[Emagazine]. Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

06:52, 21/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các đô thị ven biển đang là mối quan tâm lớn của nhiều địa phương. Bởi lẽ, các đô thị  ở khu vực này luôn chịu sự tác động của BĐKH, nhất là tình trạng ngập lụt và nước biển dâng gây sạt lở.

    

 

Những năm qua, các đô thị ở khu vực Nam Trung Bộ chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, như nước biển dâng, bão, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở...

Một góc thành phố Quảng Ngãi. 		 Ảnh: MINH THU
Một góc thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: MINH THU

Tại Quảng Nam, trong 10 năm trở lại đây, bờ biển Cửa Đại ở TP.Hội An liên tiếp bị xâm thực, sạt lở, nhất là tại khu vực bãi tắm thuộc phường Cửa Đại và Cẩm An. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều công trình, giải pháp ngăn sạt lở, nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Tại TP.Đà Nẵng, theo thống kê của Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), từ năm 2015 - 2020, bờ biển Đà Nẵng có 12 điểm sạt lở với tổng chiều dài 8,47km. Tình trạng sạt lở bờ biển tại đây thường diễn ra vào những thời điểm có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới.

Đua thuyền trên sông Trà Khúc. Ảnh: N.N.HIẾU
Đua thuyền trên sông Trà Khúc. Ảnh: N.N.HIẾU
Kè chắn sóng thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi.
Kè chắn sóng thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng sạt lở bờ biển cũng đang ở mức báo động. Tốc độ sạt lở bờ biển bình quân từ 5 - 10m/năm, có những vùng lên đến hơn 30m/năm. Tổng chiều dài đoạn sạt lở hơn 29km. Còn lại, toàn bộ đường bờ biển đều có nguy cơ sạt lở, tùy theo diễn biến mưa và dòng chảy tại các khu vực. Riêng địa bàn TP.Quảng Ngãi, trong 3 năm qua, tỉnh đã đầu tư 240 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kè chống sạt lở khẩn cấp tại xã Nghĩa An, Tịnh Khê và Tịnh Kỳ. Tại thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, vào cuối năm 2021, hàng trăm mét bờ biển tại đây đã bị sạt lở do triều cường. Nước biển đã xâm thực vào tận đường giao thông chạy dọc biển và cách khu dân cư gần nhất chỉ khoảng 15 - 20m. Ứng phó khẩn cấp với sạt lở, tỉnh đã đầu tư 85 tỷ đồng xây dựng tuyến kè dài 700m và gấp rút hoàn thành trong năm 2022, qua đó giúp người dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản mỗi khi có bão lũ, triều cường.

Thành phố Quảng Ngãi chú trọng phát triển mảng xanh đô thị. 

Theo Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Nhâm Xuân Sỹ, thời gian qua, BĐKH ngày càng biểu hiện rõ nét ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và vùng duyên hải miền Trung nói chung, gây nên tình hình thời tiết cực đoan, với tình trạng nhiệt độ tăng cao, mưa lớn bất thường, cường độ và đường đi của các cơn bão ngày càng diễn biến phức tạp. Từ năm 2022 đến nay, tại nhiều thời điểm, nhiệt độ đo được tại Quảng Ngãi lên đến gần 430C. Trong 3 năm trở lại đây, tại nhiều xã, phường của TP.Quảng Ngãi, lượng mưa đo được dao động từ 532 -576mm/ngày, vượt mức kỷ lục năm 2009.

Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 111 cơn bão, 46 đợt áp thấp nhiệt đới. Khi xảy ra bão kết hợp với triều cường và lũ lớn đã gây nên tình trạng ngập lụt tại nhiều vùng trũng, thấp ven biển, nơi không có hệ thống đê biển bảo vệ.

    

 

Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, đô thị chịu nhiều hậu quả của BĐKH. Vì vậy, cần lồng ghép các giải pháp ứng phó tác động BĐKH trong quy hoạch đô thị. Việc quy hoạch đô thị ứng phó với BĐKH cần được thực hiện trong tất cả các nội dung quy hoạch, từ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải... Song, phải phù hợp với chiến lược tổng thể ứng phó với BĐKH của quốc gia, với tầm nhìn dài hạn.

 

“Để lồng ghép ứng phó BĐKH vào quy hoạch đô thị, các địa phương cần phân tích, đánh giá tác động của BĐKH đến từng nội dung quy hoạch để đề xuất giải pháp ứng phó ưu tiên. Chẳng hạn, trong quy hoạch không gian đô thị, cần xem xét, ưu tiên không gian dành cho tái định cư, để ứng phó với tình trạng các đợt mưa lớn xảy ra nhiều hơn và lượng mưa ngày càng tăng cao gây ra các trận lũ quét, xói mòn, ảnh hưởng đến nhà ở, công trình công cộng. Quy hoạch, thiết kế không gian cây xanh, không gian công cộng linh hoạt để thích ứng với thời tiết ngày càng khô nóng, thời gian nắng nóng kéo dài”, Tiến sĩ Ngô Trung Hải dẫn chứng.

Thành phố Quảng Ngãi đang tập trung phát triển về phía biển. 
Ảnh: NGUYỄN ĐỨC MINH
Thành phố Quảng Ngãi đang tập trung phát triển về phía biển.

Lồng ghép giải pháp ứng phó tác động của BĐKH vào quy hoạch, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai để định hướng giải pháp thích ứng với BĐKH. Trong đó, tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước tại các khu vực đô thị, khu vực dân cư hạ lưu sông Trà Khúc. Đối với các đô thị mới hình thành, thực hiện tách hệ thống tiêu thoát nước thải với hệ thống tiêu thoát nước mưa và xử lý trước khi tiêu ra kênh, ra sông, đặc biệt tại các khu vực thượng lưu của đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua chủ trương đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải TP.Quảng Ngãi, lưu vực phía nam hạ lưu sông Trà Khúc, với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024 - 2027.

Nội dung: Ý THU
Trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:52, 21/10/2023