[Emagazine]. Thành quả từ công tác dân vận (Kỳ 2)

21:05, 29/10/2023
.
 
 

(Báo Quảng Ngãi)- Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh...”. Thấm nhuần lời dạy đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong tỉnh luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước, việc gì có lợi cho dân đều kiên quyết làm... 

 
 

Chúng tôi đến nhà Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Huy Măng, xã Sơn Dung (Sơn Tây) Đinh Văn Bin đúng lúc anh đang hòa giải mâu thuẫn giữa hộ bà Đinh Thị Bất với hộ ông Đinh Văn Uông. Cả hai đang tranh chấp hành lang đất sản xuất. Nhờ sự khéo léo, phân tích thấu tình đạt lý, anh Bin đã giúp 2 hộ dân hòa giải mâu thuẫn. Mỗi bên nhường nhịn, hòa giải nội bộ, không khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. 

Anh Đinh Văn Bin trưởng thôn, kiêm bí thư chi bộ thôn Huy Măng, xã Sơn Dung (Sơn Tây), (ngoài cùng bên phải) gặp gỡ, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân trong thôn. ẢNH: TH.THUẬN
Anh Đinh Văn Bin trưởng thôn, kiêm bí thư chi bộ thôn Huy Măng, xã Sơn Dung (Sơn Tây), (ngoài cùng bên phải) gặp gỡ, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân trong thôn. ẢNH: TH.THUẬN

Thôn Huy Măng là điểm sáng trong việc đẩy lùi các hủ tục, an ninh trật tự tại địa phương luôn đảm bảo. Hơn 5 năm qua, anh Bin là người uy tín và là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Dù ở cương vị nào, anh Bin cũng luôn nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì nhân dân. Anh tích cực chăm lo việc học của con em trong thôn. Mỗi năm, anh tham gia vận động hơn chục trường hợp học sinh có ý định bỏ học, học "giã gạo" duy trì tốt việc học, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các gia đình đồng bào Ca Dong trong việc chăm lo việc học của con em.

Bà Đinh Thị Diên, ở thôn Huy Măng, nhắc đến anh Bin với tình cảm yêu mến. Nếu không có sự giúp đỡ của anh Bin, thì con trai bà là Đinh Văn Binh đã bỏ học. Bà Diên kể, khi đang học lớp 4, cháu Đinh Văn Binh bỏ học giữa chừng. Lúc đó, gia đình khó khăn nên tôi đồng ý cho con nghỉ học. Cán bộ Bin biết được sự việc nên nhiều lần đến nhà vận động, thuyết phục. Nhờ đó, gia đình tôi hiểu được việc học quan trọng với tương lai của con nên đã động viên con trai đi học trở lại.

Dù năm nay chỉ mới 40 tuổi và là người uy tín trẻ tuổi nhất của huyện Trà Bồng, nhưng Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Trà Veo, xã Trà Xinh Hồ Văn Sáu đã có 17 năm kinh nghiệm trong công tác dân vận. Ở bất cứ vai trò, vị trí nào, anh Sáu luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên.

Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Trà Veo, xã Trà Xinh (Trà Bồng) Hồ Văn Sáu tham gia làm đường giao thông nông thôn. ẢNH: HIỀN THU
Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Trà Veo, xã Trà Xinh (Trà Bồng) Hồ Văn Sáu tham gia làm đường giao thông nông thôn. ẢNH: HIỀN THU

Thôn Trà Veo có gần 250 hộ dân, với 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng như nhiều địa phương ở miền núi, ranh giới đất rừng, tập quán sản xuất của người dân có những đặc thù riêng nên xảy ra nhiều mâu thuẫn, tranh chấp đất đai. Khi có mâu thuẫn xảy ra, chỉ cần có anh Sáu can thiệp, giải quyết là mọi chuyện đều được hóa giải, không có chuyện khiếu kiện vượt cấp. “Vấn đề đất đai là chuyện nhạy cảm, cần sự chính xác cao nên khi có tranh chấp, tôi cùng các hộ liên quan, cán bộ địa chính trực tiếp đến khu vực tranh chấp để kiểm tra. Nhiều khi vượt núi đi bộ vài giờ đồng hồ, tôi cũng sẵn sàng đến tận nơi để nắm tình hình. Từ đó, chúng tôi mới giải thích, phân rõ đúng sai, không để sự việc căng thẳng, gây mất đoàn kết trong cộng đồng”, anh Sáu nói. 

Tham gia công tác mặt trận từ năm 2017, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ba Xa (Ba Tơ) Đinh Văn Rừng là cán bộ người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Anh đã tham gia vận động người dân thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, vận động người dân thực hiện 6 công trình tu sửa kênh mương nội đồng, tổng diện tích tưới 48ha, với 692 ngày công và trên 74 triệu đồng. Các công trình trên hoàn thành đưa vào sử dụng giúp 386 hộ dân đảm bảo lương thực trong năm. Ngoài ra, anh Rừng đã vận động trên 160 ngày công sửa chữa đường nông thôn với chiều dài 500m ở thôn Nước Như.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, anh Rừng đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến gần 1.300m2 đất, đóng góp gần 5.000 ngày công, huy động 324 triệu đồng để xây dựng hoàn thành 15 tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài gần 3km... Ngoài ra, anh Rừng đã chủ động tham mưu Đảng ủy xã thành lập mô hình "Dân vận khéo", xây dựng 4 mô hình khu dân cư đi đầu trong công tác ủng hộ các loại quỹ trong năm; xây dựng 17 mô hình bảo vệ môi trường và thành lập 27 tổ tự quản về bảo vệ môi trường. 

 

Về thôn An Lộc Nam, xã Bình Trị (Bình Sơn) ai cũng cảm nhận sự đổi thay rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, khang trang. Đây là thôn đã được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Có được cảnh quan, cuộc sống yên bình như thế là nhờ địa phương thực hiện tốt mô hình xây dựng “3 chi” (chi bộ, chi hội, chi đoàn) vững mạnh toàn diện, từ đó đã huy động sức dân, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Từ khi thực hiện mô hình này, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, các chi đoàn, chi hội ở thôn đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng nhiều mô hình, triển khai nhiều phần việc mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như mô hình “Nấu bữa sáng yêu thương”, tổ chức 2 lần/tháng với gần 100 phần ăn sáng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; mô hình “Thu gom phế liệu” vừa bảo vệ môi trường, vừa gây quỹ giúp người nghèo của chi hội phụ nữ; mô hình “Chắp cánh trẻ em đến trường” của chi đoàn hỗ trợ tiền định kỳ hằng tháng cho học sinh nghèo vượt khó, sửa sang nhà cửa cho một số hộ khó khăn.

Chi hội Cựu chiến binh thôn An Lộc Nam thì thực hiện chăm sóc công viên, đường hoa... Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn An Lộc Nam Phạm Văn Thái cho biết, hầu hết các công việc của thôn, đều có sự phối hợp giữa 3 chi. Trong đó, chi bộ lãnh đạo toàn diện và phân công các đồng chí đảng viên đảm nhận các vị trí là bí thư chi đoàn, chi hội trưởng... Đối với hoạt động của chi đoàn, chi hội thực hiện rất nền nếp. Các phong trào thi đua của địa phương luôn được các chi đoàn, chi hội tham gia ủng hộ cao, có hiệu quả.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của 3 chi đã giúp thôn An Lộc Nam, xã Bình Trị (Bình Sơn) trở thành khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. ẢNH: HIỀN THU
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của "3 chi" đã giúp thôn An Lộc Nam, xã Bình Trị (Bình Sơn) trở thành khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. ẢNH: HIỀN THU


Không chỉ ở thôn An Lộc Nam mà 4 thôn còn lại của xã Bình Trị đều thực hiện hiệu quả mô hình “3 chi”. Trong giai đoạn xã Bình Trị thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, mô hình “3 chi” phát huy hiệu quả rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Trị đạt trên 59 triệu đồng/người/năm. Đây là một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao của huyện.

Hiện nay, Đảng bộ xã Bình Trị có 192 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ. Xã đã củng cố được 5 chi hội phụ nữ với gần 1.200 hội viên; 5 chi hội nông dân với hơn 800 hội viên; 5 chi đoàn với trên 2.000 đoàn viên, thanh niên. Bí thư Đảng ủy xã Bình Trị Bùi Việt Khoa cho biết, với vai trò lãnh đạo của chi bộ, các chi hội, chi đoàn đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức hội.

Trong đó, vai trò xung kích, tình nguyện của chi đoàn rất cao. Chi bộ lãnh đạo toàn diện, phân công các đồng chí đảng viên đảm nhận các vị trí là bí thư chi đoàn, chi hội trưởng. Những địa bàn không có đảng viên, chi bộ trực tiếp phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ, trực tiếp lãnh đạo các chi hội. Qua xây dựng mô hình “3 chi” đã góp phần tạo động lực để kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Mô hình xây dựng “3 chi” được Bình Sơn triển khai thực hiện từ năm 2002 nhằm xây dựng và củng cố tổ chức, dấy lên phong trào thi đua hành động cách mạng của quần chúng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Hòa Lê Văn Nguyên cho biết, mô hình “3 chi” được triển khai tại địa phương khá đồng bộ, trong đó vai trò của chi bộ vừa lãnh đạo, gắn kết và tổ chức thực hiện.

Hoạt động của “3 chi” tại 5 thôn có sự phối hợp rất chặt chẽ, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và phương thức lãnh đạo đối với công tác vận động nhân dân. Nhiều phong trào hành động cách mạng của quần chúng được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả. Tiêu biểu như việc huy động nhân dân làm đường bê tông nông thôn, thắp sáng đường quê, xây dựng các mô hình nhân đạo từ thiện như “Bữa sáng yêu thương”, “Kết nối tình quê”...

K.NGÂN - H.THU - TR.PHƯƠNG - T.THUẬN
Trình bày: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 21:05, 29/10/2023