(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải nhớ rằng Đảng, Chính phủ tin cậy vào cán bộ, nơi nào khó, có cán bộ. Việc gì khó có cán bộ”. Làm theo lời Bác, nhiều cán bộ, đảng viên không ngại khó, không ngại khổ, chủ động chọn việc khó, việc nổi cộm, phức tạp để giải quyết. Sự hài lòng của người dân tăng lên, trong khi các vấn đề dân sinh bức xúc giảm hẳn đã khẳng định hiệu quả của tinh thần làm việc trách nhiệm, tích cực tháo gỡ việc khó của nhiều cán bộ, đảng viên.
Hơn 60 năm sinh sống tại tổ dân phố 4 (TDP), phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ), năm nay là năm đầu tiên, gia đình ông Lê Văn Trình được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. “Sống đã quá nửa đời người, cuối cùng, tôi cũng chờ được đến ngày có nước trong veo để dùng, thay cho nước phèn vàng khè, nổi váng, phải lọc đi lọc lại đến 2 - 3 lần mà vẫn không hết mùi tanh trước kia”, ông Trình bộc bạch.
Niềm vui của ông Lê Văn Trình, ở tổ dân phố 4, phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ), khi nước sạch được đấu nối về tận nhà. ẢNH: Ý THU |
Hơn 200 hộ dân địa phương phải sống chung với nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nghiêm trọng, khiến Chi ủy TDP 4, phường Phổ Minh luôn trăn trở về việc giải “bài toán” nước sạch cho người dân. “Địa phương mới từ huyện lên thị xã nên còn nhiều khó khăn. Trung tâm thị xã có nhà máy nước sạch, nhưng chưa có nguồn đầu tư đưa nước sạch về tất cả các khu dân cư. Do đó, để đưa nước sạch về TDP, Chi ủy TDP 4 xác định, nêu gương là điều kiện tiên quyết”, Bí thư Chi bộ TDP 4 Nguyễn Văn Mật chia sẻ.
Vậy là, thành viên trong Chi ủy TDP 4 không chỉ là những người đầu tiên góp tiền để đấu nối nước sạch mà còn tiên phong đóng góp thêm để “gánh” bớt chi phí đấu nối nước sạch cho các hộ nghèo tại đây. Nhờ đó mà trong vòng 60 ngày kể từ lúc Chi ủy TDP 4 thông báo chủ trương đến người dân, 120 hộ dân TDP đã đồng thuận nộp gần nửa tỷ đồng để thực hiện. Ngay sau đó, nước sạch chính thức được đấu nối về tận ngõ hơn phân nửa hộ dân ở TDP 4. Thấy được hiệu quả, các hộ dân còn lại tiếp tục đồng thuận đấu nối, vậy là nước sạch phủ khắp TDP.
Hơn 1 năm kể từ ngày Đảng ủy xã Bình Hiệp (Bình Sơn) triển khai thực hiện mô hình “Hướng về cơ sở vào sáng thứ 5 hằng tuần”, nhiều việc khó của người dân đã được địa phương giải quyết thỏa đáng.
Chia sẻ niềm vui khi được cấp thẩm quyền hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho thửa đất bị nhập nhằng về pháp lý, ông Nguyễn Tuấn, ở thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp cho hay, thửa đất rộng hơn 900m2 thuộc sở hữu của vợ chồng tôi, nhưng đến năm 1997, con trai tôi đã đi làm GCNQSDĐ đứng tên mình mà vợ chồng tôi không hề hay biết. Mãi đến năm 2016, khi con trai cầm cố đất và bị Nhà nước thu hồi một phần đất để bán đấu giá tài sản, tôi mới biết việc này. Trước sự việc trên, tôi yêu cầu địa phương hướng dẫn vợ chồng tôi lấy lại quyền sở hữu đối với phần đất của mình. Vụ việc chưa được giải quyết, thì đến năm 2017, thửa đất lại có một phần diện tích bị thu hồi để phục vụ dự án Mở rộng Quốc lộ 1. Đến năm 2019, vợ tôi qua đời, vướng mắc lại phát sinh, khiến việc làm lại GCNQSDĐ khó càng thêm khó.
