(Báo Quảng Ngãi)- Cô gái Lương Thị Kim Yến (29 tuổi), ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng giàu nghị lực, khiến nhiều người cảm phục. Yến vừa phải điều trị bệnh ung thư, vừa đi làm để có tiền trang trải cuộc sống... nhưng luôn lạc quan.
Mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng Lương Thị Kim Yến vẫn luôn lạc quan. Yến chia sẻ, tôi phát hiện bệnh ung thư vú vào tháng 10/2022. Sau khi có triệu chứng nổi hạch ở vú, tôi đi khám tại bệnh viện ở Quảng Ngãi, kết quả xét nghiệm cho thấy u ác. Bác sĩ viết giấy chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Lúc đó, tôi đang học việc dở dang tại một cơ sở gội đầu dưỡng sinh. Cầm tờ giấy chuyển viện, tôi chẳng thể nào hình dung được, mình sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, chông gai và cả đau đớn ở chặng đường phía trước.
Lương Thị Kim Yến luôn giữ tinh thần lạc quan để sống vui vẻ bên gia đình. ẢNH: BẢO HÒA |
Trường hợp của Yến khiến các bác sĩ chú ý bởi mắc bệnh ung thư vú trước năm 30 tuổi, tế bào ung thư dương tính ở một dạng hiếm gặp. Khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn 2A, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị đặc biệt cho Yến. Trong 8 tháng đầu tiên kể từ khi phát hiện bệnh, Yến phải trải qua ba lần phẫu thuật. Ngày bác sĩ thực hiện ca mổ đầu tiên bóc tách khối u, cũng chính là ngày cơ sở nơi Yến học việc làm lễ khai trương, mở cửa hoạt động. Cô gái ứa nước mắt, có chút chạnh lòng cho bản thân nhưng rồi nhanh chóng lấy lại tinh thần bước vào phòng mổ. Sau đó, Yến trải qua đợt phẫu thuật nạo vét hạch nách. Lần thứ 3, Yến phải mổ đặt buồng tiêm giả ở trước ngực để tạo thuận lợi cho quá trình truyền hóa chất điều trị tiếp theo.
Yến nhớ lại, trong suốt thời gian đó, tôi ở bệnh viện liên tục, chỉ thỉnh thoảng mới được các bác sĩ cho về nhà vài ngày, rồi nhanh chóng trở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi, hóa trị và truyền thuốc điều trị. Tôi chẳng thể nào quên những tháng ngày được xem như giai đoạn sống còn để chiến đấu với bệnh ung thư. Tác dụng phụ trong quá trình điều trị khiến tôi đau đớn, buồn nôn, toàn thân chẳng có chút sức lực nào. Ngay cả việc đi từ giường đến nhà vệ sinh cũng hết sức khó khăn bởi toàn thân đau nhức, mắt bị mờ. Những sợi tóc cứ rơi rụng dần cho đến khi chẳng còn sợi tóc nào.
Mái tóc dài duyên dáng trước đây của Yến không còn nữa, thay vào đó chiếc mũ len trùm sát đầu. Mỗi lần về nhà, ôm chầm lấy con, Yến như được tiếp thêm sức mạnh. Yến vui vẻ chụp hình cùng hai con, đăng trên mạng xã hội với những dòng chia sẻ vui vẻ, lạc quan. “Tôi từng lo lắng, hoang mang, thậm chí suy sụp khi biết mình mắc bệnh ung thư. Nhưng rồi tôi tự mình vực dậy tinh thần, phải chiến đấu và vượt qua không chỉ vì bản thân mình mà còn bởi 3 đứa con nhỏ và những người thân yêu xung quanh”, Yến bộc bạch.
