[Emagazine]. Lời giải cho bài toán sau sáp nhập - Kỳ 2: Gặp khó trong sắp xếp, xử lý cán bộ, công chức, tài sản dôi dư

21:45, 29/08/2023
.
a
 

KỲ 2: GẶP KHÓ TRONG SẮP XẾP CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, TÀI SẢN DÔI DƯ

 

(Baoquangngai.vn)- Sáp nhập một số cơ quan, đơn vị hành chính là nhằm tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đã hơn 3 trăm trôi qua, huyện Trà Bồng vẫn còn lúng túng trong việc sắp xếp số cán bộ, công chức và tài sản dôi dư sau sáp nhập.

 

[Video]- Những bất cập phát sinh sau sắp xếp đơn vị hành chính:

 

Trước đây, huyện Trà Bồng và Tây Trà cũng từng là một huyện, với tên gọi chung là Trà Bồng. Nhưng rồi, do diện tích tự nhiên quá lớn, khoảng cách giữa các khu dân cư đến trung tâm xã, huyện quá xa, việc phát triển giữa các khu vực mất cân đối, nên huyện Trà Bồng được tách ra thành huyện Tây Trà và Trà Bồng. Đến năm 2020, hai huyện này lại được nhập trở lại…

 

Cổng chào huyện Tây Trà (cũ) đã trở thành ký ức của nhiều người với bao xúc động. Giờ đây, nhắc đến Tây Trà chỉ còn là những ngổn ngang.
Sau khi sáp nhập vào huyện Trà Bồng, nhiều trụ sở, khu vực dân cư ở trung tâm huyện lỵ Tây Trà cũ bị bỏ hoang và vắng vẻ.
 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CB,CC,VC & NLĐ) hợp đồng ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trước khi sắp xếp đơn vị hành chính là 1.302 người. Trong đó, huyện Tây Trà có 523 người, huyện Trà Bồng (cũ) có 779 người. Đối với cấp xã, tổng số CB,CC và người hoạt động không chuyên trách là 227 người (CB,CC: 115 người, không chuyên trách: 112 người). 

 

Sau khi sáp nhập, ở cấp huyện, tổng số CB,CC,VC & NLĐ hợp đồng tiếp tục được bố trí sử dụng tại huyện Trà Bồng (mới) tính đến ngày 10/3/2023 là 1.245 người (CB,CC: 75 người, VC: 1.170 người). Số CB,CC,VC được tinh giản so với trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện là 169 người (số được điều chuyển công tác ra khỏi địa bàn huyện: 142 người; số dôi dư được tinh giản: 27 người).

Đối với cấp xã, tổng số CB,CC, người hoạt động không chuyên trách là 108 người (CB,CC: 73 người, không chuyên trách: 35 người), giảm 119 người so với trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng CB,CC dôi dư đang xem xét, bố trí theo lộ trình giảm dần trong thời gian 60 tháng là 10 người.

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Trà Bồng Hồ Thị Vân, hiện nay, ở cả khối Đảng và Nhà nước, toàn huyện giảm từ 215 biên chế xuống còn 168 biên chế. Đối với CC cấp xã, giảm từ 116 người xuống còn 69 người. Số lượng người hoạt động không chuyên trách giảm trên 70 người. Số lượng cấp phó giảm từ 83 người xuống còn khoảng 50 người. Hiện nay, đối với cấp xã, còn dư 1 CB và 8 CC. Đến năm 2025, huyện sẽ giảm thêm 7 cấp phó;  số lượng CB,CC,VC và NLĐ phải quay trở về với số lượng tương đồng như huyện Ba Tơ.

Chúng tôi có dịp trở lại với xã Trà Nham cũ, một phần của xã Hương Trà bây giờ, nơi có vùng chè nức tiếng ở phía Bắc đỉnh núi Cà Đam. Như bao ngôi làng sáp nhập vào xã mới, thôn Trà Huynh, trung tâm xã Trà Nham cũ vắng lặng chưa từng thấy. Bao bộn bề, khó khăn bao vây người dân nơi đây.

