[Emagazine]. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc: Từ khát vọng đến hiện thực

06:41, 02/09/2023
.
 

Bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ đau đáu một ước mơ cháy bỏng là giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, lời đầu tiên trong Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã đề cập ngay đến quyền con người: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

 

Ở tầm cao văn hóa, dẫn ra tư tưởng về nhân quyền để mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng, xây dựng xã hội trên nền tảng quyền con người thực sự là một ý tưởng phổ quát, đáp ứng một hy vọng mang tính toàn cầu. Bằng Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với thế giới tư thế đĩnh đạc của một dân tộc tự do trong một quốc gia độc lập. Để có được điều ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc phải mất hơn 40 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm ra ánh sáng chân lý của con đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân, phong kiến. Chỉ đến khi thời cơ chín muồi, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên như biển dâng sóng trào, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại quyền làm người, quyền làm chủ vận mệnh đất nước của mình.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, động viên mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức tiến bộ tham gia gánh vác việc nước, xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ trong bối cảnh vận mệnh quốc gia tiếp tục bị thù trong giặc ngoài âm mưu xâu xé. “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, biết hy sinh cái nhỏ để được cái lớn cho toàn dân là phương châm hành động xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việc một số lãnh đạo của Đảng phải rút ra ngoài chính phủ, nhường ghế cho các nhân sĩ trí thức không đảng phái... cho thấy cách nhìn về sự nghiệp cách mạng của quần chúng, niềm tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, mà trong hoàn cảnh đó, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có thể làm được. Nhờ vậy mà từ những trí thức phong kiến yêu nước như Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn... đến những trí thức mới như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Vũ Ngọc Khánh... đều sẵn sàng tham gia “Chính phủ Cụ Hồ”, nhiều người đảm nhiệm các chức vụ quan trọng Quốc hội, Chính phủ liên hiệp kháng chiến để cùng thực hiện mục tiêu cao cả là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bác đã biết cách đánh thức tài năng, nhiệt huyết, trách nhiệm của mỗi người, tập hợp thành sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, đánh đuổi thực dân, dựng xây nhà nước cách mạng dân chủ, vì dân.

Cuộc đời của bác là một tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, học tập suốt đời, vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng...
Cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, học tập suốt đời, vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng... Ảnh TL

Gánh trên vai vận mệnh của cả dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rằng, muốn đất nước phát triển thì người dân phải được tự do, được nói lên nguyện vọng của mình, được sáng tạo và cống hiến cho đất nước. Từ 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đến cuộc đấu tranh thống nhất đất nước bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, tất cả đều thấm đẫm khát vọng độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; một cách sống “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”, một tấm lòng bao dung “thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa” (Tố Hữu)

Học được những bài học từ quá khứ, kế thừa lý tưởng phụng sự đất nước và nhân dân của Bác, trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn, Đảng và Nhà nước ta luôn lấy con người làm trung tâm, phát huy tối đa quyền làm chủ, quyền tự do sáng tạo, quyền được cống hiến của cá nhân, đặc biệt là đội ngũ trí thức. Chính tri thức và lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng của toàn dân đã thúc đẩy sự nghiệp đổi mới thành công, đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần nói chuyện với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã nói rằng: “Đội ngũ trí thức là vàng ròng của đất nước”. Trong bối cảnh thế giới thay đổi mạnh mẽ từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lời nhận định ấy càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi độc lập, tự do sẽ không trọn vẹn ý nghĩa nếu không mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.  

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.                    Ảnh: TL
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.                    Ảnh: TL

Kỷ niệm ngày Quốc khánh (2/9) là dịp mỗi người nhìn lại mình để thêm hiểu, thêm yêu và ghi nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã xem việc toàn tâm dâng hiến đời mình cho dân tộc là lẽ sống, là lý tưởng phụng sự của bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết gộp tất cả những nỗi khổ đau của dân tộc thành nỗi khổ đau của mình, gộp tất cả khát vọng của dân tộc thành khát vọng cháy bỏng của chính mình. Vì thế mà Bản Tuyên ngôn Độc lập do Người công bố 78 năm trước tại Quảng trường Ba Đình cũng chính là bản tuyên ngôn về sứ mệnh quyền con người của dân tộc Việt Nam.

Nội dung: NGUYỄN VÂN THIÊNG
Trình bày: L.H

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:41, 02/09/2023