Số tiền mà hai vợ chồng Yến tiết kiệm trước đây dự định để xây nhà, được dùng để trang trải chi phí điều trị bệnh cho Yến. Nhưng rồi, số tiền dành dụm cũng hết dần, hai vợ chồng xoay khắp nơi, vay mượn từ người thân, chị em trong nhà. Mỗi lần Yến lên xe ra Huế để điều trị, người thì cho mượn vài triệu, người dúi vào tay Yến vài trăm nghìn đồng. Chị gái của Yến vừa mổ tim xong, cũng gom góp tiền để em gái đi điều trị. Nói là cho mượn, nhưng chẳng ai nhắc ngày trả... Nhờ số tiền san sẻ yêu thương của người thân và những cái nắm tay động viên đó đã tiếp thêm nghị lực cho Yến để chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Lương Thị Kim Yến vui cùng con. ẢNH: BẢO HÒA |
Sau thời gian hóa trị, Yến tiếp tục bước vào giai đoạn xạ trị. Mỗi tháng, Yến phải ra Huế 3 đợt để duy trì việc điều trị. Chi phí điều trị mỗi tháng hơn 30 triệu đồng, chưa kể tiền di chuyển, ăn uống. Đó là số tiền lớn với vợ chồng Yến, bởi ngoài thu nhập bấp bênh từ nghề sơn nước của chồng Yến, hai vợ chồng chẳng còn thu nhập gì thêm. Hành trình chữa bệnh cho Yến đã lên đến hàng trăm triệu đồng, có lần Yến muốn dừng lại việc điều trị bởi không muốn tạo gánh nặng chi phí cho người thân. Một người chị ở Quảng Nam đang điều trị cùng với Yến tại Bệnh viện Trung ương Huế biết đến hoàn cảnh của Yến, sẵn lòng cho Yến mượn 20 triệu đồng để trả chi phí điều trị trong tháng đó. Người chị ấy chỉ dặn Yến, có tiền thì trả, không có cũng chẳng sao...
Nghĩ về tương lai và ba đứa con nhỏ cần mẹ, Yến nghĩ đến việc đi làm trở lại. Khi biết cơ sở nơi mình từng học việc cần tuyển lễ tân, Yến xin đi làm. Nhưng công việc lễ tân phải ngồi làm việc trước máy tính liên tục, khiến Yến bị đau đầu, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Vậy là Yến chuyển sang làm kỹ thuật viên gội đầu dưỡng sinh. Những ngày đầu đi làm, Yến phải đội tóc giả nhưng khá bất tiện vì mái tóc giả khiến da đầu bị nóng, ẩm. Cô gái đành phải tháo mái tóc giả. Nghị lực của Yến khiến nhiều người cảm phục. Sau những ngày làm việc, cứ cách vài tuần, Yến lại phải ra Huế để tiếp tục điều trị. Vừa xạ trị xong, Yến vội lên xe khách về đến nhà. Ngày hôm sau, Yến đã đến nơi làm việc đúng ca trực của mình. Yến tính toán, với thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, dùng để trang trải chi phí tiền xe, ăn uống khi ra Huế điều trị, còn lại Yến để dành trả dần cho số tiền đã mượn.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế cảm động khi biết chuyện Yến vừa điều trị ung thư, vừa đi làm để có tiền chữa bệnh. Yến lúc nào cũng vui vẻ trò chuyện, động viên những bệnh nhân ở cùng phòng bệnh. “Có lần vào phòng bệnh, tôi gặp một cô lớn tuổi. Cô thấy tôi liền hỏi thăm rồi khóc, tôi lau những giọt nước mắt của cô rồi hóm hỉnh pha trò, động viên vì tôi hiểu bệnh nhân ung thư phải trải qua nỗi đau rất lớn về tinh thần", Yến chia sẻ.
Dẫu sức khỏe yếu hơn so với mọi người, bản thân vẫn còn chưa quen với những thay đổi trong cơ thể do ảnh hưởng của hóa chất điều trị, nhưng Yến siêng năng học hỏi để làm tốt công việc của mình. Hành trình điều trị bệnh vẫn còn ở phía trước, nhưng Yến không chùn bước, cô luôn tin vào ngày mai sẽ tươi sáng hơn.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: