[Emagazine]. Đảng viên vùng cao Quảng Ngãi (Kỳ cuối)

17:29, 31/10/2023
.
 

 

 

(Baoquangngai.vn)- Đảng viên có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, nhất là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Do đó, cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp ủy đảng cần chú trọng công tác tạo nguồn lực kế cận cho Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho tổ chức đảng và đảng viên, góp phần chăm lo đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi đảng viên.

 

Ba Tơ là huyện miền núi nằm ở phía tây nam tỉnh Quảng Ngãi. Đảng bộ huyện có 53 chi, đảng bộ cơ sở, với 199 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó có 93/93 chi bộ thôn, tổ dân phố. Toàn Đảng bộ huyện có hơn 4.000 đảng viên. 

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng triển khai thực hiện công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên bảo đảm về số lượng và chất lượng. Qua đó, góp phần tăng cường nguồn lực cho Đảng, trẻ hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

ẢNH: Kết nạp đảng viên ở chi bộ thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) góp phần tăng cường nguồn lực cho Đảng.
Lễ kết nạp đảng viên ở Chi bộ thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).

Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho biết, từ năm năm 2020 đến nay, Đảng bộ huyện đã kết nạp 397 đảng viên, trong đó có 243 đảng viên là người DTTS, chiếm tỷ lệ 61,2% so với tổng số đảng viên được kết nạp. 

 

Việc chú trọng phát triển đảng viên nói chung, đảng viên là người DTTS nói riêng đã giúp các tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ huyện Ba Tơ không ngừng lớn mạnh. Hầu hết đội ngũ đảng viên đều phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, trở thành những hạt nhân trong công tác thực hiện, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các DTTS được thuận lợi, hiệu quả hơn. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo ông Đinh Ngọc Vỹ, công tác phát triển đảng viên trên địa bàn huyện trong những năm qua đều đạt những kết quả đáng khích lệ cả về số lượng lẫn chất lượng. Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đều có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo Đảng và Bác Hồ, nên việc tuyên truyền, vận động các quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng để tạo nguồn phát triển đảng viên có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì công tác phát triển đảng viên trên địa bàn các huyện miền núi và vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Ba Tơ nói riêng là nhiệm vụ không dễ dàng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các hội, đoàn thể.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều người trẻ chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình mà chưa có tư tưởng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng.
Do cuộc sống còn khó khăn nên nhiều lao động trẻ đi làm ăn xa để phát triển kinh tế gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên nói chung và trong đồng bào DTTS nói riêng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Linh (Sơn Hà) Đinh Văn Luột bày tỏ, trong những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên hằng năm luôn là điều trăn trở của cấp ủy địa phương. Do đời sống còn nhiều khó khăn nên phần đông thanh niên phải rời quê đi làm ăn xa, dẫn đến thiếu nguồn lực để giới thiệu cho Đảng. Một số trường hợp phấn đấu tốt, tha thiết được đứng vào hàng ngũ của Đảng thì không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng, như vi phạm về chính sách dân số, hạn chế về trình độ, tảo hôn…

Thực tế cho thấy, để giữ chân số lao động trẻ ở lại quê hương làm ăn, nhằm tạo nguồn phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận cho địa phương là việc làm không đơn giản, vì liên quan đến nhiều yếu tố. Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng đồng bào DTTS nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tại địa phương không có nhiều việc làm, thu nhập không ổn định, nên nhiều lao động trẻ chọn cách ly hương để mưu sinh với mong muốn sớm thay đổi cuộc sống. 

 

 

 

Đảng viên là nhân tố cơ bản nhất, năng động nhất của tổ chức đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Do đó, công tác phát triển đảng viên, bổ sung nguồn lực trẻ cho Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là ở địa bàn miền núi. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, đòi hỏi sự quyết liệt, trách nhiệm, tâm huyết ngay từ các chi bộ, đảng bộ cơ sở; đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và cách làm phù hợp, hiệu quả hơn để thu hút quần chúng ưu tú vào Đảng.

Với điều kiện ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên việc phát triển đảng viên cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Điều kiện kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi nói chung, huyện Sơn Tây nói riêng còn nhiều khó khăn, nên ảnh hưởng nhất định đến công tác phát triển đảng viên. Ảnh: BÙI THANH TRUNG.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Sơn Tây kết nạp được 211 đảng viên, trong đó có 84 đảng viên là người DTTS, nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ huyện lên 1.491 đảng viên, trong đó có 905 đảng viên là người DTTS. Từ thực tế và kinh nghiệm triển khai tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Tây Đinh Quang Ven cho rằng, để thực hiện tốt hơn công tác phát triển đảng viên ở miền núi và vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới là cần thực hiện đồng bộ các chính sách. Trong đó, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Xây dựng và nhân rộng các nhân tố điển hình là các đảng viên trẻ người DTTS đã tiên phong, gương mẫu thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Qua đó, lan tỏa, khích lệ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tích cực thi đua lao động, sản xuất, học tập nâng cao trình độ. 

 

Theo Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Trần Văn Luật, để có nguồn lực dồi dào giới thiệu cho Đảng thì chúng ta không chỉ trông chờ vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, mà cần mở rộng đối tượng là hội viên nông dân, phụ nữ, quân nhân xuất ngũ, đồng bào theo đạo, giáo viên và học sinh…. Quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy là coi việc phát triển đảng viên không chỉ là nhiệm vụ chính trị hằng năm, mà còn là trách nhiệm trong việc xây dựng những “hạt nhân” nòng cốt để làm “cầu nối” đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Vì vậy, các cấp ủy, các hội, đoàn thể đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động để đoàn viên, quần chúng nhân dân thay đổi nhận thức và thấy rõ vinh dự khi được trở thành đảng viên; coi đây là trách nhiệm, đồng thời là cơ hội để hoàn thiện bản thân, cống hiến tốt hơn cho quê hương.

Phát triển đảng viên là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm lớn, quyết tâm cao ngay từ các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Bài học kinh nghiệm được rút ra từ nhiều đảng bộ, chi bộ là muốn làm tốt công tác phát triển đảng viên trước hết phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của cấp ủy, từng đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu.

Trung tâm Chính trị huyện Sơn Hà trao giấy khen cho các học viên Lớp đảng viên mới có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: TRUNG THẠCH.
Trung tâm Chính trị huyện Sơn Hà trao giấy khen cho các học viên Lớp đảng viên mới có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: TRUNG THẠCH.
Huyện ủy Trà Bồng tổ chức lễ chào cờ đầu tuần của tháng với mục đích lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, công chức.
Huyện ủy Trà Bồng tổ chức lễ chào cờ đầu tuần của tháng, nhằm lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong công tác phát triển đảng viên. Quan tâm xây dựng tổ chức và phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia công tác phát triển đảng viên thông qua việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cho phù hợp; nội dung sinh hoạt mang tính thiết thực, phong phú và có sức hấp dẫn, nhằm lan tỏa thu hút quần chúng tham gia, qua đó phát hiện các nhân tố tích cực để giới thiệu cho Đảng.  

Ngoài ra, các địa phương cũng cần đưa công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại chỗ, nhằm khuyến khích, động viên quần chúng là đồng bào DTTS có động lực phấn đấu vào Đảng. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức đoàn thể, từng đảng viên theo dõi kèm cặp, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của quần chúng để giúp đỡ, qua đó phát hiện những nhân tố tích cực đưa vào quy hoạch nguồn cán bộ kế cận, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh, trong đó có vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỉnh ủy đã giao chi tiêu cụ thể cho các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Căn cứ vào chỉ tiêu được giao, các cấp ủy xây dựng kế hoạch cụ thể theo tình hình thực tế của địa phương. Coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hằng năm của các cấp ủy. 

 

Đội ngũ đảng viên được ví như những “hạt giống đỏ”, những “hạt nhân” nòng cốt trong mọi hoạt động ở cơ sở. Tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy cùng với quyết tâm của các cấp ủy đảng, ngày càng có nhiều “hạt giống đỏ” được nảy mầm ở nơi vùng cao Quảng Ngãi. Qua đó, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở miền núi và vùng đồng bào DTTS.

Thực hiện: Đ.NGUYỄN - N.ĐỨC - T.HẬU - T.NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:29, 31/10/2023