“Chổi kim cương” làm sạch từng góc phố

09:11, 27/01/2024
.
 

 

 

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm gắn bó với công việc vệ sinh môi trường, chị Lê Thị Thùy Tân (41 tuổi), công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi vỡ òa hạnh phúc khi được vinh danh giải thưởng “Cây chổi kim cương”, do Tạp chí Môi trường và Đô thị tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Đây là phần thưởng ghi nhận những cống hiến thầm lặng của người nữ lao công chăm chỉ, cần mẫn bao năm qua cho đường phố sạch đẹp hơn.

Qua cơn “thập tử nhất sinh”
Tháng Chạp. Mưa lất phất. Không khí lạnh tràn về. Dẫu vậy, chị Tân vẫn bắt đầu công việc quen thuộc hằng ngày. Tiếng chổi tre xào xạc. Vừa quét xong một đoạn, chị dùng dụng cụ thu gom cho vào xe đẩy. Nhìn chị Tân nhanh nhẹn, vui vẻ làm việc, ít ai ngờ rằng chị từng rơi vào tình cảnh “thập tử nhất sinh”.

“Cây chổi kim cương” Lê Thị Thùy Tân.
“Cây chổi kim cương” Lê Thị Thùy Tân.

Năm 2019, trong một lần quét rác đường phố, chị Tân ngồi bó lại cây chổi trên vỉa hè. Bất ngờ có hai thanh niên chạy xe máy lao thẳng từ dưới lòng đường lên vỉa hè, tông vào người chị. Cú tông mạnh làm chị Tân bất tỉnh tại chỗ. Cú tông khiến chị bị gãy 9 xương sườn, xương vai, xương đùi, tổn thương lách, gan, phổi mức độ 3, phải chuyển ra một bệnh viện tại Đà Nẵng với hy vọng "còn nước còn tát", trong tình trạng hết sức nguy kịch. Sau 5 ngày hôn mê, chị mới tỉnh dậy. Đến 22 ngày sau chị được mổ xương đùi. Sau đó, nằm viện điều trị suốt hơn 1 tháng, chị mới có thể gượng dậy để cố hết sức tập ngồi rồi tập đi.

 

“Trong thời gian nằm viện, tôi rất xúc động và ấm lòng bởi lãnh đạo công ty, đồng nghiệp thường xuyên quan tâm từ điều nhỏ nhất. Lãnh đạo công ty đã gọi điện động viên về tinh thần lẫn vật chất, dặn dò tôi cố gắng vượt qua, còn cử một đồng nghiệp ra hỗ trợ chăm sóc tôi. Trải qua cơn nguy kịch, tôi quyết tâm mình phải sớm hồi phục sức khỏe, trở về với công việc”, chị Tân chia sẻ.

Gần một năm nghỉ ở nhà để tập vật lý trị liệu, dù sức khỏe còn yếu, những vết thương gây đau đớn, nhưng chị Tân không đầu hàng số phận. Mỗi bước tập đi của chị kèm theo những giọt nước mắt lăn dài. Dù vậy, chị vẫn cố gắng nhích từng bước một, khập khễnh, bước thấp bước cao. Ngoài giờ tập vật lý trị liệu tại bệnh viện, chị còn dành thời gian tập luyện ở nhà. Nhờ những nỗ lực phi thường, chị Tân trở lại đi đứng bình thường và xin đi làm trở lại. Thời gian đó, công ty tạo điều kiện cho chị làm việc tại tuyến đường phù hợp với sức khỏe. Chị Tân luôn cố gắng vượt qua, bắt nhịp với công việc, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Hạnh phúc với công việc
Hơn 20 năm gắn bó với công việc làm sạch đường phố, chị Tân nếm trải biết bao niềm vui, nỗi buồn và trải qua biến cố lớn về sức khỏe, nhưng chưa lúc nào chị Tân có ý định từ bỏ công việc của mình. Chị Tân chia sẻ, ba và anh trai của tôi cũng từng là công nhân vệ sinh môi trường. Đó cũng là lý do đưa tôi đến với công việc nầy vào năm 2002. “Lúc đó, công nhân vệ sinh môi trường chủ yếu là những người lớn tuổi. Khi mới đi làm, tôi cũng e ngại sợ bạn bè biết được mình đi quét, thu gom rác trên đường phố. Tôi mặc bộ đồ thật rộng, lúc khát nước hay đói bụng cũng không tháo khẩu trang ra, vì ngại sợ gặp người quen. Thế nhưng, càng gắn bó với công việc, tôi càng nhận ra giá trị công việc mà mình đã chọn. Cơ duyên càng thêm gắn bó khi 2 năm sau, tôi kết hôn với đồng nghiệp tại công ty. Anh ấy làm việc ở đội xe”, chị Tân bộc bạch.

Những ngày cuối năm, dù thời tiết lạnh, trời mưa, chị Lê Thị Thùy Tân vẫn hoàn thành tốt công việc của mình.
Những ngày cuối năm, dù thời tiết lạnh, trời mưa, chị Lê Thị Thùy Tân vẫn hoàn thành tốt công việc của mình.

Cùng là công nhân môi trường, hai vợ chồng chị Tân có những ca làm việc vào ban đêm. Ca làm việc của chồng chị bắt đầu lúc 18 giờ đến 2 giờ sáng, còn chị từ 22 giờ đến 6 giờ sáng. Thương nhất là lúc con còn nhỏ, hai vợ chồng chị chở con đến nhờ ông, bà ngoại chăm giúp để đi làm. Buổi tối, con ngủ với ông bà, vợ chồng chị đi làm về rồi đón con về nhà. Vào những ngày cuối năm, nhiều gia đình chở con đi dạo phố, du xuân mua sắm Tết, còn những người công nhân môi trường vẫn tất bật với công việc, vì lượng rác thải nhiều hơn ngày bình thường. Năm nào các công nhân vệ sinh môi trường cũng đón giao thừa ngoài đường, về đến nhà trở thành người đầu tiên "xông đất" nhà mình. “Tôi nhớ mãi, có một năm, gần đến giao thừa, tôi đang quét rác trên đường Quang Trung, ông bà ngoại đã ôm con xuống để tôi được gặp con trong chốc lát khiến nước mắt tôi như dâng trào. Đến khi con lớn lên, con hỏi sao đêm giao thừa nào mẹ cũng không ở nhà, vui chơi hay đi dạo cùng con. Lúc đó, tôi xoa đầu con rồi nói, dịp Tết, công việc của mẹ phải làm nhiều hơn để mọi người đón năm mới trên các tuyến đường sạch, đẹp. Nhờ công việc này, ba mẹ có thu nhập để chăm lo cho con. Dần dần con hiểu, thương mẹ và còn động viên mẹ trong công việc”, chị Tân chia sẻ.

Nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, chị Tân còn sẵn lòng hỗ trợ giúp đỡ các đồng nghiệp, như nhận làm thay ca đêm cho đồng nghiệp bị ốm... Trong hoàn cảnh nào chị cũng luôn hoàn thành tốt công việc, được đồng nghiệp quý mến, lãnh đạo tin tưởng. Với chị Tân, bất kỳ công việc nào, điều quan trọng nhất chính là sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc, như vậy công việc mới trôi chảy. "Tôi luôn vui và hài lòng với công việc của mình. Ngắm nhìn những góc phố, nẻo đường sạch sẽ, trong lòng tôi cảm thấy hạnh phúc, vì được góp sức xây dựng đô thị ngày càng văn minh, sạch đẹp", chị Tân bày tỏ.

Bóng dáng chị Lê Thị Thùy Tân trở nên quen thuộc ở nhiều tuyến phố.
Bóng dáng chị Lê Thị Thùy Tân trở nên quen thuộc ở nhiều tuyến phố.


Đến nay, con trai đầu của chị Tân là sinh viên năm 2 Trường Đại học Giao thông – Vận tải TP.Hồ Chí Minh. Biết tin chị nhận giải thưởng “Cây chổi kim cương”, con trai chị đã chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân cùng lời chúc mừng mẹ. Bên cạnh giá trị lớn lao từ giải thưởng, những lời chúc mừng của con và các đồng nghiệp khiến niềm vui trong chị như được nhân đôi. Chị Tân bộc bạch, con chẳng hề e ngại , mà ngược lại còn tự hào khi mẹ mình là công nhân môi trường. Những vất vả, nhọc nhằn của tôi như được bù đắp. Đó là động lực để tôi nỗ lực, phấn đấu hơn trong công việc của mình.

Không khí xuân đã về trên khắp nơi. Chị Tân cùng những người công nhân môi trường đô thị vẫn khoác lên mình bộ đồng phục như thường ngày. Bóng dáng chị lọt thỏm giữa phố phường đông đúc với cây chổi trên tay. Dòng người ngược xuôi như mắc cửi đi mua sắm Tết. Chị Tân vẫn cần mẫn quét dọn, thu gom rác, để mỗi sáng thức dậy, chúng ta lại thấy đường phố sạch đẹp hơn.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Trình bay: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:11, 27/01/2024