[Emagazine]. Cho rừng mãi xanh

06:28, 01/04/2024
.
 

 

(Báo Quảng Ngãi)- Với tình yêu thiên nhiên vô bờ bến và được hưởng lợi dưới tán rừng, bao đời nay, người dân thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) luôn gắn bó, bền bỉ bảo vệ rừng để những cánh rừng nơi đây mãi mãi xanh tốt.

 

Sau gần 3 tiếng đồng hồ vượt qua tuyến đường quanh co, uốn lượn trong cơn mưa phùn lất phất, chúng tôi mới đến được chân núi Cà Đam ở thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng). Gần 10 giờ sáng, quần thể núi Cà Đam như còn chìm trong giấc ngủ, bởi màn sương dày đặc, mờ ảo. Men theo tuyến đường mòn nhỏ, chúng tôi tìm đến khu rừng do người dân thôn Quế nhận khoán bảo vệ. Đường đến "cửa rừng" chi chít các loại cây, đan xen với nhau như tấm phên ngăn rừng phòng hộ với bên ngoài. Dẫn chúng tôi vào rừng, Trưởng thôn Quế Hồ Quang Tạo chặt cây phát cho từng người làm gậy để tiện vượt dốc. Vừa dùng rựa phát cây bụi để mở đường, anh Tạo vừa dặn dò, rừng âm u, đường trơn dốc đứng, người sau nhớ theo bước chân người đi trước. Mưa ẩm nên vắt nhiều, mọi người cẩn thận...

Cùng với người dân thôn Quế, xã Trà Bùi, lực lượng kiểm lâm huyện Trà Bồng góp sức bảo vệ, gìn giữ gần 400ha rừng phòng hộ vẹn nguyên.
Cùng với người dân thôn Quế, xã Trà Bùi, lực lượng kiểm lâm huyện Trà Bồng góp sức bảo vệ, gìn giữ gần 400ha rừng phòng hộ vẹn nguyên.

Càng đi, rừng càng âm u bởi mây mù, sương dày bao phủ, gió buốt lạnh. Sau khi lội qua con suối, luồn qua vạt cây tam thất và sâm 7 lá do người dân thôn Quế ươm trồng dưới tán rừng, tôi giật thót mình khi nhìn thấy một "con rắn" đen tuyền vắt vẻo trên thân cây ngay trước mặt. “Không phải rắn. Cô đừng sợ!”. Anh Tạo vừa nhặt “con rắn” bẻ đôi để trấn an tôi, vừa bảo nhiều cây to, thân xù xì đều có “con rắn” đen này đeo bám trên thân, dưới gốc hoặc rễ. Người dân cũng không biết chính xác vật này là nốt sần, đường vân hay bộ phận phụ của cây. Chỉ biết rằng nó có mùi thơm như cây tam thất, nên người dân có thể sử dụng để nấu nước uống.

Cây dỗi hơn 50 năm tuổi, đường kính gốc khoảng 1m đứng uy nghi giữa đại ngàn.
Cây dỗi hơn 50 năm tuổi, đường kính gốc khoảng 1m đứng uy nghi giữa đại ngàn.

Mỗi khi vượt qua những con dốc trơn trượt, chúng tôi lại tận mắt nhìn thấy những cây gỗ quý với thân cây to cao hơn, uy nghi hơn. Từ cây sến, dẻ vươn cao thẳng tắp; đến chò, dỗi, quế với gốc cây, thân cây to lớn đến vài người ôm mới xuể. “Gắng vượt qua con dốc này, mọi người sẽ gặp cây đặc biệt”, anh Tạo động viên. Chúng tôi hồ hởi, bước chân nhanh hơn. Vừa băng qua con dốc cao dựng đứng, tôi thấy ngay một cây dỗi sừng sững và bề thế giữa đại ngàn. Thân dỗi to, đường kính phải đến 3 người nắm tay nhau ôm mới xuể. Bộ rễ chắc khỏe quanh gốc trườn lên mặt đất như những con rắn hổ mang. Cây cao chót vót, dù đã lùi ra xa, chúng tôi vẫn không thể nhìn rõ ngọn. “Chẳng ai biết chính xác tuổi thọ của cây dỗi này. Từ nhỏ, khi theo cha mẹ lên rừng, tôi đã nhìn thấy cây dỗi này đứng ở đó”, vừa vuốt ve thân cây, ông Hồ Văn Trung, người có uy tín ở thôn Quế góp chuyện.

 Nhờ được người dân thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) bảo vệ, gìn giữ nên rừng phòng hộ đầu nguồn ngày càng xanh và dày.
Nhờ được người dân thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) bảo vệ, gìn giữ nên rừng phòng hộ đầu nguồn ngày càng xanh và dày.

