(Baoquangngai.vn)- Việc giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi trong công tác này là rất lớn. Song, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác phát triển đảng viên ở vùng nông thôn, miền núi, vùng biển gặp rất nhiều bất cập, do gặp khó khăn trong việc tạo nguồn. Do đó, bài toán "già hóa” đội ngũ đảng viên ở các tổ chức đảng cơ sở đang cần một lời giải cấp bách hiện nay.
Đảng bộ huyện Lý Sơn hiện có 891 đảng viên, sinh hoạt tại 24 tổ chức cơ sở đảng. Những năm qua, việc phát triển đảng viên luôn là bài toán khó đối với huyện Lý Sơn. Nguồn quần chúng giới thiệu cho Đảng tại các chi bộ ở Lý Sơn ngày càng cạn dần, không ít chi bộ nhiều năm liền không có nguồn để kết nạp đảng viên.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn) Nguyễn Thị Kiều, trước đây khi còn chính quyền cấp xã, việc phát triển đảng viên có thuận lợi hơn, vì có nguồn quần chúng làm việc trong cơ quan hành chính cấp xã và các tổ chức đoàn thể. Từ năm 2020 đến nay, khi huyện Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã, chi bộ không phát triển thêm được đảng viên nào, trong khi số lượng đảng viên giảm từ 61 đồng chí xuống còn 59 đồng chí, do chuyển sinh hoạt Đảng. Số đảng viên sinh hoạt trong chi bộ hiện chủ yếu là cán bộ hưu trí.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí nhìn nhận, với đặc thù địa bàn huyện Lý Sơn hiện nay thì việc phát triển đảng viên đang là một thách thức. Trước đây, nguồn kết nạp đảng viên chủ yếu nằm trong cơ quan hành chính nhà nước, trường học và cơ quan công an, quân sự. Tuy nhiên, từ khi chính quyền cấp xã giải thể, đội ngũ quần chúng làm công tác tại các cơ quan hành chính cấp xã không còn nữa, trong khi đó, số lượng biên chế ngày càng giảm nên nguồn quần chúng trong các cơ quan hành chính ngày càng ít dần. Cùng với đó, tỷ lệ dân số Lý Sơn “cơ học” rất lớn, nhiều thanh niên đi làm ăn xa.
Nhiều năm nay, Chi bộ thôn Tây An Vĩnh (huyện Lý Sơn) không kết nạp được đảng viên. Ảnh: N.Đ |
Hơn nữa, khi còn không còn cấp xã thì các hoạt động phong trào của hội, đoàn thể ở cấp cơ sở hoạt động thiếu đồng bộ, không có nhiều phong trào được tổ chức nên không có điều kiện để phát hiện các nhân tố là hội viên, đoàn viên tích cực giới thiệu cho Đảng.
“Việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú trong lực lượng nông dân, ngư dân… để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp thực sự đang gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, thuyết phục, vận động thay đổi nhận thức cho lực lượng này là không dễ dàng. Huyện đã làm nhiều cách nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguồn phát triển đảng viên hiện nay của huyện đang dựa vào các quần chúng là giáo viên, nhưng cũng đang cạn”, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí chia sẻ.
>> Xem Video: Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí nói về khó khăn trong phát triển đảng viên ở huyện:
Vì thiếu nguồn, nên việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên của huyện Lý Sơn luôn gặp khó. “Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao chỉ tiêu huyện Lý Sơn phát triển 30 đảng viên, nhưng cố gắng lắm huyện mới kết nạp được 28 đảng viên. Năm 2023, huyện được giao chỉ tiêu phát triển 35 đảng viên, nhưng đến nay huyện chỉ mới kết nạp được 18 đảng viên. Hiện tỷ lệ đảng viên của huyện chỉ đạt khoảng 4%/dân số, còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước”, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí cho biết.
Phát triển đảng viên sẽ góp phần tạo thêm sức mạnh cho các chi bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, song công tác này hiện đang gặp khó khăn. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất chính là thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, đảm bảo chất lượng để kết nạp vào Đảng. Chính vì vậy, đảng viên ở nhiều chi bộ ngày càng “già hóa”, chỉ có đảng viên là cán bộ hưu trí, người cao tuổi.
