Tiếng còi tàu...

13:48, 11/11/2023
.
 
 

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những chuyến tàu hỏa vẫn di chuyển suốt hành trình Bắc - Nam và ngược lại. Những hồi còi tàu ngân vang, đọng lại biết bao cảm xúc trong lòng hành khách, nhất là với nhân viên đường sắt, những người gắn bó cả đời với nhịp tiễn đưa.

 

Từng trải qua các vị trí trực tại ga Mộ Đức, Đại Lộc, rồi đến nhiệm vụ điều hành chạy tàu tại nhà ga Quảng Ngãi, anh Phạm Đình Bảy đã có 23 năm làm việc trong ngành đường sắt. Với anh Bảy, âm thanh của tiếng còi tàu mang đến nhiều cảm xúc. 

“Với các ga như Mộ Đức, Đại Lộc, tàu chỉ đi ngang qua, không dừng đỗ nên tiếng còi tàu chỉ dùng để thông báo tàu chạy qua. Còn với nhà ga có tàu đỗ như ga Quảng Ngãi, tiếng còi tàu mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc. Khi tàu chuẩn bị vào ga sẽ có những hồi còi dài. Tiếng còi tàu mang theo cảm xúc háo hức của hành khách về đến quê, sắp được đoàn tụ gia đình, người thân, bạn bè. Tiếng còi tàu ấy còn khiến những hành khách chuẩn bị lên tàu có cảm giác bồi hồi, lưu luyến. Khi trực ban tại nhà ga, chứng kiến hình ảnh hành khách đi, đến trong âm thanh của tiếng còi tàu, tôi như cảm thấy lòng mình như hòa cùng bao cảm xúc", anh Bảy chia sẻ.

 

Hành khách xuống sân ga. Những hành khách mới lần lượt lên tàu. Khi cánh cửa các toa tàu được đóng lại, đoàn tàu lại vang lên những hồi còi dài, xình xịch chuyển bánh. Với những người làm việc tại ga Quảng Ngãi, chỉ cần nghe tiếng còi tàu từ xa, họ biết chuyến tàu nào sắp vào ga. Mỗi ngày, tại nhà ga Quảng Ngãi, trung bình có 26 chuyến tàu ra, vào. Những ngày Tết, để đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao, các chuyến tàu được tăng lên, khoảng hơn 42 chuyến tàu/ngày đêm ra, vào ga Quảng Ngãi.

 

Mặc cho những biến thiên của cuộc sống, từ đầu máy chạy hơi nước cho đến đầu máy chạy bằng diesel, tiếng còi tàu vẫn ngân vang trong gió. “Để đảm bảo an toàn, tạo được sự chú ý với hành khách và người đi đường, tiếng còi tàu phải đảm bảo âm lượng vang to. Tiếng còi tàu không chỉ thông báo về đoàn tàu sắp di chuyển đến, mà còn mang nhiều ý nghĩa báo hiệu cho nhân viên đường sắt, nhất là những người làm việc liên quan đến các bộ phận an toàn, tuần đường, tuần cầu, gác chắn”, Cung trưởng Cung Quản lý - An toàn Quảng Ngãi Lương Văn Khâm cho hay.

Ngành đường sắt có quy định về tiếng còi tàu khi xuất phát, vào ga, đi qua các cầu, hầm, đường ngang... Trường hợp cần thông báo, lái tàu phải kéo ba tiếng còi dài. Khi thời tiết xấu không đảm bảo nhìn rõ mặt đường, lái tàu báo hiệu bằng một tiếng còi dài, một tiếng ngắn. Tại hai đầu cầu Trường Xuân, luôn có nhân viên đường sắt trực 24/24 giờ theo ca. Khi tàu cách vị trí cầu Trường Xuân ít nhất 800m, lái tàu phải kéo còi để thông báo rằng tàu sắp qua cầu. Khi lắng nghe tiếng còi tàu, nhân viên trực phải chuẩn bị các dụng cụ làm việc, đứng tại vị trí quy định ra tín hiệu an toàn, để báo hiệu cho tàu qua cầu.

 

Một trong những công việc thầm lặng, góp phần đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu, chính là lực lượng tuần đường. Trong ca trực của mình, không kể ngày đêm, mưa gió, nhân viên tuần đường phải đi bộ ít nhất hơn 20km cả đi lẫn về để kiểm tra đường ray. Khi đi chừng 50m, nhân viên tuần đường phải nhìn lại để quan sát, theo dõi tàu. “Vào thời tiết xấu như lúc rạng sáng, mưa lớn, sương mù dày đặc làm cản trở ánh đèn của tàu, ảnh hưởng đến tầm nhìn của nhân viên, thì chính tiếng còi tàu báo hiệu cho nhân viên về đoàn tàu sắp đến. Khi thời tiết xấu, bất lợi, lái tàu phải tăng cường kéo còi, một tiếng dài, một tiếng ngắn thông báo cho lực lượng tuần đường”, ông Khâm cho biết thêm.

 

Về hưu sau 35 năm làm việc trong ngành đường sắt, ông Nguyễn Đức Thích, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), làm bảo vệ tại một dự án. Chậm rãi nhấm từng ngụm trà nóng trước khi bắt đầu ngày làm việc mới, ông Thích bảo, không gian làm việc mới yên tĩnh, thoáng đãng nhưng tôi luôn cảm thấy thiếu vắng và nhớ tiếng còi tàu. “Ở nhà ga ồn ào, vậy mà tôi ngủ được. Còn lúc đầu mới nghỉ hưu, ở nhà yên tĩnh quá, tôi lại chưa quen. Nhớ nhất là từng hồi còi dài báo hiệu tàu sắp vào ga, hay khi xuất phát, tàu cũng kéo hồi còi dài. Tiếng còi tàu vào ban đêm phá vỡ không gian tĩnh mịch, khiến nhiều người khó chịu, nhưng với nhân viên đường sắt, nghe mãi rồi thành quen”, ông Thích cười nói.


Đoàn tàu hỏa qua cầu Trường Xuân, một cây cầu đường sắt lâu năm ở Quảng Ngãi.  Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Đoàn tàu hỏa qua cầu Trường Xuân, một cây cầu đường sắt lâu năm ở Quảng Ngãi.  Ảnh: BÙI THANH TRUNG

 

Nghề lái tàu đòi hỏi phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của ngành đường sắt, trong đó có quy định về tiếng còi tàu.
 Ảnh: BẢO HÒA
Nghề lái tàu đòi hỏi phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của ngành đường sắt, trong đó có quy định về tiếng còi tàu.  Ảnh: BẢO HÒA

Trên hành trình Bắc - Nam, tiếng còi tàu ngân vang trong gió. Phương tiện giao thông ngày càng đa dạng, hiện đại, thế nhưng nhiều người vẫn lựa chọn đi lại bằng tàu hỏa. Những toa tàu ngày càng được nâng cấp khang trang với đủ các loại tiện nghi, để rồi những tiếng còi tàu vẫn vang lên đều đặn. Cũng là tiếng còi tàu bình thường như bao ngày, thế nhưng vào những ngày cuối năm, những hồi còi như giục giã, rộn ràng hơn. Còn những ngày đầu năm, tiếng còi tàu khiến người ta lưu luyến, xúc động trong giây phút chia tay.

Cũng như ông Thích, với những nhân viên đường sắt, tiếng còi tàu là thanh âm của cuộc sống, là âm thanh gắn bó với cả cuộc đời. Những tiếng còi tàu cứ vang vọng, khiến bao người ở xa bỗng thấy nhớ quê hương, nhớ về miền ký ức đã qua.

Nội dung: BẢO HÒA
Trình bày: QUỲNH DUYÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 13:48, 11/11/2023