Mặt trời lên đến đỉnh đầu, cũng là lúc sương dần tan, tia nắng mới xuyên qua khe hở của cây rừng. Nhưng cánh rừng chưa kịp được mặt trời chiếu sáng hết đã vội chuyển màu âm u, bởi một trận mưa rào bất chợt, hạt mưa xen qua kẽ lá rơi xuống đất. “Rừng dày và già, cây cối chằng chịt phân tầng chia lớp nên hạt mưa đâu còn nguyên vẹn để mà chạm đất. Vậy nên chúng tôi thường bảo với nhau rằng nước ở đây rất quý, vì chúng được góp nhặt qua từng khe lá, ngọn cây trước khi tích tụ ở rễ”, ông Trung phân tích. Đúng như lời ông Trung, càng ra xa rừng phòng hộ, xa cây gỗ lớn thì hạt mưa dường như lớn dần, cơn mưa cũng có vẻ xối xả hơn. Ngồi dưới gốc cây chò có tuổi đời ngót nghét 50 năm tuổi, ông Trung kể rằng, nương náu, mưu sinh dưới tán rừng, người dân thôn Quế hiểu rõ “tính cách” của rừng nên rất yêu quý và gìn giữ rừng. Thế nên, dẫu cuộc sống còn nhiều gian khó, thiếu thốn đủ bề nhưng ngót 14 năm qua, gần 400ha rừng mà người dân thôn Quế nhận bảo vệ chưa một lần bị tổn hại. Qua năm tháng, rừng cứ thế mà xanh lên và dày thêm. Cây đa tầng, thảm thực vật đa lớp khép tán của rừng như tấm khiên che chở 59 nóc nhà của người dân nơi đây.

 
 

Đến với rừng Cà Đam, tôi cảm nhận được nghĩa tình của người dân thôn Quế dành cho rừng. Nhìn cái cách ông Trung, ông Thống, hay anh Đà, anh Tạo vuốt ve thân cây như bạn bè thân thiết, tôi thấu cảm sự hòa mình giữa người dân nơi đây với thiên nhiên mộc mạc, thuần khiết. Anh Tạo bộc bạch, lúc nhỏ tôi thường theo cha lên rừng để bẻ măng, tìm cây thuốc, hái quả rừng. Mỗi khi tôi khoe chiến lợi phẩm thu được từ rừng, cha luôn dặn tôi: "Rừng đã nuôi sống, cưu mang đồng bào dân tộc Cor qua bao thế hệ. Vì thế, giữ rừng là giữ nhà, giữ nồi cơm của mình. Không ai được tự ý chặt cây, nếu chưa được già làng và các cấp, các ngành cho phép". Lời dạy ấy, việc làm ấy được anh Tạo cũng như mọi người ở đây chấp hành, thực hiện tốt qua bao năm tháng.

 

Câu chuyện của chúng tôi càng sôi động hơn khi những người bạn không hẹn mà gặp - lực lượng kiểm lâm huyện Trà Bồng đang tuần tra bảo vệ rừng. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng Phan Cao Thế chia sẻ, không thể đong đếm được công sức giữ rừng của người dân thôn Quế suốt bao năm qua. Mặc dù mức hỗ trợ cho công tác khoanh nuôi bảo vệ chưa cao (400 nghìn đồng/ha/năm - PV) nhưng 59 hộ dân ở thôn Quế luôn đồng tâm giữ rừng, ngăn chặn những đối tượng lâm tặc có ý định chặt phá rừng, trộm cây gỗ quý. Để rồi khu rừng nơi thôn Quế nói riêng, quần thể núi Cà Đam nói chung ngày càng xanh và dày, trở thành “ngôi nhà” lớn nhiều loại cây dược liệu có giá trị lớn trong y học như: Sâm 7 lá, quế cổ thụ, nghệ bay, sâm cau, thiên niên kiện, chè dây, huyết bò hay tam thất... Rừng cũng bao bọc, chở che người dân thôn Quế qua dòng nước mát trong chưa bao giờ cạn kể cả mùa nắng nóng, hay kết đất giữ cây ngăn đá trôi, núi lở. Rừng cũng “vọng ơn” người dân qua các loại sản vật, lâm sản từ mật ong, chè xanh đến cây rau xanh tốt, lúc lỉu quả.

 

Mải mê với nhiều câu chuyện, chúng tôi ra đến bìa rừng khi mặt trời dần khuất sau đỉnh núi. Trong chớp mắt màu trời sẫm lại, núi Cà Đam dần khuất lấp trong màn sương đêm. Những nóc nhà ở thôn Quế cũng dần mờ ảo bởi sương mù vây phủ. Bìa rừng cũng nhộn nhịp tiếng nói cười rôm rả của các bà, các mẹ bên những gùi chè xanh mướt, thêm vài bó gừng gió, ít quả su su căng tròn. Gió luồn qua kẽ lá lao xao, xì xào như tiếng vọng phát ra từ rừng, cũng là tiếng lòng của người dân thôn Quế dành cho rừng. 

Trưởng thôn Quế Hồ Quang Tạo bên cây chò hơn 40 năm tuổi.
Trưởng thôn Quế Hồ Quang Tạo bên cây chò hơn 40 năm tuổi.

“Mỗi người dân ở thôn Quế xem mình như một cái cây trong rừng để tự chăm bón, giữ gìn. Cây lớn che chở, tạo bóng mát cho những cây con phía dưới lớn lên xanh tốt, để rừng mãi xanh”, già Trung nói khi chia tay chúng tôi.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Trình bày: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 06:28, 01/04/2024