(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Tây được mệnh danh là đất ngàn cau với những rừng cau ngút ngàn. Người dân sinh sống có nghĩa, có tình, sẵn sàng hiến đất cho người nghèo làm nhà ở, làm đường giao thông, xây dựng công trình... Tuy là huyện nghèo, nhưng Sơn Tây là địa phương tiêu biểu của tỉnh trong phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chúng tôi đến thăm nhà bà Đinh Thị Thêm (60 tuổi), ở thôn Mang He, xã Sơn Bua (Sơn Tây). Nhà bà Thêm được xây dựng trên mảnh đất do anh Đinh Văn Mực (26 tuổi) hiến tặng. Không chỉ tặng đất cho gia đình bà Thêm, anh Mực từng hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng trường học. Đầu năm 2023, khi được anh Mực tặng mảnh đất, bà Thêm cùng vợ chồng con trai và các cháu đã rời ngôi nhà cũ về đây lập nghiệp. Ngôi nhà cũ của bà Thêm ở xóm Nước Mù, mặc dù cách trung tâm xã chỉ 3km, nhưng gần như tách biệt với bên ngoài. Muốn vào xóm Nước Mù, cách duy nhất là đi bộ vào con đường nhỏ quanh co dưới những tán rừng, băng qua những con suối.
Gia đình anh Mực thuộc diện hộ nghèo, phải nuôi mẹ già và cha bị bệnh tật nằm một chỗ. Thế nhưng, anh Mực quyết định tặng cho gia đình bà Thêm hơn 100m2 đất ở để làm nhà. “Trải qua cảnh nghèo khổ nên tôi thấu hiểu hoàn cảnh gia đình bà Thêm. Tôi đồng cảm và chia sẻ để gia đình bà Thêm có điều kiện vươn lên thoát nghèo, các cháu của bà đến trường thuận lợi. Xã bớt đi một hộ nghèo, xã hội bớt đi một mảnh đời khó khăn là tôi vui rồi”, anh Mực tâm sự.
Anh Đinh Văn Mực, ở thôn Mang He, xã Sơn Bua đến thăm gia đình bà Đinh Thị Thêm, người được anh hiến đất để xây nhà ở. |
Có căn nhà khang trang trên vùng đất mới, con trai, con dâu bà Thêm có thêm động lực để vươn lên. Anh Đinh Văn Le, con trai bà Thêm không nề hà bất cứ việc gì, từ lột vỏ keo đến vào các tỉnh Tây Nguyên hái cà phê, hay vào tận TP.Hồ Chí Minh làm thuê kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi các con ăn học. Xúc động trước tấm lòng của anh Mực, bà Thêm luôn động viên con trai, con dâu chăm chỉ làm ăn, nhắc nhở các cháu học tập tốt để sau này có điều kiện thì giúp đỡ lại người khác. “Gia đình tôi rất biết ơn cháu Mực. Từ khi có nhà mới, con trai và con dâu của tôi rất siêng năng, các cháu thì không phải bỏ học bữa nào. Đây là động lực lớn giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn”, bà Thêm xúc động nói.
Đến huyện Sơn Tây, nhiều người trầm trồ khi chạy xe bon bon trên những con đường bê tông thênh thang, thẳng tắp, nối dài từ trung tâm xã đến tận xóm. Quỹ đất mở rộng để làm đường hầu hết do người dân hiến tặng. Xã Sơn Bua là địa phương dẫn đầu về huy động sức dân trong xây dựng NTM, với gần 60 hộ dân tham gia hiến đất, tổng diện tích hơn 50 nghìn mét vuông. Dù là xã có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ 2 trên địa bàn huyện (65,2%), nhưng số hộ dân tự nguyện hiến đất xây dựng NTM cao nhất huyện. Toàn xã có 49 hộ dân được UBND tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích hiến đất xây dựng NTM.
Anh Đinh Văn Sanh (bên phải), ở thôn Mang He, xã Sơn Bua (Sơn Tây) hăng hái tham gia hiến đất làm đường giao thông. |
“Thuận lợi trong xây dựng NTM ở địa phương là người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường, xây dựng nhà văn hóa, trường học... Điều đáng quý là cuộc sống của người dân dẫu còn khó khăn nhưng luôn sẵn lòng vì cuộc sống cộng đồng, vì sự phát triển của quê hương", Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua Cao Văn Chung chia sẻ. Anh Cao Văn Chung cho biết thêm, cán bộ, đảng viên ở xã Sơn Bua đã gương mẫu, tiên phong đi đầu trong phong trào hiến đất, mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình. Người tiên phong trong phong trào hiến đất là ông Đinh Minh Tôn - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua. Ông Tôn đã 2 lần hiến đất, với tổng diện tích hơn 1.100m2 để làm Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Mang He và làm đường giao thông nông thôn. Phó Chủ tịch UBND xã Cao Văn Chung cũng đã 2 lần hiến đất làm đường, với diện tích gần 1.750m2. Trưởng thôn Nước Tang Đinh Văn Nhân hiến hơn 180m2 để làm sân bóng đá cho trẻ em vui chơi...
Điều đáng mừng là ngay sau khi cán bộ, đảng viên tiên phong hiến đất, phong trào hiến đất xây dựng NTM lan tỏa, nhiều hộ dân cũng tình nguyện hiến đất, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn nơi đây. “Ước mơ bao đời của người dân là có được con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, không còn cảnh lầy lội vào ngày mưa. Nhà nước làm đường cho người dân đi lại thuận lợi, nên mình tự nguyện đóng góp”, anh Đinh Văn Sanh, ở thôn Mang He, xã Sơn Bua bộc bạch. Khi xã có chủ trương mở rộng đường vào khu dân cư, anh Sanh không một chút đắn đo, tình nguyện hiến đất để làm đường.
Nhà bán trú, khu vui chơi thể thao của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua (Sơn Tây) được xây dựng trên đất của 3 hộ dân hiến tặng. |
Công trình nhà bán trú, khu vui chơi thể thao của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua cũng được xây dựng nhờ 3 hộ dân tự nguyện hiến đất, với tổng diện tích hơn 1.000m2. Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua Huỳnh Văn Thành chia sẻ, khi chưa có nhà bán trú, học sinh phải ăn, ngủ trưa tại lớp học. Từ khi 3 hộ dân hiến đất và trường được đầu tư mở rộng, học sinh có nơi ăn, chốn ở ổn định, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Nội dung: ÁI KIỀU
Trình bày: P.DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: