[Emagazine].Trang phục truyền thống của người Ca Dong

14:24, 25/07/2023
.
 
 
 

Chừng vài chục năm trước, bên cửa sổ trong nhiều mái nhà sàn của người Ca Dong vẫn còn tiếng bật bông, xe chỉ, vẫn còn hình bóng những người mẹ lặng yên bên khung dệt bằng tre nứa. Họ đã để lại cho người Ca Dong ngày nay một di sản văn hóa là những chiếc váy, chiếc khố, chiếc khăn quàng... rực rỡ sắc màu.  

Ngồi bên những người già ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), họ mang ra cho chúng tôi xem những tấm thổ cẩm và giải thích nguồn gốc từng loại sắc màu được dệt bằng những sợi chỉ nhuộm từ những thứ có sẵn nơi rừng núi. Màu đỏ thẫm lấy từ nước lá trầu sau khi giã với cau hạt, hoặc chiết từ vỏ cây seng, biểu tượng cho mặt trời. Màu xanh đằm thắm được chiết từ cây chàm (taram), biểu tượng bầu trời, sông suối. Màu vàng dịu dàng được chiết từ củ nghệ, củ mơ gang, là biểu tượng cho ánh trăng. Màu đen đậm đà được chiết từ cây grao pu trộn với nhọ nồi, rau lang, than (đốt từ nứa tươi, hoặc hạt bắp) giã nhuyễn, biểu tượng cho đất đai. Màu trắng thâm trầm được tạo từ đá vôi, vỏ ốc, vỏ cua, trứng gà, biểu tượng cho mây mưa...

Các chàng trai, cô gái Ca Dong trong trang phục truyền thống.                Ảnh: Đăng Vũ
Các chàng trai, cô gái Ca Dong trong trang phục truyền thống.                Ảnh: Đăng Vũ

Quả là, những sắc màu trong những tấm thổ cẩm, với người Ca Dong, như chứa đựng khá đầy đủ vũ trụ quan về thế giới họ đang sống. Con người sống giữa đất trời, khi mặc những tấm thổ cẩm, theo người Ca Dong, là lúc thừa hưởng những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, nên phải biết nâng niu, gìn giữ.

 

Phụ nữ Ca Dong mặc váy, tà phủ dài gần hết đôi chân, được dệt nhiều loại hoa văn bằng những ô hộc khác nhau, mà họ tự hào giải thích, đó là lá đùng đình, là hoa thị, là ổ nhện - nơi trú ngụ của linh hồn mỗi khi lưu lạc, cùng những đường diềm xanh chàm, đỏ bả trầu, vàng nghệ... Trên những chiếc váy cổ, ở đường diềm chân váy, còn có đính những hạt lục lạc đồng nhỏ xíu, để khi thung thăng trên đường tiếng lục lạc reo vui, không chỉ cùng bè bạn mà còn hòa với tiếng gió ngàn, chim chóc. Trên ngực phụ nữ Ca Dong thường có mảnh vải màu đỏ, hay màu vàng, màu trắng, vắt chéo từ vai xuống thắt lưng, hoặc những chùm chỉ màu đỏ, màu vàng thắt quanh eo thon thả.

Trên bộ trang phục của phụ nữ Ca Dong còn có 2 loại, với họ quý giá nhất, đó là chiếc thắt lưng và chiếc talok cring nink, do chính họ làm ra.

 

Người Ca Dong gọi chiếc thắt lưng đa dạng sắc màu là vreat pă. Chúng tôi ngồi bên nghệ nhân ưu tú Đinh Ka La, ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, xem ông xỏ từng hạt cườm bé hơn hạt gạo để làm hai chiếc thắt lưng cho vợ và con gái út. Ông Đinh Ka La cho biết, để làm chiếc vreat pă dài chừng 5 gang tay, rộng gần 3 đốt ngón tay, ông phải ngồi miệt mài bên cửa sổ làm trong cả tuần. Cầm chiếc thắt lưng đã làm xong, ông giải thích từng loại hoa văn. Đó là hình ra wang clân - biểu tượng cho con trăn uốn mình ngoằn ngoèo; hình đhoan kla - biểu tượng tai con hổ với các vòng cong nhấp nhô; hình troong rachầu - biểu tượng cho những nụ hoa rừng 4 cánh sắp nở; hình ka anah đhoai - biểu tượng lá thìa canh (gần giống lá ngón, cây thân dây)...

Vật quý giá thứ hai của phụ nữ là chiếc talok cring nink. Đó là ống đựng thuốc lá bằng nứa, có niềng chung quanh các vòng bằng bạc, bằng dây rừng. Dưới chuôi ống nứa có gắn dải dây nhiều màu và một chùm lục lạc. Khi gia đình sinh con gái, người cha sẽ vào rừng tìm cây nứa già, rồi chặt mang về làm phần ống. Người mẹ sẽ mang heo, gà đi đổi lấy vài chục lục lạc đồng để gắn phần chui. Đó là kỷ vật thiêng liêng nhất của đời con gái.

 

Đàn ông Ca Dong, dường như trước đây ai cũng có khố (kapen), tấm choàng (ramoong) có 3 màu dệt xuôi theo chiều dọc: Xanh chàm, vàng, đỏ, hoặc đen, vàng, đỏ. Ngay từ lúc trưởng thành, để như một rađhăm (hình ảnh người hùng ở núi rừng), con trai Ca Dong còn được ông bà, bố mẹ trao cho những kỷ vật của tổ tiên để lại. Đó là chiếc noot - vòng cổ có hàng trăm chiếc lục lạc đồng; koong katoat - vòng tay lớn có gai, là thứ không chỉ để làm cho “oai hùng”, mà còn là vũ khí. Trong các truyện cổ Ca Dong, thường có hình ảnh những rađhăm như vậy, quấn khố, choàng ramoong, cầm giáo, mang noot, đeo koong avot, buột dải băng đỏ trên đầu, tóc cắt ngang trán, như các “người hùng” Grăng Hoa, Grăng Tecpia, Yang Ing... Nhưng hình ảnh đó không chỉ có trong huyền thoại từ thuở nào, mà đó cũng chính là hình ảnh của các chàng trai, đàn ông Ca Dong ngày nay trong mùa lễ hội.

 

Vào những ngày lễ hội, hay đi hái lúa pađhâm (lúa thiêng) trên rẫy về, phụ nữ Ca Dong huyện Sơn Tây lại mặc váy thổ cẩm, thắt yếm màu khi đỏ, khi vàng, đeo các loại trang sức trên cổ, trên tay, trên cổ chân, rồi đeo vào thắt lưng chiếc vreat pă, giắt vào thắt lưng chiếc cring nink. Đàn ông thì mặc khố, phủ tấm ramoong, cầm giáo, hoặc rựa, đeo những chiếc vòng đồng, vòng bạc.

Nghệ nhân chuyên hát ranghế Đinh Thị Xanh (72 tuổi), ở thôn Huy Em, Sơn Mùa bảo rằng, khi làm lễ ăn trâu, đàn ông, đàn bà phải lấy cái gì đẹp nhất đem ra làm đẹp để cho con trâu và thần linh "nó" thấy. Mà "nó" thấy, "nó" mới mến mộ, ngưỡng mộ con người, rồi "nó" sẽ giúp cho mình. Chị Đinh Thị Điêm (26 tuổi), thành viên Câu lạc bộ văn hóa dân gian Sơn Mùa, người được cha mình là ông Đinh Ka La làm cho chiếc thắt lưng chia sẻ, khi đi lấy lúa thiêng, phải mặc đẹp, phải đeo vòng cườm, vreat pă, giắt cring nink. Tiếng cring nink reo vang đánh thức hồn lúa dậy, rồi hồn lúa thấy người ăn mặc đẹp mới đi theo. Qua đồi qua suối, nhờ có tiếng cring nink mà hồn lúa sẽ không bị lạc đường. 

 

 

 

Nôi dung: NGUYỄN  ĐĂNG VŨ
Trình bày: L.H

 

 


 

Xuất bản lúc: 14:24, 25/07/2023