[Emagazine].Ngành Thủy sản khẳng định vị thế

08:29, 29/03/2024
.
 
 

Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà (Quảng Ninh). Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng phát triển của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo ngư dân các tỉnh ven biển, ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173-TTg về việc lấy ngày 1/4 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

 
 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, 65 năm qua, cùng với cả nước, ngành Thủy sản tỉnh đã đạt được nhiều thành quả, bứt phá vượt bậc, nhất là từ sau ngày tái lập tỉnh (1/7/1989). Sản xuất kinh doanh thủy sản đã chuyển biến vượt bậc theo hướng nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân khu vực ven biển. Năm 2023, giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 3,1% (cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp). Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt trên 284,7 nghìn tấn (thủy sản khai thác đạt trên 273,4 nghìn tấn), gấp 16,85 lần so với năm 1989). Qua đó, nâng cao đời sống vật chất cho người dân ở các vùng ven biển và nông thôn, vừa cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến; đồng thời thúc đẩy dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển theo hướng chế biến sâu, tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm.

Tuy khó khăn, nhưng nghề biển vẫn là nghề tạo việc làm, mang lại thu nhập cho một bộ phận lớn người dân ven biển.
Tuy khó khăn, nhưng nghề biển vẫn là nghề tạo việc làm, mang lại thu nhập cho một bộ phận lớn người dân ven biển.
Nhộn nhịp mua bán cá tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). 
Nhộn nhịp mua bán cá tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). 

Từ vài ba điểm thu mua nhỏ lẻ năm 1989, đến năm 2023, toàn tỉnh đã có gần 100 cơ sở, doanh nghiệp (DN), nhà máy chế biến thủy sản các loại, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, có 28 DN chế biến thủy sản có nguồn gốc từ thủy sản khai thác và tôm nuôi, với tổng công suất thiết kế trên 30 nghìn tấn/năm và 72 cơ sở chế biến các sản phẩm, như: Chả cá, chả mực, thủy sản khô, thủy sản rim, nước mắm... Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP và được người tiêu dùng đánh giá cao, khẳng định thương hiệu và giá trị trên thị trường, từng bước gia tăng thị phần tiêu thụ nội địa và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, có 14 DN (chủ yếu tại KCN Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi) đầu tư dây chuyền, công nghệ và thiết bị đẩy mạnh sản xuất, chế biến các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao, như: Cá phi lê, cá nguyên con, tôm nguyên con đông lạnh và tôm tẩm bột chiên sơ, mực khô, cá khô... để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ đó góp phần thúc đẩy ngành chế biến thủy sản phát triển theo chiều sâu, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh, với khoảng 30 triệu USD trong năm 2023.


Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú).
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú).

Giám đốc Công ty TNHH MTV Kita (TP.Quảng Ngãi) Trương Thị Ly cho biết, không chỉ hỗ trợ DN xây dựng chuỗi sản phẩm thủy sản an toàn, tạo điều kiện để DN tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, ngành nông nghiệp còn hướng dẫn DN xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản. Nhờ đó, DN điều chỉnh hướng sản xuất, để sản phẩm phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường, được hệ thống siêu thị cũng như sàn thương mại điện tử phân phối, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm cũng như sản lượng tiêu thụ.

 

Trên cơ sở Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện cơ cấu lĩnh vực thủy sản đến năm 2025 với nhiều mục tiêu quan trọng. Cụ thể, đến năm 2025, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 6 - 7%/năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 272 nghìn tấn (trong đó thủy sản khai thác ổn định ở mức 260 nghìn tấn). Số lượng tàu thuyền khai thác giảm còn 4.500 chiếc. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.400ha, trong đó nuôi nước lợ 900ha và nuôi trên biển khoảng 2.000 lồng nuôi. Hình thành 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Có 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định của Nhà nước.

 

Thực hiện mục tiêu trên, Sở NN&PTNT đẩy mạnh cơ cấu lại nghề cá phát triển theo hướng bền vững qua việc kiểm soát chặt chẽ giấy phép, hạn ngạch khai thác gắn với sắp xếp lại ngành, nghề, số lượng phương tiện đảm bảo phù hợp với thực tế và ngư trường. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành thủy sản gắn với Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Đến nay, số lượng tàu cá toàn tỉnh giảm từ 5.700 chiếc xuống còn 4.242 chiếc, trong đó có 3.098 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi. Tỷ lệ tàu hành nghề lưới kéo (nghề đang bị cấm khai thác) giảm từ 33% còn 29,4% (1.248 chiếc). Triển khai nuôi trồng thủy sản tại 17 hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong tỉnh, góp phần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản, nhằm đáp ứng nhu cầu, năng lực chế biến của các DN trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày càng lan tỏa, được cộng đồng và người dân tích cực tham gia.
Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày càng lan tỏa, được cộng đồng và người dân tích cực tham gia.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, song song với tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ các DN, chuỗi sản xuất thủy sản có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Qua đó vừa phát triển vừa điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị, gắn với kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản ở tất cả các công đoạn sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, tổ chức thực hiện hoặc chuyển đổi những địa điểm tiềm năng sang nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Qua đó từng bước bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, hạn chế đến mức thấp nhất sự suy giảm về đa dạng sinh học, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. 

Xuất bản lúc: 08:29, 29/03/2024