[Emagazine].Những khởi sắc của ngành du lịch

09:06, 13/01/2024
.
 

Du lịch trải nghiệm

Xu hướng cho học sinh tiếp xúc với thiên nhiên, học tập thông qua trải nghiệm du lịch ngày càng phát triển. Thực hiện dự án Học tập kết hợp với lớp học không vách ngăn năm học 2023 - 2024, học sinh khối 8 chương trình song ngữ Quốc tế - IEC Quảng Ngãi đã có tiết học ngoài trời tại Làng du lịch cộng đồng Bình Thành, ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Em Nguyễn Thị Trầm Hương, lớp UK8 chia sẻ, em được tham quan tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc các giống cây ăn quả; trực tiếp xem tằm nhả tơ và trải nghiệm làm bánh truyền thống... rất thú vị.

Rừng dừa nước xã Tịnh Khê 
(TP.Quảng Ngãi).     
Ảnh: ĐỨC MINH
Rừng dừa nước xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: ĐỨC MINH
Khu du lịch Suối Chí (Nghĩa Hành).
Khu du lịch Suối Chí (Nghĩa Hành).

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành Đoàn Phú Việt Nam cho biết, sản phẩm du lịch của hợp tác xã là  hoạt động trải nghiệm gắn với giáo dục văn hóa truyền thống phù hợp với từng lứa tuổi, từ học sinh mầm non đến sinh viên đại học. Đơn vị mong muốn đưa kiến thức văn hóa, lịch sử vào các hoạt động trải nghiệm một cách sinh động để các em dễ nhớ, dễ hiểu, để từ đó tự hào về quê hương của mình.

Cảnh đẹp bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận (Bình Sơn).
Cảnh đẹp bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận (Bình Sơn).

Tại bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận (Bình Sơn), khu rừng ngập mặn còn nguyên nét đẹp hoang sơ, được địa phương tận dụng phát triển du lịch cộng đồng. Đây là điểm đến thú vị cho những du khách thích khám phá, hòa mình với thiên nhiên. Tham quan tại bàu Cá Cái, chị Lê Cẩm Trinh (TP.Quảng Ngãi) cùng gia đình đã có những trải nghiệm đáng nhớ. “Đi du lịch tại đây, chúng tôi được hòa mình cùng sông nước, ngắm cảnh đẹp hoang sơ, yên bình cùng người dân địa phương rất thú vị”, chị Trinh chia sẻ. 

Đại diện một số hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu khu mộ chum thuộc Văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Đại diện một số hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu khu mộ chum thuộc Văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), mô hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn rau an toàn đã mở ra  hướng đi đầy triển vọng. Nhà lưới trồng rau hữu cơ của gia đình anh Tiêu Văn Cầm, ở thôn Sung Túc với quy mô 1.500m2, ngoài cung cấp rau sạch cho các trường học trên địa bàn tỉnh, còn là điểm tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách. “Đến đây, nhiều phụ huynh, học sinh được tham quan, trải nghiệm quy trình trồng rau hữu cơ. Các em nhỏ rất thích thú mỗi khi tham quan nơi đây”, anh Cầm cho hay.

Mô hình du lịch làng hoa ở xã Nghĩa Hà cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Nguyễn Thị Loan cho biết, với nguồn vốn 730 triệu đồng từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa Nghĩa Hà, với 37 hộ tham gia trên diện tích 3,1ha. “Giai đoạn 2023 - 2030, địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Vườn rau, làng hoa trở thành điểm du lịch trải nghiệm của nhiều du khách”, bà Loan cho biết thêm.

Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ).
Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ).

Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cũng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, bởi sự hoang sơ và giá trị văn hóa đặc trưng. Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ đến nay đã được công nhận là sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP đầu tiên của tỉnh. Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Trần Thị Thu Thủy chia sẻ, năm 2023, nơi đây đón hơn 5.000 lượt du khách đến tham quan và lưu trú. Hiện người dân tham gia làm du lịch có cuộc sống ổn định hơn và ngày càng nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của làng.

 

Tăng cường thu hút đầu tư

So với các địa phương lân cận, du lịch Quảng Ngãi phát triển còn chậm và thiếu những nhà đầu tư lớn. Hạ tầng du lịch còn rất hạn chế. Toàn tỉnh có 380 cơ sở lưu trú, với tổng số 4.930 phòng. Trong đó, có 4 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 1 sao và 72 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu. Có 16 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; các sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa có tính đột phá.

Đua thuyền ở đảo Lý Sơn.

Để thúc đẩy du lịch phát triển, Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng huyện Lý Sơn trở thành đảo du lịch sinh thái, làm hạt nhân cho phát triển du lịch của tỉnh. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí cao cấp kết nối với khu đô thị - dịch vụ tại huyện Lý Sơn, biển Mỹ Khê, Bình Châu, Sa Huỳnh... Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng đảo Lý Sơn và Khu du lịch Mỹ Khê được công nhận là khu du lịch quốc gia; các khu du lịch Sa Huỳnh, Thạch Bích, Bình Châu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có 7 dự án đã đi vào hoạt động. 

Khu du lịch Suối Chí (Nghĩa Hành).
Khu du lịch sinh thái Thác Trắng (Minh Long).

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Quảng Ngãi đã và đang rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng cho du khách trong từng phân khúc của thị trường. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch, thu hút đầu tư và tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Chú trọng vào dòng khách chuyên biệt để tạo sức cạnh tranh, từng bước đưa du lịch phát triển, rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Nội dung: KIM NGÂN - TRUNG ÂN
Trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:06, 13/01/2024