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) Phạm Tấn Phước trao đổi với Chi ủy, Chi bộ thôn Thanh An - Phú Thọ về công tác phát triển đảng viên. |
Qua khảo sát thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều đảng bộ xã, phường, thị trấn hằng năm vẫn hoàn thành kế hoạch phát triển đảng viên, nhưng nguồn phát triển chỉ loanh quanh ở chi bộ trường học, cơ quan. Số đảng viên là người lao động tự do được kết nạp tại các chi bộ tổ dân phố không nhiều.
Là xã ven biển, dân số trên 8.000 người, nhưng đảng viên trong toàn đảng bộ xã chỉ có gần 200 đảng viên, chiếm 2,5% dân số. Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) Phạm Tấn Phước cho rằng, hằng năm đảng ủy xã xem xét kết nạp đúng, đủ và vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên cấp trên giao. Song, nguồn kết nạp đảng viên chủ yếu dựa vào các quần chúng ưu tú trong khối cơ quan, trường học. Việc tạo nguồn phát triển đảng viên đang thực sự là vấn đề nan giải, bởi những hạt nhân ưu tú ở địa phương không có nhiều, lao động trẻ thì đi làm ăn xa…
>> Xem Video: Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú Phạm Tấn Phước chia sẻ về công tác phát triển đảng viên tại địa phương
Không chỉ ở Nghĩa Phú, mà nhiều xã ven biển trong tỉnh, như xã Bình Châu (Bình Sơn), phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ)… đều có tỷ lệ đảng viên/tổng dân số đạt thấp. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đảng viên ở các chi bộ nông thôn chưa cao là do số lượng lớn đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể đều đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố khác trong và ngoài tỉnh, không tham gia những hoạt động, phong trào thi đua tại địa phương, nên không đủ căn cứ đánh giá là quần chúng ưu tú để cấp ủy bồi dưỡng, xem xét kết nạp vào Đảng.
Có thể thấy rằng, việc chú trọng phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và khu vực miền núi của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần củng cố, xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tạo nguồn cho các tổ chức cơ sở đảng tại địa phương. Tuy nhiên, nguồn phát triển đảng viên ở các chi bộ vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh niên trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp. Số thanh niên nông thôn trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn giới thiệu cho Đảng không có nhiều.
Tình trạng tảo hôn ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số cũng là một phần nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phát triển đảng viên. Trong ảnh: Anh Hồ Văn Linh, ở tổ 5, thôn Trà Linh, xã Hương Trà (Trà Bồng) và các con. Ảnh: THIÊN HẬU |
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Linh (Sơn Hà) Đinh Văn Luộc cho biết, công tác phát triển đảng viên ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nguồn trong các cơ quan, đơn vị không còn, vì đã phát triển hết nên không có nguồn để giới thiệu. Các tổ chức đoàn thể ở thôn cũng có những quần chúng tích cực, muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng nhưng lại thiếu tiêu chí về trình độ văn hóa, vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình hoặc tảo hôn.
Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác phát triển đảng viên ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Ba Tơ kết nạp được 314 đảng viên, nhưng tỷ lệ đảng viên được kết nạp ở các chi bộ nông thôn chỉ đạt tỷ lệ 40%.
Một số chi bộ thôn, tổ dân phố nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Như ở Chi bộ thôn Ba Nhà, xã Ba Giang, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chi bộ chưa kết nạp được đảng viên nào. Bí thư Chi bộ thôn Ba Nhà Phạm Văn Tiêu chia sẻ, thực tế ở địa phương có nhiều thanh niên ưu tú muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng nhưng lại dính vào tình trạng tảo hôn, nên không được kết nạp vào Đảng.
>> Xem Video: Bí thư Chi bộ thôn Ba Nhà, xã Ba Giang Phạm Văn Tiêu chia sẻ về khó khăn trong phát triển đảng viên mới của địa phương vì vướng nạn tảo hôn.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ba Tơ Đinh Thị Bắc cho biết, chủ trương không kết nạp vào Đảng đối với những quần chúng vi phạm tảo hôn cũng gây trở ngại cho việc phát triển đảng viên ở khu vực miền núi. Ví dụ những trường hợp vi phạm, xử lý và đã hết thời hiệu thì nên xem xét, vì quần chúng đó vi phạm tảo hôn nhưng họ phấn đấu tốt, đủ tư cách, đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng.
>> Xem Video: Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh trao đổi về khó khăn trong công tác phát triển đảng viên.
Nội dung: N.ĐỨC - D. HIẾU - T.THUẬN
Thiết kế, trình bày: L.H