Sau khi kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc đối thoại, Đảng ủy xã Bình Hiệp phân công trực tiếp cán bộ tư pháp - hộ tịch hỗ trợ tôi tháo gỡ các vướng mắc, xác thực quyền sở hữu đối với phần đất của mình. "Nếu địa phương không giúp đỡ, thì một người đã ngoài 80 tuổi như tôi lại không am hiểu nhiều sẽ không thể nào gỡ được khó khăn này", ông Tuấn xúc động chia sẻ.
Là địa phương để xảy ra nhiều tồn tại trong quản lý đất đai kéo dài nhiều nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bình Hiệp nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, tăng cường hướng về cơ sở, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân là giải pháp giải quyết tận gốc những tồn tại. Từ năm 2021 đến nay, thông qua các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân, xã đã ghi nhận 112 ý kiến, kiến nghị. Tất cả đã được địa phương giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền. Cùng với đó, đối với 41 kiến nghị về các vụ việc nổi cộm, bức xúc, tồn tại nhiều nhiệm kỳ mà người dân nêu ra tại Hội nghị tiếp xúc đối thoại với Bí thư Huyện ủy vào cuối năm 2021 cũng được đảng ủy xã tập trung tháo gỡ. Từ tháng 1/2022 - 2/2023, đảng ủy xã đã ban hành 12 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt phụ trách từng thôn, từng vụ việc. Nhờ đó, xã đã giải quyết dứt điểm 26/26 vụ việc, kiến nghị thuộc thẩm quyền. Đồng thời, tích cực phối hợp với huyện tập trung giải quyết các vụ việc còn lại.
“Hướng về cơ sở, trọng dân, gần dân, lắng nghe bức xúc và nguyện vọng chính đáng của từng người dân là cách để địa phương cùng nhau tháo gỡ những bất cập phát sinh ngay từ thôn, xóm, tránh phát sinh điểm nóng, việc nổi cộm. Từ đó, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hiệp Phạm Hồng Nguyên chia sẻ.
Bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội luôn là việc khó. Nhưng một dự án trọng điểm quốc gia là dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi- Hoài Nhơn lại trở thành điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) Nguyễn Xuân Pháp (bên phải) đến tận nhà giải đáp thắc mắc của người dân về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. ẢNH Ý THU |
Có tổng chiều dài 88km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 60,3km, dự án phải thu hồi gần 500ha đất, ảnh hưởng đến hơn 5.500 hộ dân, trong đó có 1.700 hộ dân phải tái định cư. Nhưng chưa đầy 1 năm kể từ ngày được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Quảng Ngãi đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng diện tích thu hồi đạt hơn 90% diện tích quy hoạch. Cũng chỉ sau 8 tháng thực hiện, Quảng Ngãi đã hoàn thành 23/23 khu tái định cư, đủ điều kiện để bàn giao cho 1.700 hộ dân.
Người dân ảnh hưởng bởi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đã bắt đầu xây dựng nhà ở tại các khu tái định cư. ẢNH: Ý THU |
Nằm trong vùng dự án, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) có 598 hộ dân bị ảnh hưởng. Với số hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn, cả hệ thống chính trị của địa phương đã cùng vào cuộc, chia làm 4 tổ công tác, làm việc không kể ngày, đêm, kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật để “đi tận ngõ, gõ tận nhà”, giải thích tường tận về ý nghĩa của công trình đến người dân. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên tại địa phương đã phát huy vai trò nêu gương, là những người đầu tiên bàn giao mặt bằng phục vụ dự án. Nhờ đó, chỉ sau 60 ngày, 598 hộ dân đã đồng thuận bàn giao 67ha đất thực hiện dự án.
Khu tái định cư Đồng Bà Thơi, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), khu tái định cư của dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với hạ tầng đồng bộ. ẢNH: Ý THU |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện dự án, Quảng Ngãi xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tại cơ sở, các cán bộ, đảng viên, người có uy tín đến với từng nhà giải thích để người dân hiểu rõ ý nghĩa của dự án, quyền lợi chính đáng mà người dân được thụ hưởng. Với những hộ dân chưa hiểu, chưa hài lòng, các địa phương tập trung phân loại từng người dân là đoàn viên, hội viên của các tổ chức để có cách tiếp cận, tuyên truyền, vận động hiệu quả.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Quảng Ngãi đã trở thành điểm sáng về tiến độ bàn giao mặt bằng cũng như thi công các khu tái định cư. Đây là dự án mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho tỉnh về tập hợp lòng dân để thực hiện công trình trọng điểm, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: