(Báo Quảng Ngãi)- Mùa đông năm nay, nhiều hộ gia đình người dân tộc Hrê ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) không còn lo sạt lở núi, bởi họ đã được cấp đất làm nhà mới ở khu tái định cư (TĐC) Gò Tranh Giữa.
Từ trung tâm xã Long Sơn, tôi ngược đường lên khu TĐC Gò Tranh Giữa. Con đường quanh co, càng lên càng dốc. Khu TĐC hiện ra với những ngôi nhà mới mọc lưng chừng núi bồng bềnh mây trắng.
Còn nhớ năm 2006, tôi đã theo Đoàn công tác của tỉnh và huyện Minh Long đi cứu trợ, kết hợp khám sức khỏe cho đồng bào dân tộc Hrê ở xóm Gò Tranh Trên. Khi đó, con đường đến Gò Tranh Trên chỉ là lối mòn băng qua đồi, qua suối. Tất cả gạo, bánh kẹo, thuốc men... Đoàn công tác đều phải nhờ anh em đồng bào Hrê gùi lên Gò Tranh Trên. Khi vượt dốc Xà Lui, nhiều thành viên trong đoàn không thể nào theo kịp người dẫn đường nên đành rớt lại phía sau. Bởi con dốc đúng như tên gọi, đi xuống phải bám cây rừng, đưa lưng xuống trước, còn đi lên thì cũng phải bám cây rừng ngược đường lên.
Nhiều anh em trong đoàn là người ở huyện Minh Long cho biết, đây là tuyến đường trong chiến tranh và tên con dốc là do bộ đội đặt. Trên đường đi lên, chúng tôi băng qua những thung lũng có nhiều cây mây nước rất to và dài vài chục mét. Những trảng cỏ tranh đi qua mùa nắng cháy, mưa xuống xanh tốt bời bời.
Khu tái định cư Gò Tranh Giữa, xã Long Sơn (Minh Long) đã có nhiều hộ dân đến ở. Ảnh: CẨM THƯ |
Bắt đầu xuất phát ở khu vực trung tâm xã lúc 8 giờ sáng nhưng mãi đến 3 giờ chiều, đoàn công tác mới đến được xóm Gò Tranh Trên. Từ đằng xa đã thấy những ngôi nhà sàn lợp tranh hoặc tôn cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Đêm ở Gò Tranh Trên là một đêm trăng suông, trời rất lạnh. Trong ánh lửa bập bùng, các thành viên trong đoàn công tác và người dân cùng giao lưu múa hát. Những cô gái người Hrê lại hát bài "Cô gái mở đường", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo"... Tiếng hát vút cao gợi nhớ một thời chiến tranh, những đoàn quân dép lốp, mũ tai bèo theo những nhánh rẽ của Trường Sơn, xuôi về đồng bằng ghé ngang, dạy cho đồng bào ca hát...
Nhà văn hóa ở khu tái định cư Gò Tranh Giữa được xây dựng khang trang. Ảnh: CẨM THƯ |
Sau ngày đất nước thống nhất, xóm Gò Tranh Trên thưa vắng hơn, bởi không còn những đoàn quân đi ngang qua đây giao lưu với đồng bào. Ở huyện thi thoảng mới có đoàn công tác lên đây. Những chuyến hàng cứu trợ từ các nơi dành cho đồng bào vùng xa về đến xã thì thông báo để người dân xuống nhận. Vậy nên, Gò Tranh Trên vốn đã xa lại càng xa.
“Thấy đồng bào khổ quá, huyện Minh Long mở đường lên xóm Gò Tranh Trên. Nhưng con đường lên hiểm trở, kinh phí lại eo hẹp, rồi mưa lũ gây sạt lở núi, đường sá chia cắt, cô lập những xóm nhà. Vì thế, huyện Minh Long chủ trương xây dựng khu TĐC ở xóm Gò Tranh Giữa rồi đưa người dân xuống định cư”, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết.
Đến khu TĐC Gò Tranh Giữa, tôi đón nhận một cơn mưa chiều. Cơn mưa mùa đông ào ạt. Bờ ta luy dương ở khu TĐC nước chảy thành dòng. Nhìn về phía đồng bằng, tất cả đều nhạt nhòa trong mưa. Anh Đinh Văn Đanh, rót ly nước chè tươi đặc quánh mời khách rồi kể, tôi nhận đất cách đây một tháng, thế là gấp rút làm nhà trên cơ sở tận dụng cây gỗ ở nhà cũ và mượn thêm của người anh 30 triệu đồng để mua tôn, bạt và trả tiền công thợ. Ngôi nhà mới đơn sơ, vách bằng tấm bạt, nhưng anh Đanh không giấu được niềm vui. Bởi từ nay gia đình anh không còn cảnh phập phồng lo núi lở. Còn chị Đinh Thị Liêu - vợ anh Đanh thì phấn khởi nói: "Ở đây có điện, có nước đưa về từ bể nước sạch nên rất thuận tiện".
Vợ chồng anh Đinh Văn Đanh (bên phải) trong ngôi nhà mới ở khu tái định cư. Ảnh: CẨM THƯ |
Còn anh Đinh Văn Cư - một trong những hộ đầu tiên ở xóm Gò Tranh Trên đến xây nhà ở khu TĐC Gò Tranh Giữa cho biết, tháng 2/2023, gia đình tôi được huyện cấp đất và được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, cộng với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng để làm nhà. Xuống đây ở, không còn lo núi lở, con em đến trường thuận lợi hơn. Ngày trước, ở xóm Gò Tranh Trên về trung tâm xã học phải ở nhờ nhà bà con hoặc ở khu tập thể của trường. Lúc nhớ nhà, băng núi, băng suối về nhà, khổ lắm!
Đi một vòng quanh khu TĐC, tôi gặp ông Đinh Xương - cựu chiến binh thời chống Mỹ đã được huyện cấp đất và được hỗ trợ 45 triệu đồng để xây dựng nhà. “Nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa là mừng lắm, bởi cuộc sống của đồng bào mình nhiều khó khăn", ông Xương nói.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và phát triển quỹ đất huyện Minh Long Nguyễn Đức Thịnh cho biết, ở vùng Gò Tranh này địa thế hiểm trở, đi tìm mặt bằng xây dựng khu TĐC không phải dễ dàng. Khu TĐC Gò Tranh Giữa rộng 3,9ha với vốn đầu tư 39 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 7/2021, đáp ứng cho 37 hộ dân diện sạt lở núi đến TĐC. Trong đó có 8 hộ dân ở xóm Gò Tranh Trên. Mỗi hộ dân được cấp 400m2 đất để làm nhà. Mùa đông này đã có 34 hộ đến khu TĐC làm nhà ở.
Khu tái định cư Gò Tranh Giữa được đầu tư xây dựng hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ảnh: CẨM THƯ |
Biết cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn nên huyện Minh Long chủ trương, khu vực nào hoàn thiện mặt bằng là cấp đất ngay cho người dân. Ở khu TĐC có hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa. Trong câu chuyện về chốn an cư, sau niềm vui, đồng bào dân tộc Hrê nơi đây lại lo chuyện sản xuất. Nhiều hộ dân ở khu TĐC Gò Tranh Giữa cho hay, vào khu TĐC làm nhà ở thì vẫn có thể về rẫy cũ sản xuất. Tuy vậy, với 8 hộ dân trước đây ở xóm Gò Tranh Trên, việc trở về rẫy cũ để sản xuất đi lại rất xa.
Anh Đinh Văn Cư chia sẻ, mình được Nhà nước tạo điều kiện làm nhà ở khu TĐC để phòng núi lở. Trong mùa mưa bão, cả nhà sẽ ở đây, nhưng đến vụ sản xuất, các con ở đây đi học, còn vợ chồng mình sẽ quay lại làng cũ để sản xuất, có vậy mới đảm bảo đời sống kinh tế gia đình.
CẨM THƯ
Trình bày: VÕ VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: