chuyển chổi để sao cho hạt phấn đã chín của hoa này rơi trên đầu nhụy của hoa khác. Cứ thế, anh Hạnh kiên nhẫn lặp lại các động tác, đến khi phấn hoa dính đều vào đầu nhụy của tất cả khóm hoa thì công việc “se duyên” ở cây đó mới kết thúc. Trời càng tối, hoa nở càng nhiều, vườn sầu riêng bắt đầu được khuấy động bởi tiếng vo ve của đàn ong.
“Đàn ong nuôi ở rẫy trên bám theo hương thơm bay về hút mật, cũng là giúp thụ phấn cho hoa sầu riêng. Số lượng ong ít, trong khi hoa sầu riêng chỉ nở rộ trong khoảng 15-20 ngày nên mình vẫn phải tranh thủ thụ phấn bổ sung. Chứ khi hoa nở lác đác thì việc thụ phấn bổ sung tốn nhiều thời gian, mà hiệu quả không cao”, anh Hạnh giải thích.
Rời vườn sầu riêng nhà anh Hạnh khi trời đã tối mịt, tôi tìm đến vườn sầu riêng của gia đình ông Võ Duy Chánh, ở thôn Tân Lập (Hành Nhân). Gần 20 giờ, bóng tối bao trùm, đồi Gò Quán vắng tanh. Loay hoay tìm mãi tôi mới đến đúng vườn nhà ông Chánh qua “đặc điểm nhận diện” là những đốm sáng nhỏ lóe lên và thường xuyên di chuyển trên các ngọn cây. Đốm sáng ấy là ánh đèn pin của vợ chồng ông Chánh cùng 2 người con đang thụ phấn bổ sung cho hoa sầu riêng.
Ông Võ Duy Chánh, ở thôn Tân Lập, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) thụ phấn bổ sung cho hoa sầu riêng vào ban đêm. |
Ông Chánh cho biết, thụ phấn bổ sung là kỹ thuật giúp gia tăng tỷ lệ đậu quả cũng như chất lượng quả sau này. Công việc không khó, nhưng tốn thời gian và nhọc vì phải thực hiện vào ban đêm, lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, nếu không dễ làm gãy vòi nhụy hoặc làm rụng hoa nhiều, dẫn đến tỷ lệ đậu quả giảm. Bây giờ, ong, bướm không còn nhiều như trước nên việc thụ phấn tự nhiên không đạt, lắm lúc hoa nở trắng cây nhưng chỉ đậu 2 - 3 quả, mà quả cũng méo mó, múi ít cơm mỏng. Vậy nên chủ vườn phải theo dõi kỹ, nắm bắt chính xác thời gian hoa sầu riêng nở rộ, tiến hành thụ phấn bổ sung liên tục từ 15 - 20 ngày để khắc phục tình trạng "hoa nhiều, quả ít".
Vườn nhà ông Chánh có 140 cây sầu riêng giống Mong Thong vừa bước qua năm thứ 7, trong đó có hơn 117 cây sầu riêng đang ra hoa. Từ giữa tháng 4 đến nay, 4 người trong gia đình ông Chánh cặm cụi thụ phấn bổ sung cho hoa từ 18 giờ đến tận nửa đêm. Vợ chồng ông Chánh làm những cây có tán thấp, 2 người con trai đảm nhận các cây cao vì phải leo lên cây, cẩn thận xem xét từng cành và dùng sào dài mới có thể quét hết những khóm hoa.
“Ban đêm lúi húi se duyên cho sầu riêng. Ban ngày thì phơi mình ngoài nắng nóng để canh nước, chọn quả”, bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn Phú Lâm Tây (Hành Thiện) bày tỏ. Khi tỷ lệ đậu quả đạt từ 80% trở lên, chủ vườn dừng việc “se duyên”, chuyển sang triển quả - tức là loại bỏ dần những quả méo mó, biến dạng.
Việc triển quả sầu riêng đòi hỏi chủ vườn phải dày dạn kinh nghiệm, để chọn được nhiều quả có hình dạng cân đối, thuôn dài, đều hộc và phân bố đều ở từng cành. Có như vậy thì quả sầu sau này sẽ đạt chất lượng hơn, múi đều, cơm dày và trọng lượng cân đối. Bà Liên cho biết, vụ sầu riêng năm ngoái, 170 cây sầu riêng của gia đình tôi nở ít hoa, tỷ lệ đậu quả thấp, chất lượng quả không cao.
Bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) thực hiện thao tác thụ phấn bổ sung cho sầu riêng. |
Nỗi lo của người trồng sầu riêng không ai giống ai. Người lo quả to, người sợ quả méo, sợ cây thiếu nước... Anh Trần Quốc Vương, ở thôn Trường Lệ (Hành Tín Đông) bảo rằng, chẳng ai “vô lý” như người trồng sầu riêng, vừa trông trời nắng, lại mong mưa nhẹ. Bốn mươi gốc sầu riêng của gia đình tôi đang trổ hoa, nên mong trời nắng đến giữa tháng 5 để hoàn tất việc thụ phấn bổ sung, gia tăng tỷ lệ đậu quả. Tuy nhiên, sầu riêng là cây chịu hạn kém, nếu nắng nóng kéo dài thì số cây ấy cùng 60 gốc sầu riêng vừa bén đất có nguy cơ khô héo, rụng trái non vì thiếu nước.
Với người trồng sầu riêng, nỗi ám ảnh nhất là nước. Nước phải vừa đủ, nếu thiếu hay thừa cũng sẽ khiến sầu riêng rơi hoa, rụng quả. Vậy nên những lúc nắng hạn kéo dài, giếng khô suối cạn, vợ chồng tôi phải gánh từng xô nước để tưới cho cây. Mùa mưa thì chống cây, chằng nhánh, che gốc. Vất vả, nhọc nhằn vô cùng.
Nhìn những vườn sầu riêng xanh ngút ngàn của gia đình anh Vương, hay đồi sầu riêng nhà bà Liên, anh Hạnh khiến tôi nhớ lại hình ảnh xơ xác của khu vực này gần 4 năm trước. Đó là sau cơn bão số 9 năm 2020, các vườn cây chôm chôm, sầu riêng ở đây ngã đổ, bật gốc nằm la liệt. Bão qua đi, người dân cặm cụi đỡ từng cây, cần mẫn chăm từng gốc những mong cứu được những cây sầu riêng đã 2, 3 năm tuổi. Không phụ lòng người, cây sầu riêng đã dần hồi sinh, đơm hoa kết quả, góp phần làm giàu cho nông dân ở vùng đất Nghĩa Hành.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: