Tại chùa Thiên Ấn, ngôi chùa cổ được xây dựng từ cách đây hơn 300 năm, tọa lạc ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), hình tượng rồng được đắp nổi từ nóc, mái của chánh điện, cổng tam quan cho đến chuông chùa. Trên chiếc chuông cổ ở chùa, quai treo chuông được chạm trổ hình hai con rồng đấu lưng vào nhau, không có đuôi và chân sau. Phó Giáo sư Chu Quang Trứ trong sách “Kiến trúc chùa với bia đá và chuông đồng” khẳng định rằng, hình dáng quai treo chuông này thịnh ở thời Lê Trung Hưng trở về trước. Trong khi đó, chiếc chuông cổ tại chùa Thiên Ấn, được đúc vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Vậy là, dù đã trải qua bao biến thiên của thời gian, nhưng những nghệ nhân ở làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) thuở ấy vẫn giữ vẹn nguyên kiểu dáng quai treo đặc trưng của đời trước.
Còn tại chùa Ông, ngôi cổ tự do 4 bang người Minh Hương sống tại vùng Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) kiến lập vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821), ngay ở cổng tam quan, hình tượng rồng được trang trí khá tinh xảo. Mái tam quan lợp ngói âm dương, đỉnh mái uốn cong dáng thuyền, trang trí hình rồng. Vách gỗ sau chánh điện có khám thờ Quan Công. Khám thờ bằng gỗ, khắc chạm hình tượng lưỡng long ở đỉnh, hai bên chạm cành mai, hoa cúc và rồng. Trong khuôn viên ngôi chùa cổ được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1993 này, hiện vẫn còn lưu giữ các bia đá, văn bia chữ Hán, được tạo dựng vào năm 1895, 1920 (các năm chùa được trùng tu). Bia đá trang trí chạm nổi rồng ở trán bia và hai bên thân bia.
Không chỉ hiện diện trong kiến trúc tôn giáo, hình tượng rồng còn được người xưa đưa vào các kiến trúc đình làng, lăng vạn, nhà thờ họ tộc và kể cả nhà riêng. Ở những nơi này, hình tượng rồng được cách điệu trở nên dân dã, mộc mạc, uyển chuyển hơn, để vừa thích hợp với không gian kiến trúc, vừa giữ được sự linh thiêng của rồng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian. Trên nóc nhà thờ họ Trần, làng Văn Bân (xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII), ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), thay vì đắp nổi hình tượng rồng theo mô típ lưỡng long chầu nguyệt, người xưa tạo thế “hồi long”. Nghĩa là, hai con rồng thay vì vươn mình chầu vào biểu tượng nguyệt thì lại chầu về hai hướng khác nhau và ngoảnh đầu lại nhìn biểu tượng nguyệt ở giữa. Rồng đi vào kiến trúc dân gian xứ Quảng trở nên gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên, vạn vật. Như hình tượng đầu rồng, thân là lá hoa rực rỡ được đắp nổi trên tường tại nhà thờ họ Trần, làng Văn Bân, hay hình tượng rồng được cách điệu thành hình “dây lá hóa rồng” tại lăng vạn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn). Tại đình làng Lâm Sơn (Nghĩa Hành), người xưa còn đắp nổi hình tượng rồng uốn khúc, quấn mình trên các trụ, cột.
Rồng được đắp nổi trên cổng tam quan chùa Thiên Ấn, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). |
Là linh vật cao quý, biểu tượng cho sức mạnh, sự phồn vinh, thịnh vượng, hình tượng rồng còn được nhiều gia đình lựa chọn để trang trí nhà ở, đặc biệt là ở phần cột, kèo gỗ tại các nhà rường, hoặc trên án thờ, bình phong. Trong ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn trăm năm của ông Huỳnh Thiếp Vương, ở thôn An Lộc, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), dù kèo nhà hư hỏng, gia đình đã tu sửa lại từ mấy mươi năm trước, nhưng đuôi kèo chạm đầu rồng tinh xảo vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Trên bàn thờ tổ tiên, gia đình còn giữ lại vẹn nguyên chiếc hộp gỗ có tuổi đời hơn trăm năm, chạm trổ hình long mã, một linh vật có đầu rồng, dùng để đựng gia phả 17 đời của dòng họ. Chiếc chuông đồng cổ, nhỏ bằng bàn tay đặt trên bàn thờ cũng được chạm nổi hình rồng oai dũng, trang nghiêm.
Không chỉ hiện diện trong các kiến trúc nhà cổ, hiện nay hình tượng rồng cũng được nhiều gia đình chọn để chạm trổ bàn thờ gia tiên, tủ thờ, bàn ghế và bình phong. Điều đó chứng tỏ, tuy xã hội có nhiều đổi thay, tư duy thẩm mỹ trong kiến trúc qua từng thời kỳ cũng khác đi, song hình tượng rồng vẫn luôn có chỗ đứng vững chãi trong kiến trúc. Việc hậu thế một lòng giữ gìn kiến trúc xưa cũ và tiếp nối đưa hình tượng rồng vào công trình mới là góp phần bảo tồn, giúp giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc sống mãi với thời gian.
Trong văn hóa bản địa của đồng bào Cor cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên vốn không sản sinh hình tượng rồng. Dẫu vậy, ở huyện Trà Bồng, hình tượng rồng tuy không được điêu khắc hoành tráng, nhưng cũng khá độc đáo. Đó là hình ảnh rồng trên cái klang vang trong bộ gou của người Cor trang trí trong lễ hội ăn trâu. Rồng ở đây được khắc vạch trên gỗ búp mềm mịn, được tô màu trắng trên nền đen. Độc đáo ở chỗ bên cạnh hình tượng rồng còn có những con cá con. Nghĩa là, trong tư duy của người Cor, rồng cũng hiện thực và sống động như cá vậy. Thuở xưa, người Cor từng có đặc sản quế được xem là phương thuốc chữa bách bệnh, rất có giá trị, người Kinh, người Hoa thường thu mua để xuất khẩu. Trong số các vật giá trị để đổi lấy quế, có áo kép, ché men lam có nhiều hình tượng rồng. Rồng từ đồng bằng đã đến vùng đại ngàn của người Cor theo cách ấy và nó được tiếp biến đưa vào cái klang vang theo tư duy của người Cor.
Hình tượng rồng trên bờ nóc dinh Tam Tòa ở Lý Sơn. |
Dinh Tam Tòa ở Lý Sơn. |
Ở huyện Lý Sơn, rồng xuất hiện nhiều ở mái diềm của các đình, miếu. Trên nóc mái các đình, miếu, người ta đắp các mô típ lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt. Tại dinh Tam Tòa có rất nhiều hình tượng rồng trên bờ nóc, gờ mái. Các con rồng được đắp với đường nét sống động, với các màu vàng, lam và đen. Có thể nói, dinh Tam Tòa là một tinh hoa trong nghệ thuật kiến trúc công trình tín ngưỡng ở Lý Sơn, trong đó có sự góp phần đắc lực của hình tượng rồng. Rồng ở đây không chỉ có một cặp mà rất nhiều cặp, mỗi cặp mỗi vẻ, làm nên nét tráng lệ của dinh. Hình tượng rồng trên mái diềm ngoài ý thiêng, còn làm cho các bờ mái trở nên mềm mại hơn.
Tạo hình rồng cho các thuyền đua ở Lý Sơn. |
Nói đến rồng ở Lý Sơn không thể không kể đến điêu khắc rồng cho thuyền đua. Bốn vật linh là long, ly, quy, phụng được tạo hình con nào cũng đẹp, nhất là hình long (rồng). Trong truyền thống, người dân dùng gỗ cây vông để khắc, vì gỗ cây vông mềm và mịn, màu sắc thì tự tạo bằng cây cỏ, sau này được thay thế bằng sơn. Không chỉ ở Lý Sơn, các nghệ nhân còn tạo hình rồng cho các thuyền đua ở các làng chài nơi đất liền.