Từ một cán bộ ưu tú với bao khát vọng đước cống hiến cho quê hương, sau khi bị tinh giản, anh Hồ Văn Vàng chỉ còn biết quanh quẩn ở nhà.
Từ một cán bộ với bao khát vọng được cống hiến cho quê hương, nhưng sau khi bị tinh giản biên chế, anh Hồ Văn Vàng phải trở về nhà và đi làm thuê để kiếm sống.

 

Nhấp ngụm nước chè đắng, nước mắt anh Hồ Văn Vàng (35 tuổi) như chực trào. Anh Vàng đã tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn và được trở về với quê hương nơi mình sinh sống để làm việc. Nhờ vào sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của bản thân, không lâu sau, anh Vàng được bầu là Phó Bí thư Đoàn xã Trà Nham cũ và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa vào quy hoạch lãnh đạo xã. Đến năm 2016, anh Vàng được luân chuyển lên huyện công tác và phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Trà. Sau ngày sáp nhập huyện Tây Trà về Trà Bồng, anh Vàng nằm trong số những CB, CC dôi dư phải tinh giản sau hơn 7 năm công tác và được hỗ trợ hơn 50 triệu đồng theo số năm đóng BHXH. Ngoài ra, anh không còn được nhận bất kỳ chế độ, chính sách nào khác.

“Gia đình không có nương rẫy, hơn một năm nay, tôi chỉ biết quẩn quanh ở nhà phụ giúp vợ bán tạp hóa. Thế nhưng, việc buôn bán cũng ế ẩm. Mong Nhà nước xem xét, ban hành những chính sách đặc thù, ưu tiên giải quyết việc làm cho cán bộ trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã sáp nhập”, anh Vàng trải lòng.

[Video]- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương nói về khó khăn trong xử lý tài sản và cán bộ, công chức dôi dư:

 

 

 

Sau khi sáp nhập xã Trà Trung và xã Trà Thọ thành xã Trà Tây, trụ sở của UBND xã Trà Thọ là trụ sở làm việc chính của UBND xã Trà Tây. Có 3 cơ sở nhà, đất của xã Trà Trung, gồm: trụ sở UBND xã, nhà làm việc của lực lượng dân quân, công an xã được tiếp tục sử dụng ở địa phương. Tuy nhiên, hiện một số trụ sở ở đây nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nên phải thanh lý, tháo dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong mùa mưa bão. 


Ở Hương Trà, sau khi sáp nhập từ xã Trà Nham và Trà Lãnh, trụ sở của UBND xã Trà Lãnh được chọn làm trụ sở làm việc chính cho xã Hương Trà. Trụ sở làm việc của UBND xã Trà Nham trước đây được điều chuyển cho Trường Mầm non số 2 Hương Trà làm nhà hiệu bộ. Nhà kho và trụ sở công an xã được giữ lại, tiếp tục sử dụng.


Còn ở Sơn Trà, sau khi sáp nhập xã Trà Quân và xã Trà Khê thì trụ sở của xã Trà Khê được chọn làm trụ sở làm việc chính cho xã. Các cơ sở nhà, đất của xã Trà Quân trước đây, gồm: trụ sở làm việc, nhà kho, nhà làm việc của lực lượng xã đội và tiểu đội dân quân thường trực được điều chuyển cho Trường THCS Sơn Trà quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, một thực tế ở các địa phương này là, sau sáp nhập, số lượng CB,CC tại các đơn vị hành chính cấp xã tăng lên rất nhiều, nhưng nhiều trụ sở UBND cấp xã mới đã xuống cấp, diện tích phòng làm việc nhỏ… Tại trụ sở UBND xã Sơn Trà, trông bên ngoài khang trang, bề thế, nhưng chỉ có 8 phòng làm việc. Có phòng phải ghép 3, 4 hội, đoàn thể cùng ngồi trong diện tích hơn 10m2, nên việc để giấy tờ, trang thiết bị, cũng như việc đi lại rất khó khăn.

“Không gian làm việc chật chội làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác. Đồng thời, do không có nhà công vụ, nên CB,CC phải chia nhau đến nhà dân nấu nhờ cơm ăn trưa để kịp vào làm việc buổi chiều. Điều kiện làm việc và đời sống của CB,CC gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trà Hồ Văn Tâm cho hay.

Trụ sở UBND xã Sơn Trà.
Trụ sở UBND xã Sơn Trà.
Không có nhà công vụ, cán bộ, công chức tại xã Sơn Trà chia nhau đến nhà dân nấu cơm ăn trưa.
Không có nhà công vụ, cán bộ, công chức xã Sơn Trà chia nhau đến nhà dân nấu nhờ cơm ăn trưa sau mỗi buổi làm việc.

 

Đây cũng là tình trạng chung ở các xã sau khi sáp nhập đơn vị hành chính như Hương Trà, Trà Tây. Trung tâm hành chính các xã xây dựng đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, cảnh quan môi trường xung quanh nhếch nhác… Phòng làm việc của bộ phận một cửa, ngoài giờ hành chính thì nơi là chỗ nghỉ ngơi của CB,CC. 

Căn phòng rộng hơn 10m2 ngoài các loại giấy tờ, tài liệu, trang thiết bị thì còn được chia ra làm nơi làm việc của 3 - 4 hội, đoàn thể một lúc.
Nhiều căn phòng rộng hơn 10m2 nhưng có rất nhiều người ngồi làm việc.
 

Trước đây, khi còn làm việc ở xã Trà Trung cũ, hằng ngày, chị Đinh Thị Trỉa (38 tuổi), CC của Văn phòng UBND xã Trà Tây lên, xuống 40km mỗi lượt đi, về từ thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đến trụ sở làm việc và ngược lại. Nhưng từ khi thành lập xã Trà Tây, chị phải di chuyển quãng đường đi, về dài gấp 2,5 lần, với khoảng hơn 100km. Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều CB,CC đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong khi thu nhập thì không tăng. “Chúng tôi mong sớm có trụ sở mới để làm việc, nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của địa phương”, chị Trỉa bày tỏ.

[Video]- Lãnh đạo xã Trà Tây nói về mong muốn được đầu tư cơ sở hạ tầng, nơi ăn ở cho cán bộ:

 

 

Với trách nhiệm được giao, sau khi sáp nhập, huyện Trà Bồng mới đã và đang nỗ lực sắp xếp cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Tây Trà cũ theo hướng dẫn của Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về quy định việc sắp xếp, xử lý các tài sản công.

Đối với trụ sở dôi dư ở cấp xã, huyện cơ bản giải quyết xong, đảm bảo thời gian, yêu cầu đặt ra. Đối với các trụ sở đóng trên địa bàn trung tâm huyện Tây Trà trước đây, huyện điều chuyển 2 cơ sở nhà, đất của Huyện ủy, 1 cơ sở nhà, đất của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho UBND xã Trà Phong quản lý, sử dụng. Điều chuyển 1 cơ sở nhà, đất là nhà ở tập thể của UBND huyện cho Trường Tiểu học Trà Phong; 1 cơ sở nhà, đất của Trung tâm Chính trị huyện cho Trường Phổ thông DTNT THCS Tây Trà; 1 cơ sở nhà, đất của Phòng GD&ĐT huyện cho Trường THCS Trương Ngọc Khang…

Trụ sở UBND huyện được bố trí làm bộ phận một cửa; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa và Thể thao huyện được giữ lại để làm cơ sở 2 phục vụ cho các xã phía tây huyện Trà Bồng bây giờ.

Hàng loạt trụ sở bị bỏ hoang sau sáp nhập, gây lãng phí tài sản công.
Hàng loạt trụ sở bị bỏ hoang sau khi sáp nhập.

 

Điều đáng nói hiện nay là, phần lớn các trụ sở của huyện Tây Trà (đã xử lý bàn giao và chưa bàn giao) đều không phát huy hết công năng, gây lãng phí lớn. Từ chỗ là bộ mặt của trung tâm huyện lỵ Tây Trà cũ và của xã Trà Phong, thì giờ đây, nhiều trụ sở phải cửa đóng, then cài, trở thành nơi chăn, nhốt gia súc, gây mất mỹ quan và ngày càng xuống cấp.

Chúng tôi ghé thăm trụ sở UBND huyện Tây Trà cũ, nơi được bố trí cho bộ phận một cửa huyện Trà Bồng làm việc để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân khu vực phía Tây của huyện. Đón chúng tôi, chị Hồ Thị Bích Giang (43 tuổi), công chức Phòng LĐ-TB&XH huyện làm việc ở đây tỏ ra rất vui, vì đã rất lâu mới có người ghé đến. Chị Giang cho hay, cách đây hơn 3 năm, sau khi thực hiện việc sáp nhập 2 huyện, chị được biệt phái lên Tây Trà làm việc tại bộ phận một cửa. Từ đó cho đến nay, chỉ có chị và 1 công chức khác thường trực, tiếp nhận, xử lý hồ sơ bảo trợ xã hội và đất đai… cho người dân, trong một trụ sở quá rộng lớn, quy mô.

Trụ sở UBND huyện Tây Trà (cũ) nay được bố trí cho bộ phận một cửa huyện Trà Bồng. Tuy diện tích rộng lớn, trụ sở bề thế nhưng lại vắng bóng người dân.
Trụ sở UBND huyện Tây Trà cũ nay được bố trí cho bộ phận một cửa huyện Trà Bồng. Tuy diện tích rộng lớn, trụ sở bề thế nhưng lại vắng bóng người dân.
 
 

Hiện nay, địa phương đang vướng mắc trong việc xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư đối với Trung tâm Chính trị huyện; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Riêng Trung tâm Chính trị huyện nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nên được đề xuất thanh lý, dỡ bỏ, nhưng chưa có hướng dẫn về việc này. Muốn xử lý khối tài sản này thì huyện cần có văn bản trình UBND tỉnh thông qua, để Sở Tài chính tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính xem xét. 

Với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, có diện tích hơn 15 nghìn m2, huyện đề xuất phương án bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hiện tại, huyện đang xem xét trình UBND tỉnh điều chỉnh từ đất ở nông thôn sang đất thương mại, dịch vụ cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương và tính khả thi khi đưa ra đấu giá. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 đối với vị trí thửa đất nêu trên cho phù hợp với quy định. 

Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (huyện Tây Trà cũ) vào tháng 2 vừa qua.
Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (huyện Tây Trà cũ) vào tháng 2 vừa qua.

“Phương án bán đấu giá đã được tính đến, nhưng việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng thì không phải chuyện dễ đối với các xã miền núi, do các tài sản công nằm ở vị trí không có giá trị kinh tế, nhất là sau khi sáp nhập, đất đai mất giá. Người dân thì đa số là hộ nghèo, còn phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước nên không có khả năng đấu giá tài sản. Do đó, địa phương chưa tìm được phương án tối ưu trong việc giải quyết khối tài sản lớn dôi dư này”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương cho biết.

[Video]- Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Đình Trung giải đáp về vướng mắc  trong việc xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư đối với Trung tâm Chính trị và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện Tây Trà trước đây.

 

[Video]- Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Đình Trung nói về phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất dôi dư trên địa bàn huyện Trà Bồng sau sáp nhập:

 

Nút thắt lớn nhất hiện nay của huyện Trà Bồng là việc xử lý tài sản công đối với trụ sở thuộc ngành dọc của cơ quan trung ương tại huyện Tây Trà cũ, gồm: Viện kiểm sát nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện, BHXH huyện, Chi cục Thuế huyện. Làm việc với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Đình Trung cho biết, hiện tại cơ quan BHXH huyện, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện đã có quyết định điều chuyển tài sản từ trung ương về cho tỉnh quản lý. Trên cơ sở đó, tỉnh đã điều chuyển cho huyện Trà Bồng xây dựng phương án tiếp theo là bán hoặc sử dụng. Các trụ sở còn lại, tỉnh đã trình xin ý kiến của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, nhưng chưa có phản hồi. 

Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc xử lý, song, với những tồn tại, bất cập nêu trên đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Mong rằng, các sở, ban, ngành của tỉnh và trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ huyện Trà Bồng xử lý dứt điểm những tồn tại sau sáp nhập, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp CB,CC,VC và NLĐ an tâm công tác.

(Còn nữa)

KỲ 3: CHUNG TAY CÙNG TRÀ BỒNG GỠ KHÓ

Thực hiện: Đ.NGUYỄN - T.HẬU - T.NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:45, 29/08/2023