Để cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm

17:09, 06/10/2023
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng đang là vấn đề đáng báo động. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy, thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Trên thực tế, tình trạng cán bộ thiếu chủ động, sáng tạo trong công việc, làm việc cầm chừng đang là vấn đề báo động. Tại Công điện số 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra: “Ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền...”. Có nơi "rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước", làm quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây nên "điểm nghẽn" cho sự phát triển. Vì vậy, việc tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên vì lợi ích của đất nước, của nhân dân chính là giải pháp giải quyết tận gốc "căn bệnh" sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân giúp cán bộ Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Phạm Văn Thanh (bên phải) đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực, đáp ứng nhu cầu người dân.                                                                                                                                                                             ẢNH: Ý THU
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân giúp cán bộ Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Phạm Văn Thanh (bên phải)
đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực, đáp ứng nhu cầu người dân. ẢNH: Ý THU

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, TP.Quảng Ngãi không đề xuất kinh phí thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2024. Nguyên nhân được địa phương đưa ra là, nguồn vốn bố trí thực hiện dự án vào năm 2022, đến nay, địa phương vẫn chưa giải ngân xong. Đồng thời, mặc dù UBND TP.Quảng Ngãi đã yêu cầu các xã, phường rà soát, báo cáo nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân thực hiện mô hình, nhưng không có xã, phường nào đề xuất. Trong khi đó, TP.Quảng Ngãi còn hơn 700 hộ nghèo. Nhiều hộ, dù đang trong độ tuổi lao động, nhưng không có việc làm, không được định hướng mô hình sinh kế phù hợp.

Trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (Chương trình), hầu hết các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh chưa thể giải ngân nguồn vốn thực hiện tiểu dự án ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN. Các địa phương lý giải, Bộ TT&TT chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên chưa có cơ sở tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, về vấn đề này, tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã nêu rõ và yêu cầu các địa phương thực hiện nội dung trên cơ sở đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Để giải quyết vấn đề cán bộ, đảng viên không dám làm, không dám quyết, sợ sai, sợ trách nhiệm, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu lên nội dung rất mới, đó là phải có cơ chế để bảo vệ những cán bộ “6 dám”. Điều này nhận được sự ủng hộ, tâm đắc của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ “6 dám” nghĩa là phải “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh), trong lịch sử, ở mỗi thời kỳ, vai trò của những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung luôn tạo ra nhiều đột phá, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, nhân dân. Câu chuyện về việc xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, góp phần quan trọng vào việc giải quyết tình trạng thiếu điện ở phía nam, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế đất nước. “Năm 1992, đất nước còn bộn bề khó khăn, việc xây dựng đường dây tải điện thông suốt Bắc - Nam được xem là một việc làm đột phá, táo bạo và chưa từng có tiền lệ. Ở thời điểm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải vượt qua nhiều trở lực về cơ chế, ý kiến trái chiều về công trình này. Sự quyết tâm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó, không phải chỉ dựa vào ý chí, mà tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng dựa trên thực tiễn và có giải pháp thực hiện bài bản. Nhờ đó, vào ngày 27/5/1994, đường dây 500kV Bắc - Nam dài gần 1.500km được đưa vào vận hành chỉ sau 2 năm xây dựng “thần tốc”, giải quyết được tình trạng thiếu điện, tạo liên kết lưới điện 3 miền, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước”, PGS.TS Hà Minh Hồng nhấn mạnh.

 

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, từ những bài học trong lịch sử, cần thúc đẩy, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, có nhiều vấn đề mới, vấn đề khó phát sinh cần sự quyết tâm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phải có cơ chế riêng để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Cơ chế ở đây có thể là quyết định của địa phương, cơ quan, đơn vị về việc cho thực hiện thí điểm đối với các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, những giải pháp, đề xuất này phải vì lợi ích chung và có cơ sở khoa học, có tính khả thi cao.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Nguyễn Thanh Hoài cho rằng, trong lĩnh vực cải cách hành chính đòi hỏi người cán bộ phải linh hoạt, sáng tạo để phù hợp với tình hình thực tiễn. Những sáng kiến, cách làm mới ấy có thể chưa có quy định, chưa có tiền lệ nhưng khi phù hợp với chủ trương của Đảng, nguyên tắc của pháp luật, được cấp thẩm quyền cho cơ chế và thời gian để thí điểm chính là hướng mở để cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, đề xuất cách làm mới vì lợi ích người dân. Cũng theo ông Hoài, từ cuối năm 2021 đến nay, Trung tâm đã có 3 sáng kiến, giải pháp, cách làm mới liên quan đến thủ tục hành chính được UBND tỉnh cho cơ chế triển khai thử nghiệm. Các sáng kiến đó đều giúp người dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức khi thực hiện thủ tục hành chính nên được người dân hài lòng, đánh giá cao. Từ đó, tạo động lực để cán bộ Trung tâm tiếp tục đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian qua, hệ thống văn bản quy định của cấp trên thường xuyên thay đổi, một số nội dung quy định chưa rõ ràng, chưa bao quát hết các tình huống trong thực tế đã dẫn đến tình trạng tâm lý e ngại, không dám làm của cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, để cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, phải có những giải pháp bảo vệ cán bộ. Bởi, khi đổi mới, sáng tạo và đương đầu với những việc khó, chưa có tiền lệ, thì không phải lúc nào kết quả thực thi công việc cũng thành công 100%.

Trên thực tế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung đã được nêu ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đi liền với đó là chủ trương khuyến khích, bảo vệ họ phát huy tinh thần đáng quý ấy theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị. Đây là những điều kiện cần, nhưng chưa đủ, từng địa phương, cơ quan, đơn vị cần có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn để cán bộ, đảng viên yên tâm cống hiến, mạnh dạn sáng tạo, đổi mới.

Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:09, 06/10/2023