Khoảng đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đồ sứ được người Việt đặt làm ở một số lò gốm nổi tiếng ở Trung Hoa theo mẫu mã yêu cầu, chia làm ba loại (đồ sứ ngự dụng, đồ quan dụng, đồ dân dụng), gọi là đồ sứ ký kiểu. Đồ sứ ngự dụng thường có xương đất tốt, men màu cao cấp, nét vẽ tinh xảo. Đề tài trang trí chủ yếu viên long, tứ linh, bát bửu, phong cảnh Việt Nam, các bài thơ Nôm hoặc chữ Hán do người Việt sáng tác như Đào Duy Từ, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức... và niên hiệu của các triều vua như Gia Long niên chế, Gia Long niên tạo, Minh Mạng niên chế, Minh Mạng niên tạo... Trong dân gian, một số làng gốm nổi tiếng ở Việt Nam như Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Cây Mai trang trí họa tiết hình rồng tinh tế trên các loại ấm chén, bát đĩa, bình hoa, lư hương, chân đèn... Đồ gốm của làng gốm Mỹ Thiện, ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng trang trí hình rồng đa dạng với các kỹ thuật khắc chìm, đắp nổi được lưu truyền đến ngày nay.
Cùng với gốm sứ, rồng còn được trang trí trên các sắc phong. Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ” bằng chữ Hán được Nội Các Triều Nguyễn biên soạn vào giữa thế kỷ XIX có những chỉ dụ về quy chuẩn trang trí hình rồng trên sắc phong, cáo sắc, chiếu mệnh để nhà vua phong chức vị, mỹ hiệu cho các quan và thần linh. Năm 1829, vua Minh Mạng ban dụ giao cho các quan ở Vũ khố (nơi tập hợp những thợ thủ công có tay nghề cao sản xuất các vật dụng cho triều đình) làm giấy sắc phong và quy định rõ hình tượng rồng sẽ được trang trí tùy theo từng bậc phẩm hàm khác nhau để phân biệt. Quan nhất, nhị, tam phẩm dùng giấy rắc vàng hạng nhất, cao 1 thước 4 tấc, dài 4 thước 5 tấc, mặt trước vẽ rồng to mây kín, rồng nhiễu 4 mặt, mặt sau vẽ tứ linh. Quan tứ, ngũ phẩm, dùng giấy rắc vàng hạng nhì, cao 1 thước 3 tấc, dài 4 thước, mặt giấy vẽ rồng to mây kín, giao long chung quanh, sau lưng vẽ lân, phượng. Quan lục, thất phẩm, dùng giấy rắc bạc hạng nhất, cao 1 thước 2 tấc, dài 3 thước 5 tấc, mặt vẽ rồng to mây thưa, 1 bên vẽ hồi văn, mặt sau vẽ tranh cổ đồ. Quan bát, cửu phẩm, dùng giấy rắc bạc hạng nhì, cao 1 thước 2 tấc, dài 3 thước 5 tấc, mặt trước vẽ rồng to mây thưa, 4 góc chung quanh vẽ hồi văn, mặt sau vẽ cổ đồ.
Họa tiết rồng lá trang trí ở lăng vạn Tân Thạnh, xã Bình Đông (Bình Sơn). |
Rồng còn được trang trí trên tiền đồng và tiền giấy. Năm 1396, Hồ Quý Ly cho phát hành tiền giấy (Thông bảo hội sao), quy định rõ “Giấy 10 đồng vẽ rồng, giấy 30 đồng vẽ sóng, giấy 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa và tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, giấy 1 quan vẽ rồng”. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Thượng thư Bộ binh, sung Cơ mật viện đại thần Trương Đăng Quế nhờ có công lớn không quản ngại đường xa, gian khổ, hộ tống nhà vua tuần du ra Bắc được nhà vua thưởng một đồng tiền vàng hạng nhất có ngù đeo bằng sợi tơ màu, 30 lạng bạc cùng một nhẫn đeo lớn bằng ngọc kim cương. Đồng tiền vàng có tên “phan long phụ phượng”, với ý nghĩa nương tựa vào rồng phượng hay nhờ ơn vua mà lập công lớn.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: