Theo dân gian, rồng làm mây, làm mưa, mang lợi ích đến cho muôn loài. Trong đời sống văn hóa Việt, rồng là biểu tượng tôn quý, uy linh, điềm lành. Dân tộc Việt Nam có truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, cha là Lạc Long Quân, mẹ là Âu Cơ, sự tích “Trăm trứng nở trăm con”... là cách giải thích cội nguồn dân tộc thiêng liêng, tự hào. Năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã dặn con cháu phải nhớ nguồn gốc, tổ tiên của mình qua tục xăm hình rồng ở đùi.
Rồng là một trong tứ linh được người dân Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chạm khắc, trang trí trên thuyền vào lễ hội đua thuyền đầu năm mới. |
Rồng là sự kết hợp của nhiều con vật, kết hợp hài hòa giữa mạnh mẽ và hiền lành, giữa uy lực và thiện lương, để cuối cùng tồn tại một thực thể biểu tượng rồng, là linh vật tôn quý cả trong tín ngưỡng thờ phụng, vương quyền, hay đời sống dân dã. Sách “Tầm nguyên từ điển” của tác giả Lê Văn Hòe, do Quốc học thư xã xuất bản năm 1941 ghi rằng: “Rồng có sừng như sừng hươu, đầu lạc đà; mắt như mắt quái vật; cổ rắn; bụng cá sấu, có móng như móng diều hâu, tai như tai bò nhưng lại nghe bằng sừng. Rồng tiêu biểu nhà vua, vẽ chân có 5 móng”. Dáng rồng chỉ có ở bậc hoàng đế, bởi thế triều đại phong kiến có câu “Chân long thiên tử” để chỉ vua. Chuyện kể rằng, tháng 7 năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La (Hà Nội ngày nay), rồng vàng bay lên chào đón nên nhà vua đổi tên Thăng Long từ đó.
Rồng được đắp nổi trên nóc chánh điện chùa Ông, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). |
Trong dân gian, rồng là con vật trong tứ linh: Long, lân, quy, phụng. Thân rồng to khỏe, uốn lượn mềm mại, 12 khúc tượng trưng cho 12 tháng trong năm, gắn liền với nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam. Từ truyền thuyết xa xưa, Ngọc hoàng sai Long vương làm mưa nên trong dân gian có chuyện rồng lấy nước từ biển. Trên bầu trời bao la, mây ngàn luôn di động đa hình đa dạng, cộng với sắc màu biến ảo từ ánh sáng mặt trời chiếu vào... là cơ sở để con người nhìn ra hình ảnh rồng trên trời cao, ẩn hiện trong mây. Mùa dông bão, hay cả mùa nắng lúc trời chuẩn bị nổi mưa, nhìn ra biển đôi khi ta thấy cột mây nối từ trời xuống mặt biển, người ta bảo rồng đang lấy nước và thường sau đó trời mưa to... Năm Giáp Thìn là năm rồng biểu hiện điềm lành, long thăng (rồng bay lên), là niềm vui của đất nước và mọi nhà.
Chúng ta đều biết, long trong tiếng Hán có nghĩa rồng. Theo Lý Lạc Nghị trong sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán”, long là một chữ tượng hình. Chữ này trên giáp cốt văn và kim văn thể hiện hình ảnh con rồng. Từ rồng trong tiếng Việt có họ hàng với chữ long. Về ngữ nghĩa, rồng và long chính là một. Dưới góc nhìn ngữ âm học lịch sử, rồng chính là âm xưa của long. Đây là lý do trong nhiều văn bản chữ Nôm, rồng được viết trực tiếp bằng chữ Hán là long. Về từ thìn, đây là tên của chi thứ 5 trong thập nhị địa chi, tương ứng với con giáp rồng. Trong văn hóa Á Đông, tháng Thìn là tháng Ba âm lịch, giờ Thìn ứng với khoảng thời gian từ 7 - 9 giờ sáng. Thìn/thần còn có nghĩa “ngày, giờ”. Đây chính là chữ thần trong sanh thần với nghĩa tương đương sinh nhật mà các bạn trẻ gần đây hay dùng.
Trong tiếng Việt có một số từ mang yếu tố long với nghĩa là rồng. Nhiều sự vật được gọi tên dựa theo đặc điểm liên quan đến hình dáng, tính chất của rồng, như long nhãn (mắt rồng), thanh long (rồng xanh)... Rồng cũng xuất hiện trong tên gọi của nhiều loài vật vì có nét tương đồng về hình thể như cá rồng, đậu rồng, cây mắt rồng/cây vảy rồng, xương rồng... Loài giun đất quen thuộc với chúng ta được Trạng Quỳnh gọi là rồng đất hay địa long. Gắn liền với hình ảnh con rồng, hợp long là một từ khá đặc biệt. Nghĩa của từ này là nối các nhịp cầu. Đây là dạng rút gọn của hợp long môn, tức “nối miệng rồng”. Hợp long môn ban đầu được dùng chỉ việc đắp lại đoạn đê vỡ. Người xưa nhìn con đê dài như con rồng. Chỗ hổng khi đê vỡ gọi là long khẩu (miệng rồng), hoặc long môn (cửa rồng). Đắp lại chỗ này gọi là hợp long môn. Sang thời hiện đại, hợp long được chuyển phạm vi dùng cho ngành cầu đường.
Hình tượng rồng ở Hoàng thành Thăng Long. |
Đặc biệt, trong thời quân chủ, long, rồng là biểu tượng của vua. Nhiều từ liên quan đến vua như long bào (áo rồng, tức áo vua), long thể (mình rồng/ mình vua), long nhan (mặt rồng/ vua), long sàng (giường rồng/ giường vua), long giá, long xa (xe của vua đi), thuyền rồng (thuyền của vua, có chạm hình rồng)... Nhiều thành ngữ Hán Việt có yếu tố long với nghĩa là rồng vẫn còn được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt ngày nay như: Ngọa hổ tàng long (cọp nằm rồng ẩn), lưỡng long tranh châu/ triều nguyệt (hai rồng giành ngọc/ chầu trăng), long tranh hổ đấu (rồng tranh cọp đấu), phục long phượng sồ (con rồng nằm, con phượng non/ người tài chưa xuất đầu lộ diện)... Long với hàm nghĩa rồng gắn với thần linh, vua chúa, quyền lực là một mỹ tự được sử dụng ở nhiều phương diện của đời sống văn hóa, ngôn ngữ, trong đó có việc đặt tên địa danh. Ở nước ta, có nhiều địa danh gắn với long, rồng như Thăng Long (rồng bay lên), vịnh Hạ Long (rồng bay xuống), đảo Bạch Long Vĩ (đuôi rồng trắng), sông Cửu Long (chín rồng), núi Hàm Rồng, bến Nhà Rồng... Quảng Ngãi cũng có nhiều địa danh gắn với long/ rồng như núi Long Phụng, núi Xương Rồng, núi Long Đầu...
Có thể nói, trong kho tàng văn hóa, ngôn ngữ người Việt, long/ rồng xuất hiện nhiều và mang ý nghĩa độc đáo. Ngày xuân năm Thìn, xem lại vài chuyện chữ nghĩa liên quan đến con rồng, ước mơ một năm mới trai gái yêu nhau đẹp duyên cưỡi rồng, người người ai cũng được long hổ tinh thần, làm ăn, thi cử đều hóa rồng đắc ý, vận hội đất nước, quê hương như gặp hội rồng mây...
Rồng xuất hiện nhiều trong kho tàng văn học dân gian, quen thuộc với tâm thức văn hóa, ngôn ngữ người Việt. Chẳng hạn: Con rồng cháu tiên, cá chép hóa rồng, rồng mây gặp hội, rồng bay phượng múa, ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, rồng đến nhà tôm, vẽ rồng vẽ rắn... Trong văn chương trung đại có nhiều thi liệu, điển tích gắn với hình tượng con rồng. Hội mây rồng hay hội rồng mây, long vân hay long vân khế hội (rồng mây gặp hội) là thi liệu dùng chỉ việc gặp thời, đường công danh hiển đạt: “Bây giờ cha tuổi tác này/ Mong con gặp hội rồng mây kịp người” (Phan Trần); “Bõ công lận đận nhường khi/ Long vân khế hội gặp kỳ làm trai” (Tây sương)...
Đặc biệt, ngày nay, nhiều người vẫn thường nhắc đến câu chuyện cá chép vượt vũ môn. Chuyện kể rằng, dưới Triều Nguyễn, người Việt di cư vào Nam khai hoang lập làng. Thỉnh thoảng, người dân gặp nhiều hiện tượng kỳ lạ. Mỗi năm, khi những trận mưa đổ xuống, cá chép lại họp nhau ở “vũ môn tam cấp”, là một dòng thác chảy xuống ba bậc đá. Con nào qua khỏi ba bậc tam cấp ấy thì hóa thành rồng. Con nào không vượt qua khỏi thì rớt xuống đá chết. Bởi thế, cụm từ “hóa rồng” có nghĩa là thi đỗ, tước lớn...
Du lịch thuyền rồng trên sông Hương (TP.Huế). |
Ở Quảng Ngãi có những câu ca dao hàm chứa tính nhân văn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn giữa người với người, bày tỏ tình cảm của trai gái thường tình, như: “Lên hòn núi Hó thắp bó nhang vàng/ Xin cho bạn cũ lại hoàn như xưa/ Trông trời chẳng thấy trời mưa/ Rồng đi hút nước rồng chưa kịp về/ Lựu tìm đào, đào chẳng tìm lê/ Lên non tìm quế, quế về rừng xanh”. Hay như: “Rồng nằm núi Chúa/ Hạc múa sông Trà/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm/ Vẫy vùng như cá trong nơm/ Sớm mai nam trông bạn, buổi chiều nồm bạn trông ta”.
Nội dung: VĂN TẠO - TUẤN VŨ - AN HÂN
Trình bày: P.DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: