(Emagazine). Văn hóa thưởng thức trà

14:08, 17/02/2024
.
 
 
 

Theo sách "Văn minh Trà Việt" của Trịnh Quang Dũng, chè là âm đọc dân gian của người Việt, trà là cách đọc âm Hán - Việt từ chữ “Chá: Cây chè” chỉ sản phẩm đã qua chế biến. Chính sự giao lưu, tiếp biến Việt - Hoa mà thuật ngữ  “chè” và “trà” được người Việt sử dụng song hành. Cây chè là loài cây thân mộc mọc bụi, hoa nhỏ với những cánh trắng, nhụy vàng, hương thơm dịu ngọt. Theo Laura C.Martin trong cuốn “Lịch sử của Trà, dòng đời và thời đại của loại nước uống được yêu thích nhất thế giới”, cùng với Trung Quốc, Kenya, Srilanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam là một trong 5 quốc gia sản xuất trà lớn nhất thế giới. Những vùng chè được trồng trải dài từ vùng rừng núi Tây Bắc rồi Bắc Trung Bộ đến Tây Nguyên, mang nét đẹp quyến rũ như Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Linh Sơn (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Long Cốc Phú (Phú Thọ), Thanh Chương (Nghệ An)...

 

Ở Quảng Ngãi, qua các nguồn sử liệu cho biết, chè mọc hoang và được trồng nhiều ở các vùng rừng núi Minh Long; Nà Niêu, Cà Đam, Trà Nham (Trà Bồng) và hữu ngạn sông Trà Bồng (Bình Sơn). Quan lớn ở Huế thích dùng loại lá chè xanh này nên gọi là trà Huế. Thời Pháp thuộc, người Pháp chọn tổng Bình Thượng (Bình Sơn) để trồng chè bởi nơi đây có một cái chợ chuyên bán chè Huế, đó là chợ Gò (làng Mỹ Lộc). Bên cạnh đó, những thị tứ sầm uất, nhất là nơi có thương nhân người Hoa cũng chuyên buôn trà như Thu Xà (Cổ Lũy), Thạch An lên nguồn Trà Bồng, Châu Ổ, An Hòa, Kim Thành gần nguồn Sơn Hà, Liên Chiểu (Mộ Đức), Châu Me (Đức Phổ).

 

Ông Lê Thanh Hùng (70 tuổi), ở xã Bình Thanh (Bình Sơn) cho biết, ngày xưa, nhiều gia đình trồng vài cây chè xung quanh nhà. Những cây chè trong vườn nhà tôi đã hơn 20 năm tuổi. Cách uống chè dân dã, phổ biến nhất của người Việt là uống nước chè tươi. Chỉ cần ra vườn hái vài lá chè tươi, rửa sạch, không vò lá, rồi nấu sôi hoặc đem vò sơ rồi hãm kín cùng nước sôi. Với cách làm này, nước chè sẽ ngọt thanh, giữ được màu xanh của lá. Hoặc chè nguyên cành đem giã dập rồi gói kín trong lá chuối tươi đặt trong một chiếc mủng tre khoảng hai tiếng đồng hồ. Ủ như vậy, chè lên men, giữ vị chát, có màu đỏ đậm đặc trưng. Sau đó, chè được trải ra nong phơi khô rồi cất trong hũ sành dùng dần. Ấm đất là dụng cụ pha trà. Người xưa thường uống nước chè tươi trong một bát to bằng gốm, ăn kèm với đường muỗng chặt cục. 

 

Đối với đồng bào Cor, chè vừa là nước uống giải khát vừa là loại thuốc chữa bệnh khi nấu cùng với vỏ cây a-zên. Vào mùa lễ hội, người Cor nấu nước chè tươi trong nồi bung để dùng. Người Cor có nhiều cách chế biến chè: Uống lá chè tươi, hong khô rồi nấu, giã nát lá chè rồi nấu cô đặc thành bánh trà. 

 
 

Thời xưa, thông qua việc thưởng trà, sẽ hình dung được không gian ngôi nhà, vị trí chủ - khách, thứ bậc cao thấp. Vào thời Nguyễn, năm 1837, Tiến sĩ Triều Thanh Thái Đình Lan (1801 - 1859) trên đường hồi hương bị đắm thuyền, trôi dạt vào đảo Cù Lao Chàm và được người dân cứu. Vua Minh Mạng đặt cách cho phép ông về quê bằng đường bộ qua các tỉnh thành từ Quảng Ngãi đến Lạng Sơn. Khi đến Quảng Ngãi, ông được quan chức sắc tiếp đón nồng hậu và mời trà. Sử sách ghi: “...Hai quan lớn đang ngồi giữa sảnh, một vị là Quan bố Chánh là Tôn thất Nguyễn công, một vị quan Án sát Đặng công... Quan thủ sự mời tôi ngồi sập giữa. Giữa nhà đặt một cái sập thấp quay về hướng nam, đó là chỗ ngồi của bậc trên, hai bên tả hữu đều đặt một sập nhìn về hướng tây và hướng đông, bên trái là chủ, bên phải là khách. Nếu có người cùng ngồi, người bậc trên ngồi ngoài, người bậc dưới ngồi trong theo thứ tự”. Trước khi ra về, Quan tuần phủ Nam Ngãi còn tặng cho ông 5 quan tiền và trà bánh.

 

Ngày xưa, người Việt thường uống trà vào 3 buổi: Sáng, trưa và chiều. Trà sáng gọi là chén trà tu thân, dùng độc ẩm (uống một mình) để con người hoàn thiện bản thân trở về với bản ngã “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Trà trưa là chén trà bằng hữu, nhằm thư giãn sau nửa ngày làm việc căng thẳng. Trà chiều là chén trà đoàn viên, kết nối các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, người Việt còn có cung cách Trà Nô, tức xem mình là nô bộc của trà, tự nấu nước pha trà. Một chén trà ngon phải hội tụ bốn yếu tố quan trọng “nhất nước, nhị trà, tam pha, tứ ấm (dụng cụ và cách pha trà)”.

Giếng Xó La (Lý Sơn) và giếng Phật, ở chùa Thiên Ấn (TP.Quảng Ngãi) là hai nguồn ngự thủy tuyệt phẩm vừa trong, nhẹ, ngọt vừa tinh khiết, mát lành nên được dâng lên vua chúa thưởng trà. Trà sĩ siêu hạng Nguyễn Ánh (vua Gia Long) đã dùng nguồn nước giếng Xó La để pha trà khi người ghé đảo Lý Sơn vào cuối thế kỷ XVIII. Chính vì vậy, giếng Xó La còn có tên giếng Vương.

Thưởng thức trà ngày xuân.   ẢNH: TẠ HÀ
Thưởng thức trà ngày xuân. ẢNH: TẠ HÀ

Nhiều việc đại sự cũng thành sau một cuộc trà. Chuyện kể rằng, năm 1945, mến trọng tài năng của Phó bảng Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân mời ông ra giúp nước. Cụ Huỳnh tự tay pha trà mời vị khách đặc biệt. Vừa nhấp ngụm trà, Cụ Hồ mở lời ngỏ ý: “Nghe truyền rằng, chí sĩ miền Trung rất chuộng thi thơ với biệt tài ứng khẩu, không biết tiên sinh có cho tôi được vinh hạnh thưởng thức một bài thơ ứng khẩu về hội kiến hôm nay được chăng... và lấy chủ đề trà làm thi hứng”. Bên bàn trà, mùi hương của trà phảng phất, tiếng nước sôi trên lò lửa, Mính Viên họ Huỳnh trầm ngâm cất giọng: “Trà trà, nước nước buổi hôm mai/ Yêu nước nên ta nhớ nước hoài/ Nâng chén sơn hà nghe nóng nguội... Ai nấy hò nhau... ta quạt nước/ Quạt cho đặng nước để mà xơi!”. Sau buổi thưởng trà ấy, đất nước có một Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa yêu nước thương dân đến hơi thở cuối cùng.

Vào những năm 90, ở Quảng Ngãi chè được bày bán khắp chợ từ quê đến phố, góc đường chợ Quảng Ngãi có cả hàng nước chè tươi. Các bà, các mẹ với chiếc siêu cùng một chiếc bát đi khắp bến xe, nhà ga, chợ Quảng Ngãi bán nước chè dạo.

Từ cổ chí kim, thưởng trà là một nét đẹp văn hóa trong đời sống người Việt. Ngoài cây chè xanh thì chè vối, chè vằng, chè dung... cũng trở thành thức uống dân dã, quen thuộc của nhiều người. Không thể so sánh với Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ hay Lâm Đồng - thủ phủ của những dòng trà nổi tiếng như trà Tân Cương, trà Shan tuyết Suối Giàng, trà Mắc Câu, trà B'lao, trà Ô Long... nhưng với lịch sử trà Quảng Ngãi cũng góp phần khẳng định Việt Nam là cái nôi của cây chè, nghề chè và phát triển cùng với thời gian.

Nội dung: TẠ HÀ
Trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:08, 17/02/2024