[Emagazine]. Ươm mầm hạnh phúc

18:06, 22/08/2023
.

 

 

(Baoquangngai.vn)- Được thành lập hơn 3 năm nay, Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh) đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ngoài kỹ thuật và chuyên môn, các y, bác sĩ nơi đây luôn nhiệt tâm, chia sẻ những áp lực, khó khăn của các cặp đôi trong hành trình tìm con. Mỗi cặp vợ chồng là một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau, nhưng ước mong lớn nhất của họ là có được đứa con, được làm cha, làm mẹ…

Xem video:

 

 

Theo chân bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh – Phụ trách Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh), chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Kim Cương (43 tuổi), ở thôn 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức). Chị là trường hợp hiếm muộn lớn tuổi nhất và ca đầu tiên được chữa trị thành công tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh. Gặp và chứng kiến sự lém lỉnh của con trai 3 tuổi cùng nụ cười rạng rỡ của chị, chúng tôi cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc của anh chị trong hành trình điều trị hiếm muộn.

Sau khi con gái lớn được 2 tuổi, vợ chồng chị Cương lên kế hoạch sinh thêm con. Nhưng mãi không thấy dấu hiệu có thai, vợ chồng chị lo lắng đi khám và điều trị ở khắp nơi. “Ròng rã mấy năm trời, chúng tôi không mảy may lo chuyện kiếm tiền, mà chỉ tập trung điều trị để kiếm thêm mụn con. Chúng tôi đã làm thụ tinh nhân tạo ở TP.Hồ Chí Minh và Huế nhưng đều thất bại. Kinh tế kiệt quệ, sức khỏe tôi không còn được như trước. Vợ chồng tôi gần như hết hy vọng và tưởng chừng sắp bỏ cuộc”, chị Cương kể lại những ngày tháng mỏi mòn tìm con.

Nhưng rồi, số phận đã mỉm cười với gia đình chị Cương. Theo lời giới thiệu của người thân, tháng 10/2019, chị Nguyễn Thị Kim Cương đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và gặp bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh. Cơ duyên tạo thành trái ngọt hạnh phúc cho gia đình chị cũng bắt nguồn từ đó. 

Chị Cương nằm trong nhóm bệnh nhân đầu tiên đến điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh. Tiên lượng khả năng thành công của chị khá thấp so với các cặp khác vì lớn tuổi và có bệnh nền. Nhưng may mắn đã mỉm cười khi chị là trường hợp thành công đầu tiên. Cả thai kỳ suôn sẻ, không gặp sự cố. Đến tháng 6/2020, bé trai nặng 3,4kg đã khỏe mạnh chào đời. 

Bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Kim Cương, trường hợp hiếm muộn lớn tuổi nhất và ca đầu tiên được chữa trị thành công tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh.
Bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Kim Cương, trường hợp hiếm muộn lớn tuổi nhất và ca đầu tiên được chữa trị thành công tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh.

Sau 10 năm ròng rã tìm con, cuối cùng gia đình chị Cương đã chạm đến hạnh phúc. Gặp lại vị bác sĩ trẻ đã đồng hành trong hành trình tìm con, chị Cương không giấu được sự xúc động. Chị xem bác sĩ Lĩnh như một ân nhân vì đã giúp vợ chồng chị có được niềm vui lớn lao trong đời. 

 

Nhớ lại hành trình điều trị hiếm muộn cho chị Cương, bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh xúc động nói, cảm xúc vỡ òa không phải là lúc biết chị Cương mang thai, mà là lúc em bé chào đời. Khoảnh khắc mổ lấy thai cho chị, tôi thực sự rất tự hào và hạnh phúc thay cho gia đình. Đó là thành quả đầu tiên trong tiến trình đồng hành cùng các bệnh nhân hiếm muộn. Và đã trở thành động lực to lớn để tôi và đồng nghiệp tiếp tục học hỏi, làm được nhiều điều ý nghĩa hơn cho các cặp vợ chồng đang khao khát tìm con.

 

 

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Dược Huế với tấm bằng giỏi, bác sĩ Lĩnh (33 tuổi) là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa học. Năm 2017, được sự động viên của lãnh đạo Sở Y tế, bác sĩ Lĩnh quyết định về công tác tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, lúc ấy vừa mới được thành lập. 

Dự định ban đầu, vị bác sĩ trẻ mong muốn học chuyên sâu để nâng cao tay nghề trong lĩnh vực sản – phụ khoa. Như một cơ duyên, công tác điều trị hiếm muộn đã gắn bó với chàng trai trẻ kể từ năm 2018. Lĩnh được cử đi học lớp điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Khoa Hiếm muộn chính thức bắt đầu hoạt động vào năm 2019 với sự tham gia điều trị chính là bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh sau thời gian học hỏi và chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh).

Thời quan qua, bác sĩ Lĩnh đã hỗ trợ thực hiện rất nhiều trường hợp thành công mà câu chuyện của họ là minh chứng cho sự kỳ diệu của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại, phép màu được hiện thực hóa giữa đời thường. Như trường hợp của chị H.T ở huyện Trà Bồng, ước mơ lớn nhất đời chị là có thêm đứa con vì đã nhiều năm chạy chữa nhưng không thành. Khi đến với Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh), niềm hy vọng của vợ chồng chị được nhen nhóm khi có kết quả mang thai. Nhưng hy vọng lại sớm thành nỗi ám ảnh khi kết quả thai ngoài tử cung. 

“Bệnh nhân bị hiếm muộn, đến khi có thai thì lại là thai ngoài tử cung. Đó là nỗi buồn rất lớn đối với gia đình cũng như với bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân đã cố gắng rất nhiều, chị T không hề bỏ cuộc mà tiếp tục theo quy trình điều trị tại bệnh viện. Cuối cùng kết quả cũng trọn vẹn, chị đã có con như mong muốn”, bác sĩ Lĩnh kể lại hành trình tìm con đầy chông gai của chị T.

Trong công tác điều trị hiếm muộn, nếu không giữ vững tâm đức, người làm nghề y rất dễ bị cám dỗ và sa vào vòng xoáy của đồng tiền. Nhưng với bác sĩ Lĩnh, được bệnh nhân tin tưởng tìm đến, đó là cái duyên trời định. Nên vị bác sĩ trẻ này luôn tâm niệm phải giữ chữ tâm và chữ đức với nghề để làm những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân.

 

Trong điều trị hiếm muộn, bác sĩ vừa tư vấn về chuyên môn, vừa phải điều trị về tâm lý cho bệnh nhân. Khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn. Nhưng bác sĩ Lĩnh luôn giữ vững phong thái niềm nở, ân cần, nhẫn nại và chu đáo với bệnh nhân. Khi nhận hỗ trợ cho bất kỳ trường hợp nào, bác sĩ Lĩnh luôn đặt hết tâm huyết nhằm giúp các gia đình thành công. “Với những trường hợp không thành công ở lần đầu tiên, chỉ cần gia đình có niềm tin, không từ bỏ hy vọng, cùng với sự hỗ trợ của các kỹ thuật hiện đại, các y, bác sĩ của Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa để giúp các gia đình có kết quả trọn vẹn”, bác sĩ Lĩnh nhắn nhủ.

 

 

Kể từ khi được thành lập, Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh) đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn chữa trị thành công bằng phương pháp IUI. Hiện khoa đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó trong điều trị hiếm muộn nam và nữ, như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung, xét nghiệm nội tiết sinh sản nam, nữ; kích trứng, lọc rửa tinh trùng, xét nghiệm tinh dịch đồ…

 

Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó trong điều trị hiếm muộn nam và nữ.
Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh) đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó trong điều trị hiếm muộn nam, nữ.

Tuy nhiên, IUI chỉ có thể đáp ứng điều trị thành công cho khoảng 20 - 30% cặp vợ chồng hiếm muộn sinh được con. Phần lớn tỷ lệ còn lại là khoảng 60 - 80% cặp vợ chồng hiếm muộn cần được can thiệp kỹ thuật hiện đại hơn là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến – Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cho biết, công tác điều trị hiếm muộn bằng phương pháp IUI ở bệnh viện có tỷ lệ thành công khá cao. Sắp tới, bệnh viện sẽ triển khai IVF với kinh phí đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Đây là kỹ thuật hiện đại, mang lại hiệu quả cao nhất trên thế giới hiện nay. 

 

Con cái chính là tài sản vô giá, là thành quả của sự vun đúc tình yêu của mỗi cặp vợ chồng. Trong 3 năm qua, bác sĩ Lĩnh và Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh) đã nhiều lần viết lên câu chuyện cổ tích trên hành trình tìm con cho không ít cặp vợ chồng. Và những câu chuyện cổ tích ấy sẽ còn tiếp nối khi bác sĩ không ngừng nâng cao tay nghề và thực hiện sứ mệnh giúp cặp vợ chồng hiếm muộn chạm đến hạnh phúc thiêng liêng…

 

Thực hiện: T.PHƯƠNG – T.NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:06, 22